Sau 6 tháng ở cữ, mẹ bỉm phải quay trở lại làm việc. Lúc này, em bé sẽ được giao cho ông bà hoặc người giúp việc trông coi. Nhiều mẹ nghĩ rằng vì không dành thời gian cho con cái nên các bé sẽ mau chóng ''bơ'' mình, hoặc bớt ''dính'' mẹ hơn, nhưng sự thật có vẻ hoàn toàn ngược lại.
Cứ thấy mẹ vừa bước vào cửa là nhiều bé oà lên khóc, bám víu nhất quyết không cho mẹ rời đi. Không chỉ thế, suốt bữa ăn, đi tắm, đi chơi... con cứ nhõng nhẽo, đòi mẹ phải bế. Nhiều mẹ bỉm trong lúc bất lực đành hét lên ''Làm sao mà con buồn cười thế, ở nhà với bà ngoan thế cơ mà, cứ mẹ về đến nhà là bắt đầu ỉ ôi, bực mình ghê ấy''.
Nhiều người phải công nhận rõ ràng rằng khi vắng bố mẹ, con chơi rất ngoan mà chẳng 1 lần mè nheo. Song, cứ thấy mẹ là bé lao vào bám, không được thì khóc ăn vạ, giãy đành đạch. Với một người mẹ vừa đi làm về, lại thêm loạt việc nhà đang chờ đợi thì việc này thực sự quá sức. Tuy nhiên, rất nhiều trẻ đều có chung hành động như vậy thực ra là có lý do đằng sau.
Ảnh minh hoạ.
Nguyên nhân của việc này là do não bộ của trẻ chưa phát triển đầy đủ. Trẻ luôn suy nghĩ rằng mình cần phải cư xử tốt trước mặt những người lạ hơn là những người thân thiết. Từ đó, con sẽ có những hành vi khác nhau giữa mọi người và mẹ. Đây chính lý do vì sao trẻ có thể rất ngoan khi ở cùng ông bà, bố, họ hàng hay cô giáo, nhưng cứ hễ thấy mẹ thì lại ỉ ôi, khóc lóc, la hét và ăn vạ.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng liệt kê thêm một số nguyên nhân khiến trẻ không bao giờ cư xử lịch sự khi đứng trước mẹ. Chẳng hạn như:
Không có ai có thể thay thế mẹ trong mắt của con, và với con mẹ luôn là nơi bình yên và an toàn nhất. Khi ở bên mẹ, trẻ không còn cảm giác đề phòng hay dè chừng, con cũng không phải sợ sệt như khi gặp người lạ. Bé bắt đầu thể hiện tính cách thật của bản thân mà không lo lắng điều gì cả, như trước đây mà trẻ vẫn làm.
Kể cả người lớn hay trẻ con đều có cảm giác dè chừng với mọi người lạ. Dù là ông bà hay anh chị em, bạn bè, trẻ vẫn không thể có cảm giác yên tâm như khi ở bên mẹ. Bởi vậy, nếu thấy con có biểu hiện ''bám dính'' thì mẹ đừng vội trách mắng nhé, bởi mẹ là người mà con tin tưởng nhất mà thôi. Tất nhiên, không thể chiều chuộng trẻ một cách thái quá, vẫn phải đặt ra giới hạn và thể hiện sự nghiêm túc với con.
Biểu cảm thường thấy nhất mỗi khi nhìn thấy mẹ sau giờ học đó là con sẽ oà lên khóc, chạy đến ôm chầm lấy mẹ. Trẻ luôn là như vậy, với người mà con yêu thương, tin tưởng, bé sẽ tự giải toả mọi cảm xúc ra ngoài mà không kìm nén như khi ở bên người lạ. Nếu như ở lớp cùng cô giáo, ở nhà với ông bà, con thể hiện ra mình là một đứa trẻ rất ngoan thì khi ở bên mẹ lại trái ngược.
Lý do một phần cũng bởi vì, con không có sự tin tưởng tuyệt đối vào người khác như với mẹ. Thế nên, mẹ hãy hiểu cho cảm xúc của con chứ đừng khó chịu hay trách mắng bé nhé. Chỉ là vì con yêu mẹ và muốn được là chính bản thân con mỗi khi có mẹ mà thôi.
Hãy biết rằng con đã phải trải qua một ngày tồi tệ và những cơn giận dữ con dành cho mẹ chỉ là cách để con giải tỏa cảm xúc. Điều con cần lúc này là một cái ôm vỗ về đầy yêu thương hơn là những lời trách mắng.
Đó là khi con cảm thấy mẹ quan tâm con chưa thực sự đủ. Sau một ngày đi làm về, mẹ phải nấu ăn, dọn dẹp, làm đủ các công việc không tên trên đời nên thời gian dành cho con nghiễm nhiên bị rút ngắn lại. Con trở nên hư vì mẹ đã phân tán sự quan tâm của mình cho các anh chị em, những người lớn khác trong nhà, vật nuôi hay công việc của mẹ.
Vì không thể gọi tên được cảm xúc và giải thích cho mẹ hiểu nên trẻ không có cách nào khác là hành động. Và chắc chắn rằng sau màn lăn lóc, đeo bám thì mẹ sẽ phải nhìn và nói với con vài câu, dù đôi khi đó không phải là điều con muốn nghe.
Thoạt nghe thì thấy lý do này thật lạ đời, song, các nhà tâm lý lại giải thích rằng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Trẻ biết rằng mối quan hệ giữa mình và mẹ là an toàn, là bền vững, vì vậy con cảm thấy rằng mình có thể ngỗ ngược, không vâng lời và đi quá giới hạn. Điều này không có nghĩa là con bạn cố tình hư, mà đó chỉ là một sự phát triển tâm lý bình thường giúp con xác định được ranh giới trong mối quan hệ giữa mẹ và con.
Nói nôm na là trẻ sẽ cố gắng và nỗ lực để xem bản thân có thể đi được bao xa trong mối quan hệ này. Và đến một thời điểm mà mẹ bảo "Không được" thì con sẽ tự biết mình đã chạm vào ranh giới rồi.
Trong một vài tình huống, cơn giận dữ của trẻ đến từ việc không có được cái mà con muốn. Thay vì thuyết phục mẹ bằng lời nói thì trẻ lại sử dụng hành động để thao túng. Chắc chắn là với kinh nghiệm làm mẹ của mình, bạn hoàn toàn có thể nhận biết được mục đích đằng sau cuộc "hỗn chiến" của con là gì. Và nếu thấy rằng điều con muốn không được thì bạn nên kiên định với hành động của mình. Hãy ôm lấy con để con bình tĩnh hơn.
Con sợ bị bỏ lại một mình mà không có mẹ. Trong rất nhiều trường hợp, mẹ phải đi làm sẽ để con ở nhà cho ông bà hoặc đưa con tới lớp. Thay vì chào con, một số mẹ chọn cách ''chạy trốn'' khiến con cảm thấy hoang mang. Thế nên, khi gặp lại mẹ, con sẽ tìm cách giữ chân mẹ bằng được để mẹ không biến mất khỏi tầm mắt của con một lần nữa.
Việc chạy trốn như thế chỉ có tác dụng tạm thời là mẹ không còn day dứt khi phải rời xa con, nhưng sẽ khiến con cảm thấy bị bỏ rơi và buồn bã tới chừng nào. Hãy cố gắng nói lời tạm biệt và hứa hẹn sẽ về với con vào buổi chiều, để bé tin tưởng và hiểu mẹ sẽ quay về.
Mẹ là người yêu thương con vô điều kiện, nên không có gì là khó hiểu nếu mẹ nuông chiều bé hơn những người khác trong gia đình. Trẻ hoàn toàn có thể cảm nhận được điều này nên đôi khi con ''hư'' hơn khi ở bên mẹ. Rõ ràng, ở trên lớp các thầy cô sẽ nghiêm túc hơn, còn ở nhà ông bà hay người giúp việc cũng không thể chiều con bằng mẹ, chính vì vậy mà trẻ có cảm giác thoải mái hơn, thích nhõng nhẽo với mẹ hơn.
Dù là với lý do gì thì cũng xuất phát từ việc con coi mẹ là người quan trọng và tin tưởng nhất. Chính vì thế, mẹ hãy hiểu và thông cảm, cố gắng tìm giải pháp hợp lý mỗi khi thấy con mè nheo nhé. Trong quá trình trưởng thành, con trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển và luôn cần tình yêu thương cùng sự đồng hành của mẹ đấy. Hãy luôn là một người mẹ tinh tế, yêu thương con nhé!