Gặp cô giáo dạy Văn, người mẹ hiền 18 năm nay của biết bao thế hệ học sinh trường Chu Văn An

Sam - Ảnh: Hà Thảo, Theo Trí Thức Trẻ 00:05 04/11/2018
Chia sẻ

Với 18 năm gắn bó với Trường THPT Chu Văn An, là trưởng bộ môn Ngữ Văn đồng thời là Trưởng ban Biên tập cuốn kỷ yếu 110 năm của trường, cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy đã chia sẻ những câu chuyện rất riêng, rất đặc biệt về hành trình đi tìm "màu của Chu", về một bản sắc Chu Văn An không thể nhầm lẫn.

Trường THPT Chu Văn An vừa tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể 110 năm thành lập trường - một dấu mốc vô cùng đặc biệt và tự hào của thầy trò ngôi trường có bề dày lịch sử và truyền thống tại Hà Nội.

Nhân dịp này, có rất nhiều những câu chuyện về chặng đường đã qua, về tương lai của Chu Văn An đã được kể. Trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy - Trưởng bộ môn Ngữ Văn, người đã gắn bó với ngôi trường 18 năm - một giáo viên để lại rất nhiều ấn tượng đặc biệt cho mỗi thế hệ học trò Chu Văn An, cô đã mang đến những góc nhìn rất mới mẻ, đầy tự hào những cũng nhiều chiêm nghiệm trên cương vị một giáo viên giảng dạy ở ngôi trường có truyền thống bậc nhất Hà Nội. 

Đặc biệt hơn, cô cũng chính là Trưởng ban Biên tập cuốn kỷ yếu đặc biệt chào mừng ngôi trường tròn 110 năm tuổi. Bằng sự thấu hiểu về văn hóa, bản sắc của ngôi trường, cô đã bật mí rất nhiều điều thú vị và vô cùng ý nghĩa về hành trình đi tìm "màu của Chu", về những nét riêng chỉ Chu Văn An mới có.

Gặp cô giáo dạy Văn, người mẹ hiền 18 năm nay của biết bao thế hệ học sinh trường Chu Văn An - Ảnh 1.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy - Trưởng bộ môn Ngữ Văn

Gắn bó với Chu Văn An từ khi mới bước chân vào nghề

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy hiện là trưởng bộ môn Ngữ văn của trường THPT Chu Văn An. Khi mới tốt nghiệp trường Sư Phạm, cô đã được thi công chức và trở thành giáo viên của trường. Cô đã gắn bó với Chu Văn An ngay từ lúc bước chân vào nghề, đến nay đã 18 năm rồi. Có thể nói đây chính là ngôi trường mà cô đã dành toàn bộ nhiệt huyết, toàn tâm toàn ý trong sự nghiệp giảng dạy.

Học sinh Chu Văn An ngày càng chủ động và sáng tạo hơn

Theo cô Thủy, sự thay đổi của ngôi trường phụ thuộc rất nhiều vào sự thay đổi của học sinh, các bạn học sinh chính là những người bắt nhập với sự thay đổi nhanh nhất của thời đại, thời cuộc. Và chính sự thay đổi của các bạn học sinh đã buộc những người giáo viên như cô phải thay đổi và phải phát triển khi là lực lượng giảng dạy trong giai đoạn này. 

Cô cho biết các thế hệ học sinh hôm nay của Chu Văn An ngày càng năng động hơn, sáng tạo hơn và có sự chủ động hơn rất nhiều so với những thế hệ học sinh đi trước. Các bạn cũng dân chủ hơn, thể hiện được rất rõ tinh thần tự học, tự sáng tạo, tự tìm tòi. 

Điều mà cả xã hội vốn ao ước về một nền giáo dục có tính dân chủ, tìm tòi và phản biện thì nay đều có thể tìm thấy ở học sinh Chu Văn An một cách rất rõ nét. Nếu chúng ta nhìn vào ngôi trường ở thời điểm hiện tại, khi xét về thành tích bề mặt thì có thể Chu Văn An hôm nay không đạt được nhiều thành tích như khi ngôi trường còn là một trong số các trường THPT hiếm hoi tại Hà Nội nhưng nếu nhìn về toàn cảnh thì thế hệ học sinh Chu Văn An ngày hôm nay đã có sự phát triển về chất thực sự khi các bạn ấy càng ngày càng có tinh thần làm chủ ngôi trường, làm chủ môi trường giáo dục. Với suy nghĩ riêng của cô thì đó là sự đổi mới quan trọng nhất và mãnh liệt nhất giữa chặng đường 100 năm và 110 năm, tức là tinh thần của sức trẻ và dân chủ trong trường học đã được thể hiện rõ hơn rất nhiều.

