GĐ Sở Y tế Bắc Giang: Nhu cầu điều trị bệnh nhân nặng tăng nhanh quá! Chúng tôi vẫn thiếu trang thiết bị của 50 giường ICU

Thanh An, Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 20:12 31/05/2021
Chia sẻ

Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, ông đang rất lo lắng vì số ca bệnh nặng tại Bắc Giang đang có xu hướng tăng. Theo báo cáo từ các đơn vị điều trị, có thể ca bệnh nặng sẽ tăng liên tục trong những ngày tới.

GĐ sở Y tế Bắc Giang: Nhu cầu điều trị bệnh nhân nặng tăng nhanh quá! Chúng tôi vẫn thiếu trang thiết bị của 50 giường ICU - Ảnh 1.

Ảnh minh họa


"Hiện Bắc Giang đang điều trị cho hơn 2.200 bệnh nhân, chỉ cần 5% trong số đó có biểu hiện tăng nặng cũng đã là cả một áp lực vô cùng lớn".

Đó là chia sẻ nhanh của ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, phụ trách Tổ điều trị của Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại Bắc Giang.

Phóng viên: Kết thúc cuộc họp cuối ngày vào lúc gần 11 giờ đêm, bắt đầu ngày làm việc mới khi hơn 5h sáng, Tổ điều trị của Bộ phận thường trực đặc biệt đang xử lý công việc với tâm thế như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Thật ra chúng tôi rất lo lắng vì số ca bệnh nặng đang có xu hướng tăng. Theo báo cáo từ các đơn vị điều trị, có thể ca bệnh nặng sẽ tăng liên tục trong những ngày tới.

Nguyên nhân chính là vì số lượng F0 phát hiện ra càng nhiều thì tỷ lệ tăng nặng kéo theo sẽ càng lớn. Thêm vào đó, diễn biến của từng bệnh nhân tăng nặng đang trở nên rất nhanh.

GĐ sở Y tế Bắc Giang: Nhu cầu điều trị bệnh nhân nặng tăng nhanh quá! Chúng tôi vẫn thiếu trang thiết bị của 50 giường ICU - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Hiện tại trên toàn tỉnh Bắc Giang đang có 14 cơ sở thu dung điều trị cho hơn 2.200 bệnh nhân Covid-19. Trong số đó, bệnh viện Phổi Bắc Giang tiếp nhận điều trị toàn bộ bệnh nhân nặng phải thở oxy, thở máy. Cơ sở này có đơn vị ICU và có chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ. Sau khi bệnh nhân ổn định, không cần thở oxy thì chuyển lên các tầng trên theo dõi điều trị tiếp; trường hợp quá đông thì chuyển bệnh nhân đã ổn định sang cơ sở khác. Ngoài ra bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cũng là đơn vị tiếp nhận điều trị người bệnh nặng phải thở oxy, thở máy trở lên kèm yếu tố bệnh lý khác như bệnh về ngoại khoa, sản khoa và trẻ em. Ví dụ: bệnh nhân Covid-19 có thai, chờ đẻ; viêm ruột thừa, thủng tạng, chấn thương...

Như vậy các đơn vị điều trị bệnh nhân nặng hiện tại đang đáp ứng được nhu cầu thực tế. Tuy nhiên số liệu từ điều trị cũng cho thấy lo ngại có thể sẽ có thêm nhiều ca diễn biến nặng đang hiện hữu đầy áp lực. Do đó điểm nóng Bắc Giang cần phải chuẩn bị cho những dự liệu xa hơn nữa. Chứ nếu không tính đến những phương án xấu nhất để chuẩn bị kịp thời thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bệnh nhân nặng.

Đấy là nỗi lo lớn nhất của chúng tôi lúc này.

Phóng viên: Cụ thể sẽ là những dự liệu gì thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Sẽ có đến hàng vài trăm ca bệnh nặng, diễn biến tăng nặng cần hồi sức tích cực.

Để chuẩn bị cho dự liệu xấu đó, Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế đã cùng Ban chỉ đạo chống dịch tỉnh họp bàn và chốt phương án xây dựng Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) 100 giường tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang. Đơn vị thi công và nhà tài trợ đã cam kết chỉ sau đúng 72 tiếng tính từ chiều ngày 29/5 trung tâm sẽ sẵn sàng đón bệnh nhân đầu tiên. Đồng thời họ vẫn tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 100 giường ICU theo hình thức cuốn chiếu.

GĐ sở Y tế Bắc Giang: Nhu cầu điều trị bệnh nhân nặng tăng nhanh quá! Chúng tôi vẫn thiếu trang thiết bị của 50 giường ICU - Ảnh 4.

Bệnh viện dã chiến ở Bắc Giang

Đấy là một kỷ lục không hề đơn giản. Vì đến tận cuối buổi sáng ngày 29/5 các bên mới thống nhất được phương án thi công trong tình trạng vừa xây dựng vừa hoàn chỉnh thiết kế. Sở Xây dựng, các đơn vị bên UBND tỉnh Bắc Giang, rồi nhà tài trợ là tập đoàn Sungroup ngay lúc này đang làm ngày làm đêm. Các bạn có điều kiện nên qua đấy quan sát xem trong 72 tiếng đồng hồ họ đã phải làm những gì.

