Gia đình George Floyd và 600 nhóm dân sự yêu cầu LHQ điều tra cảnh sát Mỹ

Hoài Thanh, Theo Báo Tin Tức 17:26 09/06/2020

Gia đình các nạn nhân từng thiệt mạng vì cảnh sát Mỹ - gồm có George Floyd, Breonna Taylor, Michael Brown và Philando Castile - đã cùng với Liên đoàn tự do dân sự Mỹ (ACLU) và 600 nhóm hoạt động dân quyền ký tên vào bức thư chung gửi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC).

“Tôi muốn mọi người trên thế giới và lãnh đạo Liên hợp quốc xem băng video về anh trai tôi - George Floyd, hãy nghe tiếng khóc kêu cứu của anh ấy và tôi cũng muốn họ trả lời cho tiếng khóc đó… Tôi kêu gọi LHQ giúp anh ấy. Giúp Tôi. Giúp những người da đen tại Mỹ”, Philonese Floyd - em trai của George Floyd viết trong tuyên bố được ACLU phát đi ngày 8/6.

Gia đình George Floyd và 600 nhóm dân sự yêu cầu LHQ điều tra cảnh sát Mỹ - Ảnh 1.

Hình ảnh cho thấy cựu sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin (giữa) ghì chết George Floyd trên phố Minneapolis, Mỹ ngày 25/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong thư, gia đình nạn nhân và các nhóm dân quyền cũng cảnh báo về “cuộc khủng hoảng nhân quyền sâu sắc” tại Mỹ. Họ cho rằng những vụ cảnh sát giết hại người da đen không vũ trang gần đây cũng như sử dụng vũ lực quá mức cho phép, đàn áp người biểu tình đã vi phạm cam kết của Mỹ chiếu theo luật pháp quốc tế.

Họ kêu gọi LHQ lập một nhóm điều tra độc lập để làm rõ việc sát hại, cũng như hành động sử dụng vũ lực nhằm vào người biểu tình, trong đó có việc tấn công người biểu tình và các phóng viên.

Hiện chưa rõ một phiên thảo luận như vậy liệu có sớm được UNHRC tổ chức hay không, trong bối cảnh tổ chức này đã buộc phải hủy phiên họp gần đây nhất trong tháng 3 vì lo ngại COVID-19.

Để tổ chức được một phiên họp đặc biệt tại UNHRC, bước đầu tiên là phải có ít nhất một phần ba trong tổng số 47 thành viên bỏ phiếu thông qua yêu cầu tiến hành họp khẩn. Tình hình còn phức tạp hơn do chính sách của Chính phủ Thụy Sĩ về kiểm soát đại dịch. Nước này vẫn áp dụng biện pháp cấm tụ tập đông người - từ 3000 người trở lên, khiến cho các cuộc gặp mặt tại Geneva gặp khó.

Trước đó, năm 2018, Mỹ đã rút khỏi UNHRC sau khi cáo buộc tổ chức này có định kiến với Israel và phản đối việc bầu chọn một số chính phủ làm thành viên của UNHRC.