Quán cà phê bà Năm nhỏ xíu, im lìm giữa sự náo nhiệt của con đường Phan Bội Châu (Đà Lạt), cái quán nhỏ lặng lẽ đến nỗi nếu lỡ vội bước qua chắc chẳng ai biết đến sự tồn tại của nó. Vỏn vẹn có mấy chiếc bàn, ghế gỗ cũ xì từ thập niên trước, vài món nước cũng chẳng có gì đa dạng như quán xá phố thị, ấy vậy mà bao thế hệ người Đà Lạt cứ mẩn mê.
Lần nọ, tôi ghé bà Năm uống thử ly cà phê để nghe cái mùi cà phê trên này nó khác dưới Sài Gòn ra sao.
- Em uống gì, để tôi làm?
Cách xưng tôi gọi em của người đàn bà lớn tuổi ở xứ này nghe nó lịch thiệp đến lạ.
- Dạ, dì cho con ly cà phê sữa. Mà dì có phải là dì Năm không?
- Không phải đâu em. Tôi là em gái của dì Năm!
Dì Huệ (bà Sáu) - em ruột của bà Năm, thay chị gái quán xuyến quán cà phê trong nhiều năm qua.
Bà Năm đến Đà Lạt vào năm vào năm 1925 sau đó bén duyên với công việc bán cà phê ở bến xe, mãi đến sau này khi được cấp một mảnh đất trên đường Phan Bội Châu thì quán Bà Năm mới chính thức có nơi chốn rõ ràng. Cà phê Bà Năm chính thức ra đời năm 1961, đến nay đã gần 60 năm.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bao biến động đến rồi đi trên mảnh đất cao nguyên này nhưng người phụ nữ nhỏ nhắn và quán nhỏ bình dị ấy vẫn cứ cần mẫn đong đầy từ giọt cà phê đặc quánh, thơm lừng cho khách. Người ta ghé bà Năm không chỉ để thưởng thức cốc cà phê đậm đà, mà còn để nhấm nháp từng khoảnh khắc bình yên của Đà Lạt còn sót lại.
Người ta ghé bà Năm không chỉ để thưởng thức ly cà phê, mà còn để tận hưởng cái phong vị đặc quánh của thành phố sương mù.
Năm 2017, sức khoẻ bà Năm yếu đi trông thấy, người phụ nữ ấy gói ghém lại bao nhiêu tình yêu với Đà Lạt để về Sài Gòn sống cùng con cháu những ngày cuối đời. Kể từ ngày đó, bà Huệ (em gái ruột của bà Năm) thay chị mình quán xuyến cái quán nhỏ, gởi những tâm tư vào từng giọt cà phê.
Bà Năm và bà Sáu luôn chậm rãi dù quán lúc nào cũng đông khách.
Dì Huệ - người phụ nữ Đà Lạt lịch thiệp với mái tóc pha sương luôn bới cao gọn gàng, và cả chiếc áo len úa màu nhưng vô cùng tươm tất, dì vẫn thường bị những vị khách vãng lai như tôi nhầm lẫn là bà Năm.
Có lúc thì dì đính chính, cũng có lúc dì chỉ mỉm cười bởi cái tên bà Năm tồn tại bao nhiêu năm qua dẫu sao cũng đã trở thành hồn cốt của quán.
Dì Huệ hay bị nhầm là bà Năm.
- Bán một mình thế này thì hơi vất vả dì nhỉ? - tôi hỏi vu vơ.
Dì Huệ tay vẫn khuấy đều cốc cà phê cho khách: "Tôi làm riết rồi cũng quen, nhưng dạo gần đây thấy trong mình yếu đi nhiều. Những chưa mượn được ai để phụ việc".
Dì Huệ năm nay 85 tuổi, bao năm qua dì chọn sự tự do, không ràng buộc của hôn nhân. Tôi từng tâm sự với dì: "Người phụ nữ nếu có tấm chồng để nương tựa chắc sẽ đỡ cực nhọc hơn".
Dì cười bảo: "Cũng không hẳn như vậy. Để tôi kể em nghe câu chuyện này. Hồi còn trẻ kế bên nhà tôi có 1 đôi vợ chồng, ông chồng làm nghề đóng giày, thu nhập không là bao nhiêu, mỗi ngày ông ấy đưa tiền cho vợ đi chợ để nấu ăn cho cả nhà. Ngày hôm đó đứa con bị ốm, người vợ mới trích tiền đi chợ để mua thuốc cho con. Buổi chiều về thấy mâm cơm chỉ toàn là rau, người chồng chẳng nói chẳng rằng lấy cái chảo ném vào người vợ".
"Cũng là vợ chồng, nhưng chuyện của chị gái tôi thì khác. Lần đó anh rể tôi mua 1 chiếc xem hơi mới, chị tôi thích quá mới xin được lái thử. Anh rể tôi đồng ý, thế là chị chở anh đi, đến đoạn qua 1 cây cầu thì chị lỡ tay tông xe vào thành cầu. Lúc đó anh rể mới nhanh chóng đổi chỗ ngồi cho chị, anh bảo: nếu cảnh sát có đến hỏi thì cứ bảo là anh gây ra. Vậy đó em, có chồng nhưng có hạnh phúc hay không là phước phần của mỗi người" - cách nói chuyện chậm rãi rất Đà Lạt của dì Huệ như khiến con người ta muốn trầm lắng, để tâm tư mình nhẹ nhàng hơn giữa những xô bồ của cuộc sống.
Cuối tháng 3/2019, những vị khách quen của bà Năm lặng người khi nghe tin bà vừa qua đời ở tuổi 97. Quán nhỏ đóng cửa im lìm, dì Huệ khăn gói lên Sài Gòn tiễn chị về với cát bụi. Đi một chặng đường thật dài, thật đẹp đã đến lúc bà Năm kết thúc xứ mệnh của mình. Người ta thương bà như thương cái hiền hoà và dung dị của Đà Lạt.
Người ta tiếc vì sự ra đi của bà Năm cũng như tiếc sự phai nhạt dần cái hồn cốt của xứ mộng mơ.
Bức ảnh Chứng Nhân của tác giả Paulle Minh ghi lại hình ảnh bà Năm vào năm 2015. Tác giả đặt bức ảnh tên Chứng Nhân bởi bà Năm là người chứng kiến nhiều đổi thay của Đà Lạt.
Nhưng rồi đâu ai níu kéo được thời gian, cũng như sự tàn úa của một thành phố. Đà Lạt giờ đây nhường chỗ cho những toà cao ốc vô hồn, sự ồn ào lấn chiếm mọi ngõ ngách, không gian. Còn đâu sự lãng mạn.
Chẳng ai níu giữ được thời gian.
Tôi từng hỏi dì Huệ: "Người ta sắp giải toả khu vực trung tâm để xây mới. Dì có lo lắng không?". Dì Huệ bình thản: "Không đâu em ơi, tôi cũng chẳng còn bao nhiêu thời gian. Người ta muốn làm sao cũng được. Tôi chỉ mong đến một ngày nào đó được ngủ một giấc thật sâu, rồi về với đất, để không phải phiền đến ai".
Xin chân thành cảm ơn bà Năm, bà Sáu - những người đã dành cả cuộc đời để lưu giữ phong vị Đà Lạt.