Phóng viên: Để có được Trung tâm ICU 100 giường điều trị bệnh nhân nặng vào lúc này, chúng ta đã có những gì và đang cần những gì thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Xây dựng được Trung tâm như vậy vô cùng tốn kém. Để có được 100 giường Hồi sức cấp cứu tích cực, dự toán kinh phí vào khoảng 300 tỷ đồng - nguồn lực lớn quá sức đối với địa phương trong thời điểm gấp gáp này.

Tất cả các hệ thống thiết bị cho Trung tâm đều rất đắt tiền. Từ hệ thống đường điện chính và dự phòng, hệ thống oxy khí nén... cho đến hệ thống khử khuẩn - diệt khuẩn, hệ thống camera giám sát, rồi hệ thống thông tin liên lạc... Riêng hệ thống khử khuẩn diệt khuẩn với một số thiết bị như diệt khuẩn hơi nước, diệt khuẩn bằng nhiệt độ thấp tính ra cũng rơi vào khoảng 5 - 7 tỷ đồng. Đặc biệt, trang thiết bị y tế chuyên sâu dành cho mỗi giường hồi sức cấp cứu phải gọi là đắt khủng khiếp.

Rất may, tập đoàn Sungroup đã đứng ra nhận hỗ trợ, tài trợ một phần rất lớn trong tổng dự toán đó còn một số hạng mục tỉnh sẽ phải tự lo. Ví dụ như hệ thống khử khuẩn diệt khuẩn, rồi một số trang thiết bị y tế... tỉnh đang lên phương án tìm kiếm các nguồn lực để bổ sung, hoàn thiện thêm. Trong bối cảnh này, nếu ngành y tế Bắc Giang nhận được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thì phải nói là rất quý.

"Sungroup đã cam kết tài trợ toàn bộ 50 giường Hồi sức cấp cứu của Trung tâm. Họ đỡ cho tỉnh rất nhiều tiền. Riêng ngày hôm qua, họ đã chuyển mấy chục tỷ mua giường, mua máy ngay, còn nhanh hơn cả cam kết. Họ sẵn sàng để sau đúng 72 tiếng đồng hồ thi công, trung tâm sẽ sẵn sàng đáp ứng cho việc nhận bệnh nhân vào điều trị.

Nhưng nhu cầu điều trị của bệnh nhân nặng đang tăng nhanh quá! Trong khu Hồi sức cấp cứu đang xây rất nhiều việc phải làm. Và chúng tôi vẫn thiếu toàn bộ trang thiết bị đi theo 50 giường còn lại. Từ cái nhỏ nhất cho đến những thiết bị thiết yếu như máy thở... nói chung khu hồi sức cần máy gì thì chúng tôi đều đang không có máy đó. Máy thở chức năng cao, máy lọc máu, ECMO... nhiều lắm.

Chúng tôi vẫn đang khẩn thiết đề xuất sự hỗ trợ từ Bộ Y tế và kêu gọi tài trợ từ các mạnh thường quân trong cả nước chung tay giúp đỡ".

Ông Từ Quốc Hiệu - Giám đốc sở Y tế Bắc Giang chia sẻ vào tối ngày 30/5.

Phóng viên: Mất 72 tiếng để xây dựng một trung tâm ICU quy mô lớn đến 100 giường bệnh. Vậy để vận hành được trung tâm này, ngay từ bây giờ Tổ điều trị đã phải tính đến những phương án nào?

Ông Nguyễn Trọng Khoa: Ngay từ lúc tính đến kịch bản phát triển thêm trung tâm ICU quy mô lớn như ở Bệnh viện Tâm thần để giảm tải cho các đơn vị điều trị bệnh nhân nặng trên địa bàn Bắc Giang, chúng tôi đã hiểu rằng chắc chắn nhân lực của Bắc Giang không thể đảm đương được. Như anh Hiệu bên Sở Y tế tỉnh chia sẻ, Hồi sức cấp cứu là chuyên ngành sâu, mỗi tỉnh chỉ có vài người làm được thôi.

Cho nên ngay trong sáng ngày 30/5, Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Trung ương Huế và Đà Nẵng cử 2 kíp, mỗi kíp khoảng 16 người đến Bắc Giang tiếp nhận, hỗ trợ cho Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang vận hành và chuẩn bị nguồn lực. Một vài ngày tới, Bộ cũng sẽ tiếp tục điều động bác sĩ hồi sức cấp cứu và điều dưỡng từ các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Yên Bái, Ninh Bình, Thái Bình… tăng cường đến để hỗ trợ cho Bắc Giang.

Tinh thần là Bộ Y tế sẽ điều động trên quy mô cả nước khoảng 1.000 nhân viên y tế về ngay Bắc Giang để hỗ trợ chống dịch. Quyết tâm của toàn ngành là dồn tổng lực giúp Bắc Giang sớm ổn định tình hình dịch bệnh, các cơ sở điều trị vận hành trơn tru, các cơ sở hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân nặng vận hành tốt. Như vậy chúng tôi mới có thể gọi là hoàn thành nhiệm vụ.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông và kính chúc toàn thể nhân viên y tế mạnh khỏe, vững vàng, sớm hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này!

GĐ sở Y tế Bắc Giang: Nhu cầu điều trị bệnh nhân nặng tăng nhanh quá! Chúng tôi vẫn thiếu trang thiết bị của 50 giường ICU - Ảnh 7.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày