Gọi là cô giáo theo đúng nghĩa khi đứng trên bục giảng nhưng với những đứa trẻ tại bệnh viện Ung Bướu thành phố HCM, cô Kim Phấn chính là người mẹ thứ hai của các em. Nguyên là giáo viên của trường tiểu học Lý Tự Trọng (Quận 1, Tp.HCM), cô Phấn đã dành hơn 10 năm miệt mài dạy từng con chữ cho các bạn nhỏ đặc biệt ở đây.
Gắn bó với lớp học từ những ngày đầu, cô coi từng em nhỏ như những đứa con đứa cháu trong gia đình mình. Nhìn các em đau đớn mỗi khi làm hóa xạ trị hay chứng kiến những cuộc chia li đẫm nước mắt của các gia đình với từng thiên thần nhỏ, cô lại khát khao được giúp đỡ các em nhiều hơn trong hành trình chiến đấu với bệnh tật.
Cô Kim Phấn chụp ảnh kỷ niệm cùng bé Gia Huy, bệnh nhi từng theo học tại lớp học chữ bệnh viện Ung Bướu. (Ảnh: FBNV)
Cô và các em học sinh tại trường Lý Tự Trọng ở quận 1, nơi cô từng công tác. (Ảnh: FBNV)
Được biết trong suốt 10 năm qua bên cạnh những ngày còn chạy giáo án cho trường tiểu học mình đang theo dạy, cô Phấn vẫn ngày đêm soạn từng trang sách, chuẩn bị từng quyển vở tập viết, những bộ quần áo tinh tươm cho các em bệnh nhi được tham gia tới lớp đầy đủ. Và mãi đến năm 2016, khi chính thức về hưu cô mới có thể dành hẳn thời gian của bản thân vào công việc tại lớp học chữ.
Khi cố gắng liên lạc với cô Đinh Thị Kim Phấn vào những ngày đầu năm học, người mẹ lớn tuổi ấy trông ốm hơn, bận rộn hơn vì sau những ngày chuẩn bị và tổ chức lễ khai giảng kỉ niệm 10 năm ngày thành lập lớp học không nghỉ ngơi. Nhưng với sự nhiệt tình của bản thân, cô vẫn dành chút thời gian để trao đổi với chúng tôi.
Nói về cơ duyên gắn bó với các bạn nhỏ ở đây, cô Kim Phấn chia sẻ: "Từng tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện, vào năm 2009 cùng đợt chương trình "Ước mơ của Thúy" được phát động, khi được tiếp xúc với các bạn nhỏ tại bệnh viện Ung Bướu cô đã cùng 7 cô giáo khác tham gia nhận phụ trách lớp học cho các em tại đây, sau này còn có thêm sự hỗ trợ thêm của các bạn sinh viên tình nguyện."
Lớp học không quá rộng, nhưng sau những khoảng thời gian tiêm thuốc xạ trị tại các phòng bệnh ngột ngạt thì nơi đây chính là phòng truyền "sự sống" tốt nhất cho các em. Cứ mỗi chiều thứ 6 và sáng thứ 7 căn phòng lại rộn rã tiếng tập đọc, tiếng cười và cả những giọng hát hồn nhiên.
Có những bạn nhỏ dù sức khỏe rất yếu, không tự tới lớp được nhưng vẫn xin phép ba mẹ đẩy trên chiếc xe lăn chăm chỉ tới lớp chỉ để nghe giọng cô Phấn, để nói chuyện chơi đùa với các bạn, các anh chị tình nguyện và tìm niềm vui trong căn phòng về một tương lai bừng sáng hơn. Các em đều là những đứa trẻ ngoan, đều có ước mơ và khao khát như bạn bè đồng trang lứa.
Cô Phấn (đầu tiên góc phải) cùng các đồng nghiệp chụp ảnh với các em học sinh tại bệnh viện trong ngày hội Hoa hướng dương. (Ảnh: FBNV)
Hơn 50 em nhỏ cùng cô Phấn tham gia lễ khai giảng kỉ niệm 10 năm thành lập lớp học tại sân bệnh viện vào ngày 9/9. (Ảnh: FBNV)
Với cô Phấn việc được nhìn các bệnh nhi tới lớp, trải nghiệm tuổi thơ cắp sách cùng bạn bè là nguồn động lực lớn nhất để cô tiếp tục hành trình giảng dạy của mình. Những năm qua, cô luôn lưu giữ từng khoảnh khắc bên các bạn nhỏ, những bức hình được cô chụp lại thậm chí kín cả album ảnh. Cô Phấn nói: "Mỗi em nhỏ đều có ước mơ và câu chuyện riêng, tâm hồn trẻ thơ và nghị lực của các em đến phút cuối phải được ghi lại."
Đến bây giờ những trang nhật ký viết về các học trò đã đi qua đời cô Phấn không thể đếm xuể nữa, chỉ đến khi lật từng bức ảnh, câu chuyện và kỷ niệm về từng em cô lại thuộc lòng như bảng cửu chương.
Ngày bệnh nhi nào đó ra đi cô lại lục từng tấm hình, tìm từng quyển tập gói ghém thật kĩ, giấu đi những giọt nước mắt để gửi về cho gia đình các em. Có lẽ trong suốt thời gian giảng dạy tại đây khó khăn lớn nhất đối với cô chính là việc nén đau thương khi phải chứng kiến những cuộc chia li vĩnh viễn với học trò.
Có một buổi chiều đầu năm 2014, khi vào thăm phòng bệnh và chứng kiến một em học sinh nhỏ quê Bình Định trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh mà lòng đau như cắt. Đêm hôm ấy cô không tài nào chợp mắt ngủ được, bởi những hình ảnh về thiên thần nhỏ đầu không còn sợi tóc ấy cứ đến tiết lại được mẹ đẩy bằng xe lăn đến bên lớp học ngồi nghe cô giảng bài cứ quanh quẩn mãi trong đầu cô. Thậm chí cô có tâm sự rằng bản thân đã bị trầm cảm cả một thời gian dài, mãi đến khi cô vào tận Bình Định thăm mộ em, mang theo sách vở, những bức hình gửi lại gia đình như một kỷ vật.
Những dòng nhật kí của các bạn tình nguyện viên, các em bệnh nhi là nguồn động lực để cô đứng lớp. (Ảnh: FBNV)
Đã từng nghĩ đến việc nghỉ lớp học, nhưng lại không nỡ rời xa các thiên thần, việc cô làm dù rất nhỏ nhưng phần nào đó tiếp sức cho các em chống chọi với bệnh tật, với ung thư.
Trong một vài trang nhật ký cô gửi chúng tôi xem, có rất nhiều bạn sinh viên tình nguyện đã dành lời động viên, tâm sự rằng chính cô Phấn chính là sợi dây kết nối các bạn với lớp học đặc biệt này, hy vọng cô vẫn luôn thật khỏe mạnh để cùng các em đứng trên bục giảng, chiến đấu tới giây phút cuối cùng.
Những hành động xuất phát từ trái tim của cô chúng tôi tin nó đã, đang cảm hóa sưởi ấm và lan tỏa được tới biết bao nhiêu trái tim con người.