“Gạ tình đổi điểm”: Không phải ai cũng vượt qua được cám dỗ đạt điểm cao mà không cần học

Lam Giang, Theo Nhịp Sống Việt 23:07 29/10/2021

Trong khi chờ cơ quan chức năng vào cuộc, thay vì thóa mạ vị giảng viên, chúng ta nên chia sẻ với nhau cách xử lý tốt hơn phòng khi gặp tình huống tương tự.

Loạt tin nhắn được cho là của Giảng viên một trường Đại học tại Hà Nội gạ gẫm sinh viên qua môn bằng cách “vào khách sạn” đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Hiện tại vị Giảng viên bị tố đã bị tạm đình chỉ công tác, đợi kết quả xác minh từ cơ quan chức năng.

Chưa rõ thực hư của câu chuyện ra sao? Nhưng sự việc đã khiến không ít học sinh, sinh viên và cả phụ huynh lo lắng khi nếu như một ngày nào đó, mình/con em mình cũng là nạn nhân của “gạ tình đổi điểm” thì sẽ phải ứng xử thế nào?

Chia sẻ về vấn đề này, Nhà báo, Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, trong khi chờ các cơ quan chức năng xác minh, thay vì thóa mạ, lên án vị giảng viên thì hãy chia sẻ với nhau cách xử lý tốt hơn phòng khi chúng ta gặp tình huống tương tự: “Nhận một tin nhắn gạ tình đổi điểm”. Hay lớn hơn, là một uy hiếp từ những kẻ có quyền lực hơn.

Bởi không phải đứa trẻ nào cũng biết cách, không phải đứa trẻ nào cũng vượt qua được sự cám dỗ của việc đạt điểm cao không cần phải học, không phải đứa trẻ nào cũng đứng vững trước những uy hiếp mềm kiểu vậy. Lời uy hiếp mềm là những lời uy hiếp giấu dưới vỏ bọc giúp đỡ.

"Với tình huống này, tôi nghĩ rằng sẽ đơn giản hơn khi nữ sinh viên thẳng thắn từ chối giảng viên cùng những quyền mà em có thể sử dụng như: ‘Em muốn thầy tôn trọng em và nghiêm túc. Những tin nhắn này đã vượt quá giới hạn cho phép của một người thầy.

Em có thể sử dụng nó để bảo vệ bản thân cũng như đòi một sự công bằng thi cử’. Tôi tin rằng không một giảng viên nào dù xấu xa đến đâu cũng đủ trơ trẽn để tiếp tục uy hiếp. Bởi những kẻ xấu luôn sợ ánh sáng" - nhà văn Hoàng Anh Tú nói.

Gạ tình đổi điểm”: Không phải ai cũng vượt qua được cám dỗ đạt điểm cao mà không cần học - Ảnh 2.

Nhà báo, Nhà văn Hoàng Anh Tú

Suốt khoảng thời gian làm anh Chánh Văn và cả hiện tại, nhà văn Hoàng Anh Tú đã nhận được một vài câu chuyện tương tự. Tâm trạng chung của các nạn nhân luôn là sự bất an và cả phẫn nộ.

Tôi thường khuyên họ hãy bình tĩnh để không khiến sự việc thành mất kiểm soát (tung lên mạng, làm ầm ĩ lên). Mà hãy tìm đến những sự trợ giúp pháp luật, từ chính cơ quan đoàn thể (nếu là quấy rối tình dục nơi công sở), hoặc tìm đến các cơ quan có chức năng bảo vệ phụ nữ.

Nhiều nạn nhân không tin vào sự trợ giúp ấy vì họ “nghe đâu đó” những trường hợp như họ không được giúp đỡ, hay quyền lực của kẻ gây ra việc đó quá lớn. Nhưng nếu chúng ta cứ “nghe đâu đó” như thế, chính chúng ta mới là kẻ thiệt thòi.

