'Em bé 5 tuổi bị không kích': Khi ánh mắt lạnh lẽo và dửng dưng trở thành biểu tượng chiến tranh

Skye, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 20/08/2016

Lại một lần nữa, một em bé Syria lại khiến cả thế giới phải bàng hoàng nhìn lại những gì đang diễn ra quanh mình: chiến tranh vẫn còn đó và trẻ em vẫn phải hứng chịu khổ đau.

5 năm đã trôi qua kể từ cái ngày cuộc nội chiến tại Syria bắt đầu. Có lẽ cả thế giới đã quen với những tin tức về chiến tranh và chết chóc, mà chẳng hề màng tới nỗi đau khổ của những người dân nơi đây. Trong suy nghĩ của rất nhiều người, một ngày nào đó cuộc chiến sẽ chấm dứt thôi.

"Rồi mọi thứ sẽ ổn thôi mà".

Em bé 5 tuổi bị không kích: Khi ánh mắt lạnh lẽo và dửng dưng trở thành biểu tượng chiến tranh - Ảnh 1.

Thế hệ mất mát và khổ đau của Syria.

Bức ảnh em bé thời chiến đầy máu, nhưng tuyệt nhiên không có nước mắt

Trong bức ảnh mà cả thế giới đang chia sẻ, em ngồi một mình với cơ thể phủ đầy bụi và những vết máu đang vón cục trên gương mặt bé nhỏ. Ánh mắt em nhìn vào khoảng không lơ đãng đầy lạnh lùng, chẳng ai hiểu nổi ánh mắt đó là của một em bé đang sợ hãi hay của một con người đã quá quen thuộc với chiến tranh, nó vừa dửng dưng bình thản, vừa tuyệt vọng đến nghẹn ngào . Người ta nói, đó là ánh mắt đại diện cho cả dân tộc Syria.

Cậu bé 5 tuổi đó tên là Omran Daqneesh. Em được cứu từ đống đổ nát của một tòa nhà cao tầng sau 1 cuộc tấn công vào thành phố Aleppo. Cùng với 11 đứa trẻ khác, các em đã được cấp cứu vào hôm thứ 4 vừa qua. Với nhiều người, đây là một hình ảnh quen thuộc trong bệnh viện thành phố.

Em bé 5 tuổi bị không kích: Khi ánh mắt lạnh lẽo và dửng dưng trở thành biểu tượng chiến tranh - Ảnh 2.

Bức ảnh cậu bé Omran được chia sẻ trên mạng xã hội.

Chỉ trong vài phút sau khi được chia sẻ, bức ảnh đã lan truyền đi khắp thế giới, cũng giống như bức ảnh xác cậu bé Alan Kurdi 3 tuổi trôi dạt vào bờ biển Syria vào hồi tháng 9 năm ngoái. Trên mọi trang báo và kênh truyền hình đều có sự xuất hiện của hình ảnh Omran.

Em bé 5 tuổi bị không kích: Khi ánh mắt lạnh lẽo và dửng dưng trở thành biểu tượng chiến tranh - Ảnh 3.

Cái chết thương tâm của Alan bên bờ biển Hy Lạp đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về chiến tranh

Và những người dân Syria lại có dịp nói lên tiếng lòng của mình, về một đất nước mà không phải chỉ có 1 Omran và hàng nghìn đứa trẻ bị thương và giết chết như vậy. Và họ cũng đang tiếc thương cho thành phố quê hương mình: Aleppo - thành cổ xa xưa và là niềm tự hào của người dân Syria giờ đây chỉ còn là đống đổ nát mà nếu có ai từng đến đất nước Syria trước kia, họ sẽ phải khóc thương cho số phận của mảnh đất này.

Ánh mắt mang nỗi đau của cả một cuộc chiến

Việc sử dụng hình ảnh trẻ em như một biểu tượng của chiến tranh không còn là điều mới mẻ, mỗi ngày trên mạng xã hội đều tràn ngập những tấm ảnh trẻ con thời chiến, tất cả đều máu me, gào khóc, chết chóc và thống khổ.

Chính vì thế, nhiều người không muốn dừng mắt quá lâu với những hình ảnh như vậy còn các hãng truyền thông thì lờ đi vì cho rằng nó quá dã man. Vậy nên, hình ảnh đơn giản, lạnh lẽo và đầy tuyệt vọng của Omran chính là lý do mà câu chuyện của em được chia sẻ rộng rãi đến vậy.

Omran có thể đại diện cho bất cứ đứa trẻ nào tại đất nước Syria. Em nhìn quanh thất thần, người lính cứu hỏa bế em lại chiếc ghế xe cứu thương trước khi trở lại tòa nhà trong đống đổ nát, để lại cậu bé ngồi đó với bao ánh nhìn và những ống kính máy ảnh tối tân. Em đưa tay lên đầu để lau vết máu rồi lại nhìn vào lòng bàn tay mình đầy kinh ngạc, rồi em bối rối lau vội bàn tay vào ghế...

Ánh mắt em cứ ngơ ngác nhìn xung quanh như tìm kiếm đáp án cho câu hỏi: Đây là đâu? tại sao đầu mình lại có nhiều máu thế này?

Không người lớn nào có thể trả lời nổi thắc mắc giản đơn đó.

Em bé 5 tuổi bị không kích: Khi ánh mắt lạnh lẽo và dửng dưng trở thành biểu tượng chiến tranh - Ảnh 5.

Ánh mắt dại đi và vô định của cậu bé Omran.

