Đuối sức với học phí mới, Sở GD&ĐT TPHCM nói gì?

Nguyễn Dũng, Theo Tiền Phong 11:11 08/06/2022

Trước áp lực phải tăng học phí, UBND TPHCM vừa giao Sở GD&ĐT phối hợp các sở, ban ngành nghiên cứu xây dựng mức hỗ trợ phù hợp đối với các với bậc học (trừ bậc tiểu học) từ năm học 2022- 2023.

Trước đó, Sở GD&ĐT có tờ trình gửi UBND TPHCM khẳng định việc tăng học phí gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân. Tại văn bản khẩn vừa ban hành, UBND TPHCM yêu cầu Sở GD&ĐT trước ngày 15/6 phải xây dựng dự thảo Tờ trình để tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM xem xét chính sách hỗ trợ học phí theo đúng quy định.

Theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, qua làm việc với các sở, ban ngành, Ban Văn hóa - Xã hội hết sức đắn đo bởi việc tăng học phí là theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ, là việc phải làm. “Tuy nhiên, có nhiều cấp học tăng rất nhiều lần. Ban Văn hóa - Xã hội đã đề xuất nếu tăng thì phải hỗ trợ học phí cho học sinh. Mức hỗ trợ căn cứ vào ngân sách TPHCM với tinh thần hỗ trợ càng nhiều càng tốt. Đây là niềm mong mỏi của phụ huynh, học sinh trong thời gian qua”, ông Bình nói.

Đuối sức với học phí mới, Sở GD&ĐT TPHCM nói gì? - Ảnh 1.

Học sinh TPHCM có thể được hỗ trợ học phí năm học 2022-2023. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 7/6, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, cho hay, vấn đề hỗ trợ học phí thuộc phạm vi thẩm quyền của HĐND TPHCM. Sở GD&ĐT sẽ trình xin chủ trương của HĐND TPHCM, nếu được chấp thuận thì sẽ làm việc với các sở, ban ngành liên quan để xây dựng chính sách hỗ trợ. Mức hỗ trợ bao nhiêu, hỗ trợ như thế nào… sẽ tiếp tục trình HĐND TPHCM phê duyệt.

Đuối sức với học phí mới

Giữa tháng 5, Sở GD&ĐT TPHCM công bố dự thảo Nghị quyết điều chỉnh học phí từ mầm non đến THPT để lấy ý kiến hoàn thiện trước khi trình HĐND TPHCM. Theo đó, từ năm học tới, ngoài bậc tiểu học không thu học phí, các bậc học còn lại từ mầm non đến THPT tại TPHCM sẽ tăng từ 70.000 đồng đến 240.000 đồng/tháng (tùy cấp học và nhóm địa bàn). Trong đó, bậc THCS có mức tăng cao nhất, gấp đến 5 lần (từ 60.000 đồng lên 300.000 đồng/tháng).

Chị Hoàng Thị Trà Giang (ngụ quận Gò Vấp) hiện có 2 con trong độ tuổi đi học, một cháu năm nay vào lớp 6 và một cháu năm nay lớp 11. Với mức tăng học phí theo đề xuất, riêng tiền học phí của hai cháu nhà chị Giang sẽ tăng từ 7- 8 lần so với năm học trước. “Sau hai năm dịch bệnh, kinh tế gia đình có phần kiệt quệ nhưng vật giá vẫn tăng. Đối với việc học của các con, năm nay giá sách giáo khoa tăng, dụng cụ học tập cũng tăng, giờ đến học phí tăng thì quả thật rất khó khăn”, chị Giang nói.

Theo dự thảo của Sở GD&ĐT, bắt đầu từ năm học 2023-2024, căn cứ chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, UBND TPHCM sẽ trình HĐND TPHCM mức thu học phí cụ thể. Mức thu năm sau sẽ tăng không quá 7,5% so với năm trước, không vượt mức trần theo quy định. Dự thảo này nếu được thông qua thì sẽ được áp dụng ngay trong năm học 2022-2023.

Theo lý giải của Sở GD&ĐT TPHCM, có sự chênh lệch mức thu học phí là do trước đây, thành phố luôn duy trì mức học phí thấp, không tăng trong suốt 6 năm qua. Với bậc trung học cơ sở, bắt đầu từ năm 2019, TPHCM áp dụng việc giảm học phí ở bậc trung học cơ sở, nên bậc học này có sự chênh lệch lớn nhất khi áp dụng quy định về tăng học phí. Sở cho biết, mỗi năm, TPHCM dành 20% ngân sách chi thường xuyên cho GD&ĐT. Tuy nhiên, việc này chỉ đảm bảo cơ bản về chế độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Tỷ lệ đầu tư cho cơ sở vật chất, hoạt động chuyên môn rất khiêm tốn, phải giải quyết từ học phí mới có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển.