Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, nếu doanh nghiệp hay người sử dụng lao động "ép" người lao động (NLĐ) làm việc trong những ngày nghỉ lễ, Tết mà không được sự đồng ý của họ (không thuộc trường hợp không cần có sự đồng ý của NLĐ) sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt tiền lên đến 25.000.000 đồng, theo khoản 2, 3 điều Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP xử phạt các vi phạm về giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người lao động.
Nếu doanh nghiệp muốn người lao động làm việc trong những ngày này thì phải được sự đồng ý của họ và phải trả thêm cho họ ít nhất 300% lương, theo điểm c khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019.
Ngoài ra, khi người sử dụng lao động ép NLĐ làm việc quá 12 giờ trong 1 ngày thì sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng (đối với vi phạm từ 1 NLĐ) đến 75.000.000 đồng (đối với vi phạm từ 301 NLĐ trở lên).
"Nghỉ lễ là một trong những quyền lợi chính đáng của người lao động được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Theo khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, mỗi năm người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong dịp Tết Âm lịch", luật sư Trần Xuân Tiền nhận định.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội
Việc sử dụng lao động trong mùa lễ, Tết vốn xuất phát từ nhu cầu công việc của các doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài, hay các mối quan hệ cộng tác làm ăn với nước ngoài bởi chỉ một số ít quốc gia trên thế giới nghỉ Tết theo lịch âm như Việt Nam.
"Vì vậy thời gian chúng ta được nghỉ Tết Nguyên Đán, các yêu cầu công việc từ nước ngoài vẫn diễn ra bình thường, dẫn đến các doanh nghiệp cũng rất cần người lao động làm việc vào thời điểm này để kịp tiến độ công việc. Mặt khác, thực tế cho thấy nhiều người lao động cũng có nhu cầu làm thêm trong kỳ nghỉ lễ, Tết để kiếm thêm thu nhập bởi được tính mức lương cao hơn", luật sư Trần Xuân Tiền nói.
Như vậy, theo luật sư Tiền, việc sử dụng lao động trong mùa lễ, Tết sẽ không vi phạm pháp luật nếu người lao động chấp thuận hoặc tự nguyện làm việc. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho NLĐ.
Ngược lại, hành vi ép buộc người lao động là trái pháp luật và đương nhiên sẽ bị xử lý theo quy định.
Ảnh minh hoạ
Luật sư Trần Xuân Tiền phân tích rõ hơn về các quy định trong Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP xử phạt các vi phạm về giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người lao động.
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định;
b) Không rút ngắn thời giờ làm việc đối với người lao động trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu theo quy định;
c) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý nhà nước về lao động tại địa phương về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật: Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày (trường hợp thời giờ làm việc theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày) và không quá 48 giờ trong 1 tuần.
b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp:
Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định (Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp khác theo quy định pháp luật được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm) hoặc quá 12 giờ trong 1 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.