Với nhiều người, ánh mắt của em sẽ theo họ mãi mãi về sau. Có lẽ, cậu bé quá hoảng sợ để khóc, hoặc với em những câu chuyện như vậy là một phần của tuổi thơ. 5 năm em sống trên đời là 5 năm chiến tranh xảy ra trên đất nước Syria. 

Hình ảnh và video của Omran đã được chia sẻ bởi trung tâm truyền thông Aleppo. Trong video là 2 em nhỏ được đưa tới xe cứu thương cùng với 2 người lớn khác. Mohammad al-Ahmad, một y tá tại bệnh viện chia sẻ khi nhìn thấy cậu bé Omran được đưa tới:

"Omran hoàn toàn hoảng loạn. Nó không nói gì khi tới và một lúc sau, em mới bắt đầu khóc vì vết thương". Trong lúc hỗn loạn, những nhân viên tại bệnh viện không thể biết chính xác người thân nào của cậu bé còn sống và em đang ở với ai.

Em bé 5 tuổi bị không kích: Khi ánh mắt lạnh lẽo và dửng dưng trở thành biểu tượng chiến tranh - Ảnh 6.

Em đã được đưa tới bệnh viện sau đó

Những câu chuyện không mới

Tại thành phố này, những ca tử vong và thương tật do bom và súng xảy ra liên tục. Các bệnh nhân được đưa tới bệnh viện rất nhiều và không ai biết người thân của họ là ai. Bom cứ nổ và người bị thương được đưa tới, như một phần của cuộc sống thành phố chứ không phải riêng gia đình nào.

Mahmoud Raslan, người đã chụp ảnh và ghi lại những cảnh quay về Omran cho biết may mắn thay, cả nhà em vẫn còn sống. Cậu bé hiện tại đang sống với bố mẹ và 3 người anh chị khác.

Em bé 5 tuổi bị không kích: Khi ánh mắt lạnh lẽo và dửng dưng trở thành biểu tượng chiến tranh - Ảnh 7.

Tại đất nước này, số người thương vong tăng lên theo từng ngày.

Trường hợp như Omran là những gì đang diễn ra hàng ngày tại Aleppo. Trong vụ tai nạn sập tòa nhà đó, em cùng 11 đứa trẻ khác đã phải nhập viện. Các em vẫn còn là những người may mắn khi có ít nhất 3 người đã thiệt mạng.

"Nhiều người đã thiệt mạng và bị thương, nhưng Omran đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới", Ahmad, y tá trong viện chia sẻ.

Nhiếp ảnh gia Raslan cũng hết sức ngạc nhiên vì bức ảnh của một cậu bé lại thu hút được sự quan tâm của nhiều người như vậy. Ông cho biết rằng mỗi ngày, những câu chuyện tương tự đều xảy ra.

Em bé 5 tuổi bị không kích: Khi ánh mắt lạnh lẽo và dửng dưng trở thành biểu tượng chiến tranh - Ảnh 8.

Những đứa trẻ Syria và nỗi đau còn mãi.

Sáng hôm thứ 5 vừa qua, trong khi phóng viên trên toàn thế giới đang điên cuồng tìm kiếm những thông tin, hình ảnh mới về Omran và gia đình, họ gọi điện và hỏi thông tin từ các bác sĩ và y tá như thể đó là điều họ quan tâm nhất. 

Nhưng với những nhân viên trong bệnh viện, họ không buồn đoái hoài gì.

Vì đơn giản, ngoài kia, một loạt bom nữa lại nổ vào sáng 19/8. Và một cậu bé nữa lại nằm trên vũng máu của mình với một phần chân mất đi. Vài phút sau, các bác sĩ, y tá lại truyền nhau một tin nhắn: cậu bé đã qua đời rồi.

Tên của em là Ibrahim Hadiri và bức ảnh của em cũng được chụp lại với đôi mắt nhắm chặt. Em không có may mắn được cả thế giới chú ý. Vì em chỉ là một trong hàng nghìn đứa trẻ Syria phải chịu đựng nỗi đau chiến tranh tưởng chừng như không bao giờ kết thúc.

Khi hình ảnh Alan Kurdi bên bờ biển lan tỏa đi khắp thế giới, châu Âu đã rộng lòng mở cửa đón người tị nạn, phần nào mang đến cho họ ánh sáng mới của cuộc sống, dù con đường đó không hề trải hoa hồng. Vậy điều gì sẽ đền bù cho nỗi đau của những người ở lại như Omran Daqneesh?

Em bé 5 tuổi bị không kích: Khi ánh mắt lạnh lẽo và dửng dưng trở thành biểu tượng chiến tranh - Ảnh 9.

Hình ảnh cậu bé Alan sẽ mãi mãi còn trong tâm trí người dân trên toàn thế giới.

Để viết nên đoạn kết cho bài viết, chúng tôi xin trích chia sẻ của facebooker Bút Chì Studio:

"Thứ nguy hiểm nhất đối với loài người ở thời điểm hiện tại không phải là vũ khí huỷ diệt, khủng bố, bạo lực...vv... mà là thực tế rằng tất cả những thứ kể trên đang dần dần mất tác dụng: chúng không còn làm bất kỳ ai mảy may rúng động - tất nhiên là trừ phi một quả bom nổ ngay bên cạnh họ.

Sự đồng cảm, sự kết nối, lòng trắc ẩn vốn là điều tự nhiên trong mỗi người, và cũng là mạch nguồn nuôi dưỡng trí tuệ và linh hồn, nay đã bị ngắt đứt. Nếu không nỗ lực nối lại mạch nguồn này, chúng ta sẽ tiếp tục trôi lơ lửng như những cỗ máy khô cằn, nạp và thải vật chất cho đến khi trái đất biến thành mênh mông sa mạc."

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày