Gary Oldman: Bậc thầy diễn xuất từng “cứu nguy” cho nhiều tác phẩm điện ảnh

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 10:32 07/03/2018
Chia sẻ

Được coi như một trong những diễn viên đa tài và cần mẫn cống hiến nhất, Gary Oldman hoàn toàn xứng đáng với giải Oscar đầu tiên trong sự nghiệp ba thập kỷ của mình.

Không có nhiều người làm được như những gì Gary Oldman đã đem tới cho màn ảnh. Từ Lee Harvey Oswald tới Dracula, với một sự nghiệp đầy rẫy những vai sát nhân, khủng bố, nhà làm luật tham nhũng, chủ nhân của giải Oscar năm nay không chỉ sở hữu những vai diễn phức tạp nhất mà còn thao túng chúng từ ngoại hình, dáng đi, cách nói năng mà vẫn giữ được cái hồn của nhân vật.

Gary Oldman: Bậc thầy diễn xuất từng “cứu nguy” cho nhiều tác phẩm điện ảnh - Ảnh 1.

Điểm qua một số vai diễn đáng nhớ trong sự nghiệp của Gary Oldman

Darkest Hour có thể không phải là phim hay nhất trong sự nghiệp của ông, nhưng Winston Churchill chắc chắn là một trong những vai diễn để đời (tiếp theo) của Gary Oldman. Ở đó, Churchill của Oldman hiện lên cố chấp, khôn ngoan và sống động đã thuyết phục được khán giả và hội đồng ban giám khảo của Nghiệp đoàn Diễn viên Màn ảnh, Quả Cầu Vàng và Viện Hàn lâm.

Sự nghiệp của một "tắc kè hoa"

Oldman lớn lên tại London, sau khoảng thời gian học đại học sân khấu, chàng trai tuổi đôi mươi khi đó dành thanh xuân của mình trên sân khấu nhà hát West End. Lần đầu bước vào thế giới điện ảnh rộng lớn của Gary Oldman được đánh dấu vào năm 1986 khi ông được giới thiệu cho vai diễn chính trong phim Sid & Nancy.

Gary Oldman: Bậc thầy diễn xuất từng “cứu nguy” cho nhiều tác phẩm điện ảnh - Ảnh 2.

Sid Vicious của Gary Oldman là một gã rocker nổi loạn và xuất sắc đến mức nhiều người vô cùng thất vọng khi Oscar năm đó không dành cho Oldman một đề cử. Sau Sid & Nancy, Gary Oldman chuyển từ địa hạt phim độc lập sang thể loại phim kinh phí lớn với JFK (1991) của đạo diễn Oliver Stone, Bram Stoker’s Dracula (1992) hay The Fifth Element (1997).

Gary Oldman: Bậc thầy diễn xuất từng “cứu nguy” cho nhiều tác phẩm điện ảnh - Ảnh 3.

Vai diễn con nghiện trong "Leon: The Professional" (1994)

Đồng thời ông cũng là cái tên được yêu thích nhờ vào thành công của những Leon: The Professional (1994), State Of Grace (1990) hay True Romance (1993). Sang tới những năm 2000, Gary Oldman ghi tên mình vào hai loạt phim đình đám Harry Potter (trong vai Sirius Black) và bộ ba phim Dark Knight của đạo diễn Christopher Nolan (trong vai cảnh sát trưởng Jim Gordon). Sức ảnh hưởng của hai loạt phim bom tấn này đã đem về cho Gary Oldman không chỉ tiền bạc mà còn danh tiếng trên toàn cầu.

Gary Oldman: Bậc thầy diễn xuất từng “cứu nguy” cho nhiều tác phẩm điện ảnh - Ảnh 4.

Khi Gary Oldman "biến hình" thì không biết đâu mà lần

Tuy nhiên cũng phải đợi tới năm 2011 thì nam diễn viên mới lần đầu tiên được đề cử Oscar cho vai nhân viên tình báo George Smiley trong Tinker Tailor Soldier Spy. Lúc thì vào vai một rocker, một ma cà rồng, khi vào vai sát thủ, một phù thủy, một gã ma cà bông cho tới những vai diễn tưởng chừng rất đời thường như một cảnh sát trưởng, một nhân viên điều tra, có thể nói Gary Oldman là một "tắc kè hoa" trên màn ảnh với diễn xuất đa dạng đến kinh ngạc.