Điểm đặc biệt nhất của học sinh Chu Văn An là sự lãng mạn và hào hoa

Khi đươc hỏi đâu là điều mà cô Thủy cảm thấy chỉ học sinh Chu Văn An mới có, cô cho biết đây thực sự là một câu hỏi khá khó, và cô cùng các đồng nghiệp đã đi tìm câu trả lời trong cuốn kỷ yếu 110 năm cho câu hỏi: "Đâu là phong cách Chu Văn An, đâu là màu Chu Văn An?" "Mình nghĩ đối với mỗi người, ở mỗi thời điểm sẽ có những suy nghĩ khác nhau về nét đặc sắc, cá tính của học sinh Chu Văn An. Còn với bản thân mình, mình nghĩ điều đặc biệt nhất ở Chu là học sinh rất "lãng mạn", có những nét rất hồn nhiên, mộng mơ và trong trẻo". Cô Thủy cho biết.

Thứ nhất, theo cô giáo, Chu Văn An là một ngôi trường có cảnh quan rất đẹp và có một bề dày truyền thống vẻ vang hơn 100 năm, có lẽ chính điều đấy đã làm nên chất lãng mạn rất rõ nét của học sinh Chu Văn An. Những điều mọi người thường nói về sự tài hoa, tài tử của người Hà Nội thì học sinh Chu Văn An đều có.

Cô Thủy có biết học sinh Chu Văn An rất lãng mạn và hào hoa

"Mặc dù học sinh Chu Văn An không phải ai cũng là những con người nổi tiếng, không phải ai cũng làm những nghề nổi bật trong xã hội, có những cựu học sinh là những con người rất bình thường và bình dị, có những con người làm nhiều công việc mà không phải lúc nào xã hội cũng tôn vinh và công nhận như một cô bán phở, bán nem lụi hay một số cựu học sinh có dòng đời hơi xô đẩy nên trở thành một bác lái xe ôm, nhưng dù là ai và làm công việc gì thì chất lãng mạn vẫn rất rõ trong họ. Họ vẫn thể hiện một cái nhìn cuộc sống lạc quan, dù làm những công việc vất vả nhưng vẫn là những con người tinh tế và tinh tường, đó là những điều mình cảm nhận thấy đặc biệt nhất ở học sinh và cựu học sinh Chu Văn An".

Còn với bản thân các bạn học sinh trong trường, cô Thủy nghĩ rằng vì học tập trong một không gian quá đẹp như vậy nên ai cũng lãng mạn, mộng mơ. Dù có nhất quỷ nhì ma như thế nào thì các bạn học sinh vẫn toát lên một nét hào hoa, lãng mạn của những cô gái, chàng trai Hà Nội.

Điều cô trăn trở nhất khi đứng trên bục giảng là làm sao để học sinh của Chu luôn giữ được bản  sắc riêng trong một môi trường ngày càng hội nhập và phát triển.

Cô Thủy cho biết tất cả giáo viên môn Văn nói riêng và giáo viên Chu Văn An nói chung đều rất trăn trở về việc làm sao để việc đứng trên bục giảng không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức đến các em học sinh. Khi được giảng dạy tại đây, được tiếp nối truyền thống vẻ vang của nhà trường, các thầy cô đã phải suy nghĩ rất nhiều bởi nhắc đến Chu Văn An là nhắc đến những thầy cô lỗi lạc, mô phạm và chuẩn mực. Việc đứng trên bục giảng ngày hôm nay không chỉ đơn giản là dạy cho học sinh kiến thức bởi nếu chỉ để học kiến thức thì học sinh có quá nhiều phương tiện để tiếp cận.

"Khi đứng trên lớp, điều mà mình trăn trở là làm sao để thông qua mỗi bài giảng, mình có thể chia sẻ được với học sinh cái văn hóa Chu Văn An, văn hóa Hà Nội và cao hơn là văn hóa Việt Nam. Mình cho rằng ở một thời đại hội nhập và phát triển, ở một thời đại mà thế giới trải phẳng ra như thế này thì mình cho rằng điều quan trọng nhất chính là văn hóa, là những giá trị cốt lõi, đấy chính là tấm thẻ căn cước để mỗi học sinh giữ được giá trị của bản thân khi bước chân vào một thế giới buộc phải hội nhập nhưng không được hòa tan, không được đánh mất bản sắc của mình".

Gặp cô giáo dạy Văn, người mẹ hiền 18 năm nay của biết bao thế hệ học sinh trường Chu Văn An - Ảnh 3.

Văn hóa ở đây nó được thể hiện từ những nếp nhỏ nhất, từ lời ăn tiếng nói, từ cách ăn, cách mặc, cách cư xử, cách giao tiếp. Theo góc nhìn của cô, cuộc sống thay đổi thì con người phải thay đổi. Dù là một ngôi trường giàu truyền thống nhưng Chu Văn An vẫn bắt buộc phải là một ngôi trường rất hiện đại, điều đó là xu hướng tất yếu, nhưng mà ngay trong những biểu hiện của sự hiện đại ấy thì bản sắc Chu Văn An, văn hóa Chu Văn An, phong khí Chu Văn An vẫn phải được thể hiện. Đó chính là điều trăn trở nhất của các thầy cô khi đứng trên bục giảng.

