Cán bộ Trạm Y tế xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai vừa gắp thành công một con vắt (còn gọi là con nấc, đỉa núi) dài 6cm trong hốc mũi một bé trai thuộc một trường tiểu học trên địa bàn.
Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nấm Lư, các trường hợp bị vắt chui vào mũi chủ yếu là trẻ nhỏ. Mặc dù ở địa phương, cán bộ y tế, thầy cô giáo thường xuyên tuyên truyền cho trẻ ăn chín uống sôi, nhưng trung bình mỗi năm tại Trạm đều có khoảng 5 - 6 trẻ rơi vào trường hợp này phải xử lý.
Riêng trong năm 2020, cũng đã xảy ra 2 trường hợp trẻ bị vắt ký sinh trong mũi.
Cơ quan y tế khuyến cáo, vắt thường có trong nước suối, bình thường chỉ nhỏ như đầu tăm nên mọi người thường không để ý. Nhất là trẻ vùng cao hiếu động, hay xuống suối tắm, chơi đùa, uống trực tiếp nước suối, con vắt sẽ "nhân cơ hội" chui vào, rồi ký sinh trong cơ thể và lớn rất nhanh. Nếu không phát hiện, xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Các trường hợp nếu có biểu hiện chảy máu mũi, hoặc ho kéo dài, nghẹt thở, chảy máu cam, chảy máu đường tiết niệu, chảy máu ở mắt sợ ánh sáng... nên đi khám, nội soi, nhằm loại trừ trường hợp ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể. Nên sử dụng nước ăn uống, sinh hoạt qua hệ thống lọc để đảm bảo vệ sinh, an toàn cho sức khỏe.