NASA vừa tiết lộ rằng họ đang nhờ người dân toàn cầu giúp đỡ họ xác minh dữ liệu từ vệ tinh Clouds and the Earth’s Radiant Energy System (CERES), đây là một chiến lược chưa từng có trong lịch sử NASA. Cơ quan không gian này thừa nhận rằng đôi khi các vệ tinh của họ gặp khó trong việc xác định và phân biệt các đám mây. Do vậy, NASA muốn người dùng gửi cho họ các bức ảnh chụp mây từ mặt đất để so sánh dữ liệu.
Dự án CERES được giao nhiệm vụ nghiên cứu khí hậu Trái Đất, bao gồm vai trò của mây trong vấn đề biến đổi khí hậu. Theo NASA, đôi lúc các thiết bị của họ không thể phân biệt giữa đám mây và những thứ khác trên Trái Đất. Ví dụ, rất khó phân biệt các đám mây mỏng với nền tuyết, đặc biệt là khi nhìn xuống từ độ cao lớn.
Hình ảnh gửi từ mặt đất của người dân trên toàn cầu sẽ được dùng để so sánh với ảnh chụp từ vệ tinh để đảm bảo rằng các thiết bị của NASA chụp chính xác nhất vị trí và hình dáng của những đám mây.
Những ai sẵn sàng giúp đỡ NASA có thể tải về ứng dụng GLOBE Observer đang có sẵn trên cả iOS và Android. Trên ứng dụng này có hướng dẫn chi tiết về cách chụp và gửi ảnh cũng như những chi tiết cần bổ sung. NASA cũng lưu ý rằng giai đoạn đổi mùa giữa mùa đông và mùa hè khá quan trọng cho dữ liệu của họ bởi trong thời gian này những đám mây có một số hoạt động rất thú vị.
Mọi người tham gia có thể gửi tối đa 10 bức ảnh mỗi ngày cho NASA trong thời gian từ nay tới ngày 15/4.
Nếu bức ảnh bạn chụp trùng có khung cảnh với ảnh của một vệ tinh CERES đang đi qua, NASA sẽ gửi cho bạn bản so sánh chi tiết giữa hai bức ảnh.