Gia đình - Những mảnh ghép hoàn hảo từ sự bất toàn

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 20/06/2022

Câu chuyện gia đình đôi vợ chồng khuyết tật Bảo - Thu, hay gia đình mẹ đơn thân của chị Uyên chính là minh chứng thuyết phục nhất cho thông điệp: "Gia đình, cũng như sự an toàn, được sinh ra từ tình yêu, không phải định kiến".

Bạn có biết, trường đại học Harvard bỏ ra 75 năm và 20 triệu USD cho cuộc nghiên cứu đi tìm điều khiến con người hạnh phúc. Theo nhà tâm lý học George Vaillant, một trong những người chỉ đạo cuộc nghiên cứu, có 2 yếu tố nền tảng quyết định hạnh phúc: “Một là tình yêu. Hai là tìm cách đối phó với những khó khăn của cuộc sống mà không đánh mất tình yêu”. 

Câu chuyện gia đình đôi vợ chồng khuyết tật Bảo – Thu, hay gia đình mẹ đơn thân của chị Uyên chính là minh chứng thuyết phục nhất cho thông điệp: "Gia đình, cũng như sự an toàn, được sinh ra từ tình yêu, không phải định kiến".

Gia đình - Những mảnh ghép hoàn hảo từ sự bất toàn - Ảnh 1.
Gia đình - Những mảnh ghép hoàn hảo từ sự bất toàn - Ảnh 2.

Tình yêu của chị Thu – anh Bảo bắt đầu từ… một đôi giày patin. 

Người con gái mang cái tên mùa thu những tưởng cuộc đời mình trôi qua trong đơn độc, khi phần cơ thể khiếm khuyết tước đi của chị khả năng vận động và sự tự tin. Cuối năm 2019, thuật toán AI của Facebook hiển thị trên tường hình ảnh chàng trai mất một chân như chị đang tham gia cuộc thi chạy. Bức ảnh toát ra năng lượng tích cực, tràn đầy lạc quan yêu đời thôi thúc chị tìm hiểu thêm về con người ấy. Anh tham gia nhiều bộ môn thể thao như bơi lội, leo núi, thậm chí có thể trượt patin chỉ với một chân. Ấn tượng với người con trai nghị lực, lần đầu tiên chị Thu chủ động ấn nút kết bạn với một người khác giới xa lạ. 

Hai người chính thức trò chuyện khi chị “bạo gan” comment vào bài post anh Bảo hỏi xem ai muốn học patin. Anh nhắn tin riêng, bảo sẽ tặng chị 1 chiếc giày. Thật trùng hợp, anh thiếu đi chân trái, chân phải chị chẳng vẹn lành. Ghép lại, hữu duyên vừa vặn một đôi giày. 

Gia đình - Những mảnh ghép hoàn hảo từ sự bất toàn - Ảnh 3.

Ngay lần hẹn đầu tiên, hai người chung hoàn cảnh cảm nhận sự đồng cảm và chân thành từ phía đối phương. “Quen chưa bao lâu, anh mời mình về nhà dự đám giỗ mẹ, rồi bất ngờ đưa mình ra mắt họ hàng, xem ngày đẹp là tổ chức đám cưới luôn”, chị mỉm cười hồi tưởng. 

Chẳng thấy con gái kể chuyện yêu đương bao giờ, đùng cái bàn chuyện cưới xin, bố mẹ chị hoảng hốt. Sao không tìm người lành lặn đỡ đần sau này; Chăm bẵm con cái kiểu gì; Suy nghĩ chín chắn chưa sao quyết định bồng bột vậy…. Giữa bao hoài nghi, anh Bảo chị Thu nắm chặt tay nhau, xác quyết: “Cuộc sống của mình là do mình quyết định, sướng khổ như nào mình rõ hơn ai hết. Gặp đúng người đúng thời điểm. Chốt!”

Gia đình - Những mảnh ghép hoàn hảo từ sự bất toàn - Ảnh 4.
Gia đình - Những mảnh ghép hoàn hảo từ sự bất toàn - Ảnh 5.

… 1 tháng sau khi cưới, anh chị biết tin mình có em bé.  

Ngắm nhóc con khỏe mạnh chạy giỡn trong công viên, hai vợ chồng cười mãn nguyện. Hạnh phúc là đây chứ đâu xa. Anh Bảo chia sẻ mình thích triết lý của nghệ thuật Kintsugi, dùng vàng vá những mảnh vỡ. Món đồ không còn lành lặn mang sắc thái mới, kiên cường vững chãi hơn. Anh nghĩ, nếu khiếm khuyết cơ thể là những mảnh vỡ thì tình yêu, nỗ lực là vàng ròng. 

Dù đôi lúc chạnh lòng vì không thể bế bồng con, không chăm chút con như người bình thường, cả hai đều tự tin con mình lớn lên sẽ không tổn thương vì những lời nói gây tổn thương ác ý. “Thay vì buồn tủi, con sẽ tự hào bố mẹ là 2 người bị khiếm khuyết vẫn nuôi con lớn, cho ăn học, trao sự yêu thương bằng những hành động thiết thực, dành thời gian cho con…”. 

Gia đình - Những mảnh ghép hoàn hảo từ sự bất toàn - Ảnh 6.