Thông qua mỗi bài học, cô muốn chia sẻ với các học sinh, muốn đối thoại với các bạn và muốn cùng các bạn thể hiện được cái văn hóa ấy, đồng thời có thể điều chỉnh và xây dựng cái văn hóa Chu Văn An trong bối cảnh hiện đại và phát triển như thế này.

Từ các thầy cô, đồng nghiệp đến từng học sinh đều mang đến cho cô những dấu ấn đặc biệt

Khi mới bước chân vào ngôi trường, cô Thủy còn rất trẻ, điều đấy làm cho cô có một áp lực rất lớn bởi khi bản thân còn trẻ như vậy đã có cơ hội giảng dạy trong một môi trường giàu truyền thống như thế này thì chắc chắn rất bất cứ ai cũng rất lúng túng, nhưng cô đã được truyền cảm hứng rất nhiều để vượt qua giai đoạn áp lực ban đầu.

"Từ những bạn học sinh luôn tiếp lửa cho mình với tình yêu nghề hay các thầy cô giáo lớn tuổi đã dìu dắt mình, cho đến những thầy cô đồng nghiệp, tất cả mọi người đều mang đến cho mình rất nhiều cảm hứng. Nhưng nếu để nhắc về một cái tên mang đến những ấn tượng sâu sắc nhất đối với mình thì đó chính là thầy Đinh Sỹ Đại, thầy nguyên là Hiệu trưởng tại thời điểm mình về trường công tác và cô Tạ Thị Huấn, cô là Hiệu phó cùng thời với thầy Đại. Đây là hai thầy cô vô cùng nghiêm khắc, đã làm mình nhiều phen phải khóc nhưng sau mỗi lần như vậy mình lại ngộ ra một bài học gì đó. Và chính những con người nghiêm khắc như vậy đã mang đến cho mình quá nhiều điểu bổ ích để làm sao trở thành một cô giáo tốt, một người tốt".

Gặp cô giáo dạy Văn, người mẹ hiền 18 năm nay của biết bao thế hệ học sinh trường Chu Văn An - Ảnh 4.

Từng thầy cô, đồng nghiệp, học trò đều để lại cho cô những dấu ấn đậm nét

Cô Thủy kể rằng, bây giờ cô Huấn đã có tuổi và sức khỏe cũng không được như ngày xưa, còn thầy Đại thì đã không còn, nhưng đó mãi là hai thầy cô mà cô Thủy có những ấn tượng sâu sắc nhất. Để kể những câu chuyện về thầy cô có lẽ sẽ không bao giờ hết và cô vẫn thường kể cho học sinh của mình những kỷ niệm tuyệt vời đó. 

Còn về những lứa học sinh, cô cho biết bản thân không thể nào quên được các bạn ấy nhưng không thể gọi ra một cái tên cụ thể nào. Dù là học sinh một lớp cô dạy thay hay một lớp mà cô chủ nhiệm suốt 3 năm thì đều để lại cho bản thân cô những ấn tượng rất là sâu đậm. Chính các bạn ấy là những người giúp cô ngày càng trưởng thành hơn.

Cuốn kỷ yếu 110 năm là cuộc đối thoại của các thế hệ, là sự giao thoa giữa truyền thống, hiện tại và tương lai

Cô Thủy nói rằng cuốn kỷ yếu này là công sức của rất nhiều thầy cô, học trò của Chu Văn An. Mặc dù cô được giao nhiệm vụ phụ trách ban biên tập, biên soạn kỷ yếu nhưng để lên được một ấn phẩm cuối cùng thì đó là công sức của rất rất nhiều người, từ các thầy cô, đồng nghiệp, các bạn học sinh và thậm chí là những người có lòng với Chu Văn An chứ không phải học sinh, cựu học sinh hay phụ huynh của trường. Cô chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong cuốn kỷ yếu.

"Khi nhận nhiệm vụ làm kỷ yếu 110 năm, mình và các đồng nghiệp trong ban biên tập khá lo lắng vì tất cả các mốc kỷ niệm lớn của nhà trường đều có những cuốn kỷ yếu, đặc biệt là cuốn kỷ yếu 100 năm rất bề thế, có rất nhiều những câu chuyện lịch sử được chứa đựng trong đó, vậy thì làm sao để bây giờ chúng mình có thể vượt qua được bóng của những cuốn kỷ yếu đó và tạo nên những nét riêng cho cuốn kỷ yếu 110 năm này.