Đừng từ chối bất cứ sự trợ giúp nào có được. Bởi tình huống xảy ra không chỉ nằm trong phạm vi giữa nạn nhân - thủ phạm mà còn liên đới với rất nhiều thứ khác. Có một cơ quan chức năng tham gia sẽ giúp chúng ta giải quyết vấn đề triệt để cũng như bảo vệ chúng ta lâu dài hơn.

Báo chí cũng luôn là một sức mạnh mà chúng ta có, hãy tận dụng nó, còn việc tung lên mạng hay làm ầm ĩ chỉ là giải quyết phần ngọn. Thậm chí, chính nạn nhân khi chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng cũng sẽ bị một bộ phận dân mạng vào xâu xé, nghi ngờ dẫn dụ thầy để chụp màn hình tin nhắn, tạo drama câu view.

Các trường hợp nhờ tôi tư vấn sau đó đều đã có thể giải quyết vấn đề một cách tận gốc rễ mà không cần đến mạng xã hội biến nó thành drama. Kẻ quấy rối đều bị xử lý dù không hẳn mọi trường hợp đều thỏa đáng nhưng chắc chắn chúng sẽ không tấn công ngược trở lại nạn nhân một lần nữa. Tôi nghĩ đó mới thực sự là một kết quả mà các nạn nhân mong muốn” - anh Chánh Văn chia sẻ thêm.

BỐ MẸ HÃY LÀ NƠI ĐỂ CON TÂM SỰ, KHÔNG PHẢI MẠNG XÃ HỘI

Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng khi có con gặp phải vấn đề tương tự. Phụ huynh cần cho con biết, bố mẹ là nơi chúng có thể tâm sự mọi chuyện.

Khi nghe con tâm sự, bố mẹ đừng gạt đi hay hành xử cực đoan kiểu đùng đùng đến trường làm ầm lên. Trẻ không muốn điều đó. Trẻ cần bố mẹ lắng nghe và cùng chúng giải quyết vấn đề.

Gạ tình đổi điểm”: Không phải ai cũng vượt qua được cám dỗ đạt điểm cao mà không cần học - Ảnh 4.

Nhà văn Hoàng Anh Tú luôn dạy con hiểu giá trị của bản thân mình

Đặt mình vào vị trí của một người phụ huynh có con bị gạ gẫm, nhà văn nổi tiếng bày tỏ: “Trong tình huống này, nếu nữ sinh viên là con gái của tôi, chắc chắn tôi sẽ chọn một cách tiếp cận khác chứ không phải tung lên mạng.

Không phải tôi bao che cho người giảng viên kia. Tôi cũng phẫn nộ chứ nếu đó là câu chuyện có thật. Nhưng việc xử lý anh ta thế nào đó là việc của pháp luật, hãy để pháp luật xử lý.

Việc của chúng ta là theo đuổi nó cho đến khi pháp luật xử lý nó triệt để. Chứ không phải làm thay pháp luật, kéo đến cho giảng viên kia một trận. Và càng không phải giải quyết nó bằng việc tung lên mạng, MXH không phải là nơi phán quyết.

Tôi sẽ cần đến sự trợ giúp của báo chí, sẽ cùng con xử lý tình huống này để nó an toàn cho con mình nhất rồi mới đến những mục tiêu khác. Giữ con an toàn mới là thứ mà các bậc làm cha, làm mẹ nên nghĩ đến đầu tiên, trước khi nổi trận lôi đình. Hãy trở thành nơi để con cái tìm đến chứ không phải MXH”.

Nhà văn Hoàng Anh Tú cũng sẽ chọn dạy con về sự đánh đổi, cho con hiểu giá trị của bản thân và cùng con tạo dựng những giá trị. "Đổi tình lấy được bao nhiêu điểm?", khi biết giá trị của mình thế nào, con sẽ vượt qua được những lời uy hiếp mềm. Đừng khiến con hiểu nhầm giá trị điểm số cao hơn giá trị bản thân con, hay bất cứ điều gì khác. Con luôn an toàn khi có bố mẹ, đó mới chính là thứ mà cha mẹ cần tặng con, làm con hiểu.