Nhận lời mời tham gia chiến dịch “Đợi tới lúc an toàn” mùa 2, cả hai vợ chồng đều hào hứng. Họ muốn mang đến một thông điệp: người khuyết tật cần sự thông cảm chứ không cần thương cảm. Bởi họ cũng như người bình thường, thậm chí nội tại còn mạnh mẽ hơn nhiều người khác. Chị Thu kết luận: “Chỉ cần quan tâm, yêu thương, chăm sóc lẫn nhau thì kể cả những người khuyết tật hay người lành lặn, hay là ai đi chăng nữa; cũng đều xứng đáng có hạnh phúc gia đình”. 

Gia đình - Những mảnh ghép hoàn hảo từ sự bất toàn - Ảnh 7.

Mỗi lần thấy khẩu hiệu “Gia đình 2 con vợ chồng hạnh phúc”, chị Thục Uyên lại phì cười: “Nhà một mẹ một con vẫn hạnh phúc đây”. 

Chị Uyên từng kết hôn và có gia đình đủ đầy, vì yêu mà từ giã Sài Gòn theo chồng lên Đà Lạt sinh sống. Nhưng ở với nhau một thời gian, chị lờ mờ nhận ra người đầu ấp tay gối không hợp với cuộc sống gia đình. Anh thích cuộc sống bay bổng, có nhiều sự riêng tư. Riêng với chị, phố núi buồn tẻ kia không thể nào trói chân được mẫu người phụ nữ năng động và nhiều hoài bão. 

“Mình từng là người mẫu ảnh, trang điểm, stylist, kinh doanh riêng tại Sài Gòn. Nhưng sinh sống tại Đà Lạt công việc không phát triển được, nguồn kinh tế bị ảnh hưởng, tinh thần suy giảm… Khi mang thai, mình càng hoang mang, cảm thấy môi trường này khó tạo điều kiện cho con phát triển”, chị hồi tưởng. 

Cân nhắc rất lâu, cố tìm lý do nắm níu nhưng không chia sẻ được tiếng nói chung với chồng, chị quyết định buông bỏ khi bé Hill con chị được 1 tuổi. Bản thân ba mẹ chia tay nhau khi chị mới 3 tuổi, chị Uyên ý thức rõ chỉ có cách không che giấu mà cùng con đồng hành, sẻ mới là cách tốt nhất tránh cho con những tổn thương.

Gia đình - Những mảnh ghép hoàn hảo từ sự bất toàn - Ảnh 8.

Tránh sao khỏi những lúc chạnh lòng khi bé Hill luôn miệng hỏi thăm ba, muốn có ba… Chị cho rằng gia đình là cái nôi an toàn cho trẻ trưởng thành, đặc biệt phát triển tình yêu thương. Nhưng nếu môi trường ấy quá nhiều xung đột, con sẽ có cảm giác bất an và không tự tin. Chỉ sống bên ba hoặc mẹ, những điều kiện tốt hơn, môi trường thuận lợi hơn, sao không tự tin chọn con đường tốt nhất cho con?

Gia đình - Những mảnh ghép hoàn hảo từ sự bất toàn - Ảnh 9.

Bắt đầu hành trình của một bà mẹ đơn thân là tự mình chấp nhận áp lực gia đình, cộng đồng và chuyện sinh kế. Chị Uyên và thấu hiểu các trường hợp như mình, có người bị chối bỏ khi mang trong mình một sinh linh, bất đắc dĩ trở thành mẹ đơn thân. “Chúng ta đừng sống theo miệng lưỡi người khác. Quá để tâm tới dư luận, mình sẽ tự đẩy bản thân vào đường cùng”, chị Uyên trải lòng.

Gia đình - Những mảnh ghép hoàn hảo từ sự bất toàn - Ảnh 10.

Xinh đẹp, tự chủ - đó là cảm nhận khi tiếp xúc người mẹ đơn thân này. Chị tiết lộ: “Đừng tưởng mình mạnh mẽ mà lầm. Mình từng phải uống thuốc, trị liệu tâm lý trong giai đoạn đầu trở thành mẹ đơn thân, và mất 6 tháng học cách tự chữa lành cho mình”. Chính vì vậy, chị gật đầu ngay khi nhận được lời mời tham gia chiến dịch của Lifebuoy. Chị muốn lan truyền sự khích lệ của mình tới những gia đình có hoàn cảnh tương tự: “Không ai hiểu gia đình bằng mình, hãy cứ bảo vệ gia đình theo cách mà bạn cho là tốt nhất. Nếu nhận được sự đồng cảm và hỗ trợ từ cộng đồng, xã hội thì càng là điều tuyệt vời”.

Gia đình - Những mảnh ghép hoàn hảo từ sự bất toàn - Ảnh 11.

Cuộc sống hiện tại của mẹ con chị đã ổn định. Chị được tự do phát triển trong môi trường năng động. Con chị có nhiều lựa chọn trong cuộc sống và học tập, và vẫn gắn bó với ba dù cách xa địa lý. Với chị Uyên, gia đình tạo ra từ trái tim, chứ không được xác định bằng tờ hôn thú. “Người nhà” không có nghĩa lúc nào cũng phải ở cạnh nhau đầy đủ mới gọi là yêu thương. Chỉ cần thực sự quan tâm, người ta vẫn cảm nhận được hạnh phúc gia đình.

https://kenh14.vn/gia-dinh-nhung-manh-ghep-hoan-hao-tu-su-bat-toan-20220619210606712.chn