Nhắc tới những thiết bị điện, đồ gia dụng trong các gia đình hiện nay giúp hỗ trợ cuộc sống con người, chắc chắn không thể bỏ qua chiếc lò vi sóng. Lò vi sóng giúp hâm nóng thực phẩm, thức ăn, thậm chí là đồ uống bằng sóng vi ba trong thời gian nhanh chóng. Trung bình, người dùng chỉ mất khoảng 1-3 phút là đã có thể hâm nóng thức ăn, thực phẩm lấy từ tủ lạnh ra và thưởng thức ngay.
Quen dùng là vậy song có một vấn đề với lò vi sóng được đánh giá là không phải người dùng nào cũng hiểu đúng và nắm rõ. Đó là bước xử lý với cửa của thiết bị sau khi dùng xong. Cụ thể, lò vi sóng sau khi dùng xong nên đóng hay mở cửa?
Ảnh minh họa
Nhiều người cho rằng tốt nhất nên đóng lại để tiết kiệm điện năng, không khiến người khác va phải và cũng để không gian bên trong thiết bị không bị xâm nhập bởi vi khuẩn, bụi bẩn. Số khác lại nhận xét, nên mở cửa lò vi sóng sau khi quay thức ăn xong để hơi nóng, hỗn hợp mùi, hơi ẩm được bốc ra ngoài, bên trong thiết bị sẽ được thông thoáng hơn. Vậy đâu mới thật sự là câu trả lời đúng?
Ben Hilton, một chuyên gia đã có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc nhà cửa và các thiết bị nhà bếp ở Mỹ đưa ra lời khuyên rằng trên diễn đàn The Fixed House, thực tế việc mở cửa sau khi dùng lò vi sóng là không cần thiết.
Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất đó là: Việc mở cửa vô tình gây lãng phí điện năng nếu cứ để như vậy trong thời gian dài, đặc biệt là với những thiết bị có lắp đặt đèn bên trong. Khi mở cửa đồng nghĩa với việc đèn sẽ tự động được bật sáng liên tục. Bởi vậy lượng điện năng thiết bị tiêu tốn sẽ còn nhiều hơn.
Các nguyên nhân khác được chỉ ra đó là bản lề cửa lò vi sóng có thể bị hỏng nếu có người vô tình va vào, thậm chí gãy cửa, hoặc hỏng công tắc cửa khóa liên động.
Chính bởi vậy, sau khi sử dụng xong chiếc lò vi sóng nhà mình, người dùng không cần quá lo lắng về vấn đề mùi, hơi nước hay chất bẩn bên trong lò vi sóng. Hãy giữ cho thiết bị được đóng kín.
Nếu vẫn lo ngại về những vấn đề lưu thông không khí bên trong lò vi sóng, tốt hơn hết hãy dùng khăn vải mềm hoặc khăn giấy để làm sạch sơ bên trong thiết bị mỗi khi sử dụng xong, sau đó lại đóng cửa lại. Việc làm này vừa giúp thiết bị giữ được sự sạch sẽ lại đảm bảo hiệu quả hoạt động trong những lần sau.
Các chuyên gia cũng khuyên rằng, không chỉ sau khi sử dụng mà định kỳ hàng tuần, hàng tháng, người dùng nên có thói quen tổng vệ sinh cho chiếc lò vi sóng nhà mình. Công việc này nên được thực hiện từ trong ra ngoài, bao gồm lau bằng chất tẩy rửa bên trong lòng lò vi sóng, lau vỏ ngoài và đặc biệt không bỏ qua các lỗ thông hơi của thiết bị.
Tùy vào tần suất sử dụng mà người dùng nên có thời gian vệ sinh định kỳ phù hợp. Ví dụ như ngày nào cũng sử dụng thì nên vệ sinh 1 tuần/lần, cách ngày sử dụng nên vệ sinh 2 tuần/lần, nếu thi thoảng sử dụng thì vệ sinh 1 tháng/lần.
Dưới đây là gợi ý từ các chuyên gia về các bước tự vệ sinh lò vi sóng đơn giản, nhanh chóng mà người dùng có thể áp dụng tại nhà.
Các dụng cụ cần thiết bao gồm:
- Nước sạch
- Giấm ăn, baking soda, chanh tươi hoặc các dung dịch tẩy dầu mỡ chuyên dụng. Đây đều là những chất tẩy rửa nhẹ, an toàn, không gây mùi hóa chất khó chịu. Người dùng không nên sử dụng các chất tẩy rửa quá mạnh hay cồn để vệ sinh, đặc biệt là khu vực bên trong lò vi sóng
- Khăn vải sạch, khăn giấy.
Bước 1: Ngắt điện, rút điện lò vi sóng
Bước 2: Người dùng hòa tan giấm, baking soda, vắt thêm ít nước cốt chanh, hoặc chỉ sử dụng chuyên biệt 1 chất tẩy rửa như nước rửa bát, xà phòng, cùng với nước.
Bước 3: Đặt bát nước vừa chuẩn bị vào lò vi sóng, bật lò quay ở nhiệt độ cao trong khoảng 2-3 phút. Nếu để mức nhiệt trung bình, thời gian quay khoảng 5 phút. Thao tác này sẽ giúp các chất bẩn bên trong lò vi sóng mềm ra, giúp người dùng dễ dàng lau chùi hơn.
Bước 4: Cẩn thận lấy bát nước bên trong lò vi sóng ra, tránh để bị bỏng. Dùng khăn vải sạch khô đã chuẩn bị trước đó, hoặc khăn giấy, để lau qua bên trong lò vi sóng, lấy bớt các chất bẩn, vụn thức ăn ra ngoài.
Bước 5: Dùng một chiếc khăn khác thấm chất tẩy rửa, lau thêm 1 lần toàn bộ bên trong lò vi sóng. Đảm bảo lau sạch những vết bẩn cứng đầu còn bám lại bên trong các ngóc ngách hoặc thành lò vi sóng.
Bước 6: Lau toàn bộ mặt ngoài của lò vi sóng, bao gồm toàn bộ các mặt và các nút bấm điện tử.
Bước 7: Dùng khăn sạch, khô lau lại một lần nữa toàn bộ lò vi sóng từ trong ra ngoài để đảm bảo thiết bị được khô ráo hoàn toàn rồi mới cắm điện và sử dụng trở lại.
Ảnh minh họa
Lưu ý:
- Bên trong nhiều lò vi sóng thường có một đĩa quay. Đĩa quay này có thể tháo rời và người dùng có thể đem đi rửa riêng rồi phơi khô, sau đó lắp đặt lại vào bên trong thiết bị.