Đến đây, mình phải mói một lời cảm ơn lớn nhất đến các bạn học sinh vì chính các em đã cho mình ý tưởng: cuốn kỷ yếu sẽ không chỉ ghi lại những giai thoại của các nhân vật lịch sử gắn liền với Chu Văn An mà chúng mình sẽ đem tới một cái nhìn toàn diện hơn về Chu Văn An, về những con người âm thầm lặng lẽ, dù không ai nhớ mặt đặt tên  nhưng chính họ đã tạo nên một mạch chảy ngầm của Chu Văn An".

Gặp cô giáo dạy Văn, người mẹ hiền 18 năm nay của biết bao thế hệ học sinh trường Chu Văn An - Ảnh 5.

Cô Thủy và cuốn kỷ yếu 110 năm trên tay

Một điều đặc biệt nữa là cô muốn cuốn kỷ yếu lần này sẽ mang một hơi thở hiện đại hơn, sẽ đi theo trục: truyền thống, hiện đại và phát triển. Nhưng mà 3 mảng đó phải có sự giao thoa, tiếp nối và thể hiện được sự đối thoại giữa các thế hệ, của truyền thống, hiện tại và tương lai trong cuốn kỷ yếu này. Nó không chỉ là bức tranh tĩnh mà sẽ là cuộc trò chuyện của thế hệ trước với những mảng màu truyền thống rực rỡ với thế hệ hôm nay - trẻ trung, năng động và một tương lai đầy phát triển sau này. Đó là điều mà cô và mọi người muốn hướng tới trong cuốn kỷ yếu.

Cuốn kỷ yếu sẽ được chia làm 5 phần. Phần một có tên "Những nếp gấp thời gian". Đây sẽ là những câu chuyện truyền thống. Điều đặc biệt của phần này là những câu chuyện lịch sử, những nhân vật lịch sử được nhìn nhận lại từ góc nhìn hiện đại. 

Một bạn học sinh chuyên Văn sẽ viết về câu chuyện của cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", sẽ có một sự đối thoại và cảm nhận riêng từ những khung cảnh đồng điệu như qua khung cửa nhìn ra Hồ Tây, bạn học sinh tưởng tượng rằng rất có thể khung cảnh mơ mộng này đã thôi thúc cô bác sĩ lãng mạn và hào hoa của Hà Thành bước chân vào chiến trường, cổ vũ niềm tin để cô vững vàng chiến đấu anh dũng trên mặt trận Đức Phổ ác liệt. Hay chẳng hạn hai bạn học sinh khác thì đi tìm chân dung của người đã cắm cờ trên Tháp Rùa, vốn đã được thể hiện trong truyện ngắn "Làng" của Kim Lân. Đấy chính là cuộc du hành trở về với truyền thống của các bạn học sinh ngày hôm nay, đó cũng là điều cô tâm đắc nhất ở phần đầu tiên.

Gặp cô giáo dạy Văn, người mẹ hiền 18 năm nay của biết bao thế hệ học sinh trường Chu Văn An - Ảnh 6.

Cuốn kỷ yếu là công sức của rất nhiều thầy cô, học trò và những người yêu mến Chu Văn An

Phần thứ hai "Chu Văn An, ngôi trường ngày hôm nay" sẽ giới thiệu lại diện mạo của ngôi trường với sự đối thoại và cảm nhận giữa thầy và trò.

Mảng thứ ba là "Chu Văn An muôn nẻo và đời". Ở phần này không chỉ có những câu chuyện của những người nổi tiếng mà có rất nhiều câu chuyện của những người ở mọi lĩnh vực khác nhau. Cô Thủy và mọi người không chỉ viết về những thành công mà còn viết cả về những thất bại, những niềm vui, nỗi buồn và nỗ lực để tìm kiếm con đường đi riêng, dù nó đã thành công hay vẫn đang tiếp diễn hoặc đã chững lại. Cô muốn viết về những điều bình thường, nhưng hoàn toàn không tầm thường.

Phần tiếp theo có tên "Chu Văn An trong mắt ai" ghi lại tình yêu mến Chu Văn An của những người không phải giáo viên, không phải cựu học sinh để thấy rằng Chu có sức hấp dẫn như thế nào với mọi người.

Và phần cuối cùng, "Chu Văn An, ngôi trường ước mơ" sẽ ghi lại những tâm sự của các bạn ngày hôm nay về tương lai của ngôi trường.

Khi được hỏi về một lời chúc dành cho trường nhân dịp 110 năm, cô cho biết mình là một người thuộc về Chu Văn An nên cũng chẳng biết chúc gì hơn ngoài mong ước ngôi trường sẽ mãi giữ vững những bản sắc vốn có, mãi mãi là ngôi trường xinh đẹp và đáng mơ ước bên Hồ Tây thơ mộng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày