Đèn kéo quân có 6 mặt, mỗi khi đèn quay tượng trưng cho 6 mặt cá tính của con người: thương - ghét - giận - hờn - buồn - vui. Trục đèn ở giữa hiện thân cho trục khôn. Tất cả giản đơn, tinh chế nhưng nhờ ánh sáng mờ ảo từ ngọn nến để kể những câu chuyện lịch sử gắn liền với những bức tranh dân gian. Đèn kéo quân bởi thế còn được gọi là đèn kể chuyện bằng ánh sáng.
"Khen ai khéo vẽ í a cái đèn cù
Ngựa giấy í a voi giấy, tít mù nó mới lại vòng quanh
Ớ ơ bao giờ ta mới bắt cho kịp nhau
Ngựa giấy ới a voi giấy vòng quanh ới a tít mù, tít mù là
Khen ai khéo vẽ í a cái đèn cù
Đèn cù là đèn cù ớ hỡi đèn, đèn ơi..."
Mọi đứa trẻ thôn quê đều thuộc bài hát Đèn cù (Đèn kéo quân). Vào mỗi đêm trăng rằm tháng 8, chúng nô đùa chạy nhảy quanh đèn mà ca vang những lời hát của người xưa. Người ta hay đồn đoán, chính cái đất Cao Viên (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) là nơi sinh ra thứ đèn diệu kỳ ấy.
Những chiếc đèn kéo quân treo đầy nhà ông Sinh.
Gặp người đàn ông từng làm chiếc đèn kéo quân 40 triệu, cao 9 mét giữa Thủ đô: Thứ sơn phết đó khá độc hại, nhưng ông ấy quen rồi!. Thực hiện: Minh Nhân
Từ năm lên 8, nghệ nhân Vũ Văn Sinh đã biết tự làm đèn ông sao, đèn lồng cho bản thân và lũ nhỏ trong xóm cùng chơi. Ông Sinh năm nay 58 tuổi, và đã nửa cuộc đời ông gắn bó với từng cái nan tre, giấy bóng. Ở làng Đan Viên thuộc xã Cao Viên này, mỗi gia đình ông Sinh theo nghề làm đèn kéo quân truyền thống. Người nghệ nhân khẳng định, làng này không phải là làng nghề truyền thống, chỉ mỗi nhà ông từ bao đời này gìn giữ nghiệp chục năm qua cha ông để lại.
Trước đây, gia đình ông Sinh sản xuất quanh năm. Cứ hễ có đơn đặt hàng đều vót tre, hoà sơn làm cấp tốc những chiếc đèn kéo quân thật đẹp. Nhưng thời nay, cái nghiệp này trở thành thứ nghề tay trái. Mỗi khi vào dịp Tết Trung Thu, cả nhà ông Sinh bỏ nghề tay phải để tập trung làm đèn. Con trai ông là anh Vũ Văn Thắng cũng tạm thời dừng chạy xe ôm để ở nhà phụ giúp cha mình.
Bà Nguyễn Thị Hạnh (vợ ông Sinh) vừa cắt giấy vừa thủ thỉ: "Vì chiều chồng nên tôi vẫn tiếp tục làm đèn kéo quân mỗi dịp Tết Trung thu, sau này nếu ông ấy không còn nữa thì không biết như nào".
Những công đoạn đầu tiên để làm một chiếc đèn kéo quân.
Trong tất cả các công đoạn làm đèn kéo quân, khâu làm trục và tán quay cho đèn là khó nhất. Trục làm từ tre vót mảnh, vừa đủ nhẹ để có thể quay, vừa đủ cứng để treo hình không bị đổ. Khung bằng tre sẽ được cuốn quanh bằng giấy poluya. Người làm phải dùng keo cố định giấy xung quanh khung, chỉ đề chừa ra một ô để chỗ cho nến, tản đèn.
Tản đèn giúp cho hình tròn bằng nan tre có dính các hình thù bắt mắt có thể quay. Khi nến được thắp lên, lửa sẽ làm nóng không khí bên trong và gây chênh lệch nhiệt độ với bên ngoài để tạo ra luồng gió len lỏi qua khe của tản đèn và làm các hình ảnh quay vòng. Bóng của chúng được chiếu lên mặt giấy bên ngoài sống động như xem phim. Hình ảnh dân gian về chú trâu, tướng sĩ, tứ linh,... thay nhau "nhảy múa" xung quanh tản.
Bước cuối cùng chiếc đèn sẽ được trang trí thật sặc sỡ. Những dóng trụ đèn được quấn bằng các loại giấy màu. Giấy kim vàng óng ánh trổ họa tiết để dán vào đầu và chân các trụ đèn.
Những chiếc nắp chai dành để đặt nến bên trong.
Giấy kim vàng óng ánh thật sặc sỡ.
Khuôn nhựa dùng để làm đèn kéo quân.
Nghệ nhân Vũ Văn Sinh.