Cứu cánh cho những bộ phim không xuất sắc

Một bộ phim có thể tồi theo nhiều cách, thế nhưng để cứu được nó phải cần tới rất nhiều tâm sức. Không phải ngẫu nhiên mà người ta tổ chức cuộc bình chọn: "Diễn xuất tuyệt vời trong những phim dở". Bên cạnh những Christopher Walken, Paul Bettany, Al Pacino… Gary Oldman nổi lên như một con người đứng mũi chịu sào có thể gánh vác được thành công của cả tác phẩm hoặc chí ít, vẫn được người ta ca ngợi ngay cả trong một phim bị chê lên chê xuống.

Gary Oldman: Bậc thầy diễn xuất từng “cứu nguy” cho nhiều tác phẩm điện ảnh - Ảnh 5.

Gary Oldman trong "Robocop" (2014)

Diễn xuất của Oldman được đánh giá "như một tia sáng" rọi chiếu, ngay cả khi đó là những dự án thất vọng (Robocop, Man Down, Red Riding Hood…). Từ những dự án phim đầu tiên mà ông tham gia như Criminal Law (1989) hay Chattahoochee cùng năm đó, địa vị của Oldman chưa đủ xác tín để giúp ông có được những dự án thực sự chất lượng nhưng tài năng thì đã đi trước để giúp nam diễn viên tìm được chỗ đứng riêng khỏi đống lộn xộn của các phim dở mà ông chẳng may tham gia.

Trong bộ phim The Scarlet Letter (1995), diễn xuất của Gary Oldman vẫn được CNN đánh giá cao trong khi bản thân tác phẩm chỉ được 14% trên Rotten Tomatoes. Điều tương tự cũng xảy ra với Tiptoes (2003) khi mối tình của Matthew McConaughey và Kate Beckinsale "đáng vứt vào sọt rác" nhưng riêng Gary Oldman vẫn được dành cho những lời nhã nhặn khi cố gắng vào vai một người lùn bằng cách đi bằng... đầu gối trong cả phim.

200 tiếng đồng hồ hóa trang cho một chiếc tượng vàng

Darkest Hour là tác phẩm tiểu sử mà Gary Oldman hóa thân vào cố thủ tướng Anh Winston Churchill. Nhờ có màn "lột xác" này mà Oldman đã trở thành chủ nhân của chiếc tượng vàng Oscar danh giá, qua đó thỏa mãn cơn khát cho người hâm mộ sau 7 năm chờ đợi.

Gary Oldman: Bậc thầy diễn xuất từng “cứu nguy” cho nhiều tác phẩm điện ảnh - Ảnh 6.

Đó là một thử thách ngay cả với những con người bản lĩnh nhất, khi phải vào vai một trong những nhân vật đại diện cho cả thế kỷ như Churchill. Vốn là một bậc thầy của ẩn thân (dưới cặp kính dày trong Tinker Tailor Soldier Spy hay bộ ria mép của The Firm), Gary Oldman đứng trước Darkest Hour với nhiều trăn trở: Làm sao để có thể ghi dấu ấn cá nhân trong khi vẫn phải khiến khán giả tin là Churchill đứng đó trước màn ảnh, chứ không phải là một Oldman.

Gary Oldman: Bậc thầy diễn xuất từng “cứu nguy” cho nhiều tác phẩm điện ảnh - Ảnh 7.

"Darkest Hour" tốn khoảng 200 tiếng chỉ để hóa trang cho Gary Oldman. Nam diễn viên thường phải tới trường quay từ 3 giờ sáng để chuẩn bị và một ngày quay kéo dài tới 19 tiếng.

Chia sẻ về điều này, ngôi sao hóm hỉnh nói: "Có thể tới ngày thứ 45 bạn sẽ bị mất ngủ và cáu bẳn một chút. Nhưng kết quả của nó là tôi có thể tập trung hoàn toàn vào tác phẩm. Một khi mọi thứ đã sẵn sàng thì tôi chỉ chuyên tâm vào đó mà thôi. Tôi dám lắm chứ. Tôi tự động viên mình rằng nếu Churchill có thể đánh bại Hitler ở tuổi 65 thì ba tiếng ngồi trên ghế trang điểm của tôi có là gì đâu."

Với chiếc mũ Homberg, điếu xì gà và bộ dạng khệ nệ, Churchill của Gary Oldman là kẻ bị đàm tiếu sau lưng khi trở thành tân thủ tướng, lấp đầy bởi sự tự nghi hoặc nhưng che giấu nó bằng phong thái đĩnh đạc trước công chúng. Chính niềm tin có phần bảo thủ đó đã giúp Winston có được sự ủng hộ của người dân Anh quốc, là thứ ánh sáng trong "giờ đen tối".

(Nguồn: Interview Magazine)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày