Ngành công nghiệp tiền điện tử vốn được biết đến với những biến động khó lường, sự giàu có có thể biến mất chỉ sau một đêm. Nhưng ngay cả khi như vậy, những gì đang xảy ra đối với thị trường tiền điện tử cũng dấy lên những cảnh báo đáng lo ngại.
Đối với những người không quan tâm đến lĩnh vực này, thì tin tức về sự sụp đổ của FTX – một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới có thể cũng chỉ là một loại câu chuyện mà bạn lướt qua giống như những tin tức về Twitter của tỷ phú Elon Musk mà thôi.
Tuy nhiên, trong thế giới tiền điện tử, nó đã được gọi là "khoảnh khắc Lehman" của ngành - ám chỉ đến sự sụp đổ năm 2008 của Lehman Brothers , gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đối với những người làm trong giới tài chính Phố Wall.
Và rõ ràng, sự sụp đổ của FTX - bao gồm cả nỗ lực không thành công khi bán chính mình cho sàn giao dịch tiền điện tử đối thủ Binance - có thể trở thành câu chuyện về tiền điện tử gay cấn nhất trong năm.
Đồng thời, nó cũng báo hiệu ngành công nghiệp tiền điện tử (crypto) - vốn đã quay cuồng với một năm thua lỗ nặng nề - có thể sẽ còn gặp khó khăn hơn trong một thời gian nữa.
Cuộc ganh đua của FTX và Binance
Có hai sàn xử lý phần lớn giao dịch tiền điện tử trên thế giới được biết tới phổ biến: Binance và FTX.
Binance được điều hành bởi tỉ phú người Trung Quốc Changpeng Zhao hay còn được gọi là CZ.
Hoạt động của Binance có phần bí hiểm - nền tảng không có trụ sở chính thức và gặp khó khăn với các cơ quan quản lý ở nhiều quốc gia nơi nó hoạt động - nhưng cực kỳ thành công và hiện đang kiểm soát khoảng một nửa thị trường trao đổi tiền điện tử.
FTX, có trụ sở chính tại Bahamas, được điều hành bởi Sam Bankman-Fried, một tỷ phú người Mỹ 30 tuổi và là nhà tài trợ chính của đảng Dân chủ. Nền tảng này từng được định giá 32 tỉ USD.
Ở Mỹ, FTX được biết đến nhiều hơn Binance. Một phần vì sàn giao dịch này đã chi hàng triệu USD cho quảng cáo Super Bowl, quyền đặt tên cho các sân vận động thể thao (Miami Heat thi đấu tại FTX Arena) và tổ chức các hội nghị hoành tráng với sự tham gia của những người nổi tiếng như Bill Clinton và Tom Brady.
FTX cũng được coi là (hoặc cho đến tuần này) là một trong những công ty "blue chip" của tiền điện tử - có loại hình kinh doanh ổn định, có vốn hóa tốt, tồn tại ngay cả khi phần còn lại của thị trường tiền điện tử rơi tự do.
Trên thực tế, sàn giao dịch điện tử này đã dành phần lớn thời gian trong năm nay để cứu trợ các công ty tiền điện tử khác và thường được các nhà đầu tư coi là một công ty trưởng thành, có trách nhiệm, không tham gia vào các giao dịch rủi ro, đầu cơ hoặc đánh bạc với tiền của khách hàng.
Bankman-Fried, được biết đến với cái tên SBF, đã trở nên rất nổi tiếng nhờ thành công của FTX.
Doanh nhân 30 tuổi được coi là một thanh niên "vàng" của "làng" công nghiệp tiền điện tử. Anh là một tên mọt sách kỳ quặc, khiêm tốn, mặc quần đùi với mái tóc xoăn rối, bù xù với danh tiếng là ông trùm tiền điện tử tuân thủ luật pháp.
Ở chiều ngược lại, tỉ phú của Binance - Zhao được biết đến như một kẻ phá cách.
Ông đã chống lại yêu cầu cần có nhiều quy định về tiền điện tử hơn và Binance đã bị cấm ở một số quốc gia vì hoạt động mà không có giấy phép phù hợp. (Dưới áp lực từ các cơ quan quản lý, Binance đã chặn người dùng Mỹ khỏi nền tảng chính của mình vào năm 2019 và thiết lập Binance.us, một sàn giao dịch riêng biệt được sử dụng để hoạt động hợp pháp ở quốc gia này).
Năm 2022, khi ngành công nghiệp tiền số được giám sát chặt chẽ ở Washington, Bankman-Fried và FTX đã bắt đầu vận động hành lang, chi hàng triệu USD để giành chiến thắng trước các nhà lập pháp hoài nghi và đưa ra các quy định thân thiện với tiền điện tử.
Những nỗ lực vận động hành lang này đã gây chia rẽ. Một số người hâm mộ tiền điện tử ủng hộ việc FTX thúc đẩy ban hành nhiều quy định hơn, nhưng những người khác cáo buộc Bankman-Fried cố gắng chơi xấu các đối thủ trong ngành bằng các quy định có lợi cho mình và vẫn giữ nguyên hoạt động kinh doanh của FTX.
Từ thân tình thành đối nghịch
Tỉ phú Zhao là một trong những người phản đối sự thúc đẩy vận động hành lang của FTX.
"Chúng tôi sẽ không ủng hộ những người vận động hành lang chống lại những người cùng ngành khác," ông viết trên Twitter.
