Dương (Về nhà đi con) "phán" lại chuẩn quá: Uống một chén trà hết cả thanh xuân là có thật

Trà My, Theo Trí Thức Trẻ 00:15 19/07/2019

Tưởng tomboyloichoi chỉ chém gió vu vơ, thế mà nhìn vào thói quen thưởng trà của người Việt lại thấy đúng phết!

Người ta có câu "trà dư hậu tửu", tức trà vào lời ra. Vừa thưởng trà vừa nói chuyện phiếm đã trở thành một nét đẹp văn hóa. Nhưng trước cả khi mục đích "tám chuyện" ra đời, trà đã là món không thể uống nhanh được, bởi mấy lí do rất thực tế sau:

Bạn phải tráng ấm trà trước khi uống

Nếu Dương (Về nhà đi con) ví việc uống trà như cả thời thanh xuân hai chục năm son sắc, thì công đoạn tráng ấm chắc phải chiếm mười mấy năm mài ghế nhà trường. Đây là bước chuẩn bị, nhưng lại có ảnh hưởng tối quan trọng đến hương vị trà sau đó. Người biết thưởng trà lẫn pha trà ngon đều không thể bỏ bước này: Tráng càng kĩ, càng đúng, vị trà càng tinh diệu.

Bạn thường thấy, ông bà mình hay tráng ấm bằng nước sôi. Mục đích của việc này là làm ấm tách trà, giúp giữ nhiệt cho trà sau khi đổ vào. Ngoài ra, tráng ấm được tin là làm hương vị trà tinh khiết hơn. Tuy nhiên lý thuyết này thường chỉ đúng với ấm bằng đá, chứ ấm thủy tinh và sứ thì không hiệu quả lắm. Thành thử, với người sành trà, họ còn có cả bộ trà cụ riêng bao gồm đủ dụng cụ cho đủ bước: bao gồm ấm chuyên (để pha trà), chén tống (để chuyên trà), thìa (để xúc trà tránh dùng tay) và chén quân (để uống trà), v.v…

Dương (Về nhà đi con) phán lại chuẩn quá: Uống một chén trà hết cả thanh xuân là có thật - Ảnh 1.

Pha trà lách cách thế này, không lâu mới lạ đấy!

Hãm trà

Đây là bước khác biệt cơ bản giữa trà Âu và Á, hay trà Việt nói riêng.

Nếu bạn từng tới tiệc trà chiều Anh đúng điệu, đừng bất ngờ nếu không thể xin thêm nước. Trà Anh thường dùng gốc trà đen, ở hạng khô, có thể chịu thời gian ngâm trong nước lâu. Nhưng ngâm một lần rồi thôi, bao nhiêu hương vị đã tỏa ra hết cả, càng thêm nước sẽ càng nhạt nhẽo. Trái lại, trà châu Á, đặc biệt là gốc trà xanh với lá trà tươi rất phổ biến ở Việt Nam, thì càng hãm càng đậm đà, càng uống càng thấm vị.

Dương (Về nhà đi con) phán lại chuẩn quá: Uống một chén trà hết cả thanh xuân là có thật - Ảnh 2.

Uống trà hết cả thanh xuân là có thật.

Thế nên là là uống trà xanh rất tốn… thời gian. Khi bắt đầu cạn nước, bạn lại phải tráng ấm, đong trà, hãm vừa phải trong khoảng vài chục giây rồi thưởng thức. Lặp lại như thế 5-6 lần trong một buổi uống trà, tuổi thanh xuân cứ thế mà…qua đi!

Ủ trà

Với một số loại trà đặc biệt, cần phải trải qua thời gian ủ tính bằng tuần, tháng thậm chí năm. Ở Việt Nam, có trà hương sen và nhài là ví dụ điển hình. Những loại trà này cần được "ngậm hương" từ thực vật thiên nhiên, khiến quá trình ủ càng kéo dài hơn bình thường.

Trà sen phải trải qua hai lần ủ. Lần một trong chum đất với gạo ngon ở trên, kéo dài 20-30 ngày. Lần hai ủ với cả gạo lẫn cánh sen, cứ một lớp trà một lớp gạo sen, tầm 7-9 lần. Không chỉ tốn thời gian mà mỗi lần ủ như thế, 1000 – 1400 bông sen có thể "hy sinh". Bù lại, trà sen có thể cất trong nhà, pha hàng chục tuần trà mà vẫn thơm ngan ngát.

Dương (Về nhà đi con) phán lại chuẩn quá: Uống một chén trà hết cả thanh xuân là có thật - Ảnh 3.

Thế mới biết, "loi choi" như Dương cũng biết để ý ra phết! Hay là vì bố Sơn hay uống trà nên Dương đã để ý sự kì công, tốn thời gian của bộ môn nghệ thuật này chăng? Thông qua màn ảnh Việt, một lần nữa chúng ta lại nhận thức được nét đẹp của văn hóa, phong tục Việt Nam, khi nghệ thuật tinh tế chẳng tới từ đâu xa, mà từ chính những mảnh ghép nhỏ nhặt hàng ngày.