Gây quỹ cộng đồng là một hình thức kêu gọi vốn tuyệt vời dành cho những cá nhân, tổ chức nhỏ, giúp họ có cơ hội quảng bá cũng như tiêu thụ các dự án sản phẩm tâm huyết của họ. Đã có không ít phát minh, thuộc đủ các lĩnh vực khác nhau, được đến gần với người tiêu dùng hơn nhờ hình thức này, thông qua nhiều website crowdfunding nổi tiếng như Kickstarter hay Indiegogo. Tuy nhiên, cũng có không ít kẻ gian đã lợi dụng hình thức kêu gọi vốn từ cộng đồng để trục lợi cho bản thân mình.
Mới đây, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã chính thức cấm vĩnh viễn thanh niên có tên Doug Monahan, sống tại bang Texas, Mỹ, tổ chức hoặc tham gia bất kì sự kiện crowdfunding nào trên thế giới. Nguyên nhân là do vào năm 2015, Doug từng gây quỹ cho dự án cá nhân “iBackPack”, thu hút hơn 4000 người ủng hộ với số tiền lên đến 800.000 USD. Tuy nhiên, thay vì sử dụng số vốn tương đối lớn này để đầu tư sản xuất sản phẩm, Doug lại dùng nó để trả nợ, và “nướng” sạch số còn lại vào Bitcoin.
Crowdfunding là hình thức rất được ưa chuộng với những cá nhân, tổ chức có nhiều ý tưởng sản phẩm hay nhưng lại thiếu hụt kinh phí sản xuất.
Theo thông tin Doug cung cấp trên Kickstarter và Indiegogo, “iBackPack” có thể xem là mẫu balo đến từ tương lai với rất nhiều tính năng hiện đại. Trong đó phải kể đến khả năng sạc không dây cho các thiết bị điện tử của người dùng, hệ thống loa stereo, cung cấp nhiều loại dây nói và có thể tích hợp cả wifi tùy phiên bản.
Tuy nhiên, theo báo cáo của FTC, Doug chưa bao giờ dùng số tiền thu được để sản xuất mẫu balo trong mơ trên đây cả. Thay vào đó, anh chàng này lại sử dụng hơn 800.000 USD để đầu tư mua tiền mã hóa Bitcoin, thanh toán số nợ tín dụng và mua quảng cáo cho một số công ty khác. FTC cho biết họ bắt đầu điều tra dự án “iBackPack” của Doug sau khi nhận được rất nhiều kiến nghị từ phía những người đã ủng hộ anh. Họ cho biết dù đã đóng góp tiền từ rất lâu rồi nhưng họ vẫn chưa nhận được bất kì 1 chiếc balo nào từ anh chàng này.
Chưa dừng lại ở đó, khi bị dân tình bóc phốt, Doug thậm chí còn đe dọa họ theo nhiều cách khác nhau nhằm bưng bít hành động của mình. Tại phiên điều trần diễn ra vào cuối năm ngoái, một số người bị hại cho biết anh cậy có đầy đủ thông tin cá nhân, địa chỉ nhà của những người ủng hộ mình và hăm dọa không cho họ làm rùm beng vụ việc này.
Số tiền Doug lừa được người dùng được sử dụng vào mục đích trả nợ và đầu tư Bitcoin.
Sau tất cả, Doug Monahan đã bị FTC cấm vĩnh viễn không cho triển khai bất kì dự án crowdfunding nào. Tuy nhiên, đáng tiếc là họ không thể lấy lại được khoản tiền mà dân tình đã ủng hộ dự án ảo của anh chàng này, vì rõ ràng là anh đã tiêu hết sạch không chừa lại một đồng nào. Ngoài ra, Doug cũng sẽ phải liên tục báo cáo tình hình tài chính cá nhân trong vòng 20 năm tới. Nếu có bất kì dấu hiệu bất thường nào, các cơ quan chuyên trách sẽ lập tức vào cuộc điều tra và buộc anh phải hoàn trả những khoản tiền không phải của mình.
Theo Andrew Smith, thuộc Cục Bảo vệ Người tiêu dùng Mỹ nhấn mạnh: “Crowdfunding là 1 hình thức gọi vốn hợp pháp cho sản phẩm kinh doanh của bạn. Vậy nên, bạn phải sử dụng số tiền thu được để phục vụ cho sản phẩm kinh doanh mà bạn quảng cáo, không lạm dụng và chiếm đoạt nó cho nhu cầu cá nhân của mình”.
Mặt khác, Indiegogo và Kickstarter cho biết họ không thể đảm bảo tất cả những dự án đăng tải trên nền tảng của họ đều có thật hoặc đúng như những lời quảng cáo của đơn vị gọi vốn. Ngoài ra, không phải sản phẩm nào cũng được họ review, đánh giá kĩ càng trước khi chính thức bắt đầu gây quỹ. Vì vậy, tốt hơn hết nếu bạn có ý định ủng hộ 1 dự án nào đó, hãy tự nghiên cứu và tìm hiểu một chút về thông tin sản phẩm, cá nhân/tổ chức chịu trách nhiệm sản xuất, thông tin liên hệ,... Điều đó sẽ giúp giảm nguy cơ bị kẻ gian lợi dụng lòng tin và chiếm đoạt tài sản như trường hợp trên đây.
Theo PCmag