Zhao và Bankman-Fried đã từng rất thân thiện - Binance là nhà đầu tư ban đầu vào FTX và đã nhận được một số lượng lớn mã thông báo FTT, mã thông báo tiền điện tử gốc của sàn giao dịch FTX, khi bán cổ phần của mình trong công ty vào năm ngoái. Tuy nhiên, khi mục tiêu khác nhau họ đã không còn giữ quan hệ thân tình như trước và thậm chí còn trở thành đối thủ của nhau.
Tuần trước, trang tin tức tiền điện tử CoinDesk đã báo cáo về một tài liệu bị rò rỉ tuyên bố quỹ đầu cơ tiền điện tử của Bankman-Fried, Alameda Research, có lượng lớn bất thường các mã thông báo FTT.
Báo cáo cho rằng FTX và Alameda, trên danh nghĩa là các doanh nghiệp riêng biệt, nhưng thực tế lại có quan hệ mật thiết với nhau. (Một số thông tin trong ngành đã suy đoán, tỉ phú Zhao và Binance có thể đã làm rò rỉ tài liệu để gây nghi ngờ về sự ổn định của FTX, nhưng Binance phủ nhận điều này.)
Sau báo cáo, tỉ phú Zhao đã phát đi thông báo, Binance sẽ bán toàn bộ cổ phần của mã thông báo FTT - trị giá khoảng 500 triệu USD - vì "những tiết lộ gần đây" về Alameda và FTX. Thông báo đã khiến giá trị của FTT giảm mạnh.
Lo sợ bị mất tiền, các nhà đầu tư đã rút hơn 6 tỷ USD khỏi sàn giao dịch của FTX trong khoảng thời gian ba ngày, khiến công ty phải huy động một khoản tiền mặt để đảm bảo thanh khoản.
Nhà sáng lập Bankman-Fried đã cố gắng trấn an các nhà đầu tư, tweet rằng "FTX vẫn ổn" và "một đối thủ cạnh tranh đang cố gắng "đuổi theo" chúng tôi bằng những tin đồn thất thiệt". Nhưng sự hoảng loạn vẫn tiếp tục, và sau khi cố gắng thu xếp gói cứu trợ từ các nhà đầu tư tư nhân không thành công, hôm 9/11, Bankman-Fried thông báo sẽ bán công ty của mình (ngoại trừ phần do Mỹ quản lý, được gọi là FTX.us) cho Zhao và Binance.
Và cú "twist" không ngờ
Chưa đầy một ngày sau, Binance đã thay đổi quyết định và thông báo từ bỏ thỏa thuận, nói rằng sau khi kiểm tra sổ sách của công ty, họ đã quyết định "các vấn đề của FTX nằm ngoài tầm kiểm soát hoặc khả năng hỗ trợ của chúng tôi".
Tất cả những thông báo này đều diễn ra theo thời gian thực trên Twitter, nơi cả hai tỉ phú Zhao và Bankman-Fried đều hoạt động. (Và với vị tỉ phú người Trung Quốc tính đến tuần trước, đã là chủ sở hữu một phần của Twitter khi Binance "rót" khoảng 500 triệu USD vào việc tiếp quản nền tảng mạng xã hội của Elon Musk.)
Tương lai nào cho tiền điện tử?
Sự sụp đổ bất ngờ của FTX đặt ra rất nhiều câu hỏi về tương lai của tiền điện tử.
Đầu tiên, điều gì sẽ xảy ra với khách hàng của FTX và tiền của họ? Không giống như tiền gửi trong tài khoản ngân hàng truyền thống, tiền gửi trên các sàn giao dịch tiền điện tử không được chính phủ bảo hiểm và việc liệu FTX có đủ tài sản để thu hút toàn bộ khách hàng còn lại của mình hay không vẫn là một câu hỏi.
Nếu công ty nộp đơn xin bảo hộ phá sản, như các công ty tiền điện tử Voyager Digital và Celsius Network đã làm trong năm nay, các nhà đầu tư có thể phải chấp nhận ra toà để vớt vát lại số tiền đã bỏ ra của mình.
Thứ hai, tương lai quy định của tiền điện tử có gặp nguy hiểm không? FTX, xét cho cùng, là một trong số ít các công ty tiền điện tử của Mỹ đã đầu tư rất nhiều cho hoạt động vận động hành lang và Bankman-Fried được coi là "hiệp sĩ áo trắng", người có cơ hội tốt nhất để thuyết phục các nhà lập pháp hoài nghi về giá trị của tiền điện tử. Bây giờ, có vẻ như những nỗ lực đó đã bị đình trệ, và các nhà quản lý sẽ càng có lý do để cho rằng tiền điện tử là một sự rủi ro và nguy hiểm.
Thứ ba, liệu sự sụp đổ của FTX là nguyên nhân cho một sự sụp đổ trên thị trường rộng lớn hơn, như những gì mà Lehman Brothers đã gây ra vào năm 2008(?).
Hiện tại, tin tức đã ảnh hưởng đến phần còn lại của thị trường tiền điện tử. Giá Bitcoin và Ether đều giảm vào hôm 9/11 và giá của Solana (một loại tiền điện tử mà FTX đã hậu thuẫn) giảm khoảng 20%.
Cổ phiếu của các công ty tiền điện tử được giao dịch công khai, chẳng hạn như Coinbase, cũng giảm.
Các nhà đầu tư của FTX, bao gồm Sequoia Capital, Lightspeed Venture Partners và SoftBank, rất có thể sẽ mất hầu hết hoặc tất cả các khoản đầu tư của họ. Và với mối liên quan của FTX với phần còn lại của nền kinh tế tiền điện tử, có thể phải mất một thời gian nữa chúng ta mới biết được mức độ thiệt hại đầy đủ.