Làng Đàn Viên vốn chuyên làm pháo, nhưng nay mọi người đều chuyển sang nghề may mặc. Từ đầu làng tới cuối làng chỉ mỗi nhà ông Sinh bà Hạnh còn bày bán thứ đèn cổ tích. Nghề này cả năm làm đúng một tháng. Lâu lâu cũng có đoàn thiếu nhi tới tham quan nhà ông Sinh hoặc họ hàng từ khắp nơi về đây tụ họp.
Trước đây, ông Sinh từng mang đèn đi triển lãm. Chiếc đèn kéo quân khổng lồ khi ấy xác lập kỷ lục cao 7m. Tuy nhiên đó chưa phải là cái lớn nhất ông Sinh từng làm ra. Một chiếc đèn kéo quân khác khách đặt 40 triệu, cao 9m là siêu phẩm tuyệt vời nhất người nghệ nhân từng mải miết bàn tay dành trọn trong đó.
Thời nay, những chiếc đèn kéo quân truyền thống không còn được ưa chuộng như ngày xưa. Để bắt kịp xu thế, nghệ nhân Sinh nảy ra ý tưởng làm những chiếc đèn chạy hình 3D. Thay vì giấy màu như xưa, những hình thù nhân vật được vẽ lên tờ giấy bóng thông qua từng lớp sơn.
Sau khi phác hoạ hình thù từng linh vật, ông Sinh dùng sơn "quét" một vòng để sơn in hằn lên giấy bóng. Từng tờ giấy được đem phơi khô trong vòng 3 tiếng. Người nghệ nhân sẽ khéo léo lồng giấy vào khung một cách cẩn thận nhất để không bị rách hay hỏng hóc. Nếu xưa trong đèn kéo quân được thắp sáng bằng nến thì nay, ánh sáng bằng điện được ông Sinh phát minh cho sự thay thế vừa tiện vừa sáng tạo.
Một chiếc đèn như vậy tổng thể sẽ thú vị hơn và câu chuyện của ngày xưa được hiện đại hoá một cách đầy trân trọng.
Bước đầu tiên để làm đèn kéo quân nói chung là phác thảo hình ảnh.
Với đèn 3D kiểu mới, hình thù được chuyển từ giấy xưa lên giấy bóng.
Người nghệ nhân pha sơn. Đôi bàn tay ông "hoá" màu đỏ.
Đặt tấm giấy bóng vào khay...
... rồi quẹt nhiều đường để sơn in hằn lên giấy.
Công đoạn cần sự tỉ mỉ và thận trọng. Sau đó, giấy bóng sẽ được phơi khô trong vòng 3 tiếng.
"Thứ sơn đó khá độc hại nên cô nhiều khi không chịu được, nhưng ông ấy quen rồi. Ngày cứ ngồi quét sơn suốt để làm đèn 3D. Giá mỗi chiếc đèn kéo quân 3D vào khoảng 150.000 đồng. Một nhân công trong nhà làm mỗi ngày được 2 cái. Mỗi mùa vụ, chúng tôi bán được chừng 1.000 cái.
Nếu trừ đi chi phí ngày công thì chỉ được hơn 100.000 đồng tiền lời, rất khó để cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Nhưng chúng tôi muốn giữ lại nét văn hóa cổ truyền nên vẫn làm, dù không đạt công so với những nghề khác" - bà Hạnh kể.
Cả bà Hạnh và ông Sinh đều nặng lòng với đèn kéo quân. Trong nhà họ chẳng có thứ gì quý giá hơn cái nghề cổ xưa mà nay bỗng trở thành "của hiếm". Đối với ông bà, làm đèn kéo quân không chỉ là "cần câu cơm" mùa vụ, mà hơn hết thảy, đó còn là niềm vui, niềm tự hào.
Chúng ta chắc hẳn từng soi chiếu bản thân với ngày xưa thơ bé. Nhớ về khoảng thời gian chỉ mải ngóng trông rằm tháng 8, khi trăng tròn vành vạnh, khi lũ trẻ í ới gọi nhau, khi đầu lân phe phẩy đầu làng.
Bà Hạnh chợt nhớ lại tuổi thơ. Cái thời mà mỗi lần nghe trẻ con làng Đàn Viên vu vơ câu hát "Đêm nay rằm tháng Tám. Mẹ thắp đèn kéo quân. Khi đèn vừa cháy sáng. Bao bóng người chạy theo...", là bà cũng chạy theo mà hát vang lời đồng dao cùng lũ nhỏ.
Một trong những chiếc đèn kéo quân khổng lồ mà trước đây ông Sinh từng làm. Ảnh: Lao Động.
Sau này khi khô, từng tờ giấy bóng sẽ đẹp như thế này.
Người nghệ nhân cuốn giấy bóng vào khuôn đèn.
Và đèn quay kéo theo những câu chuyện muôn năm cũ.