Dùng kỷ niệm về "một bữa ăn 5 cân thịt" ví dụ cho vòng lặp giàu nghèo, MC nổi tiếng và khách mời nhận phản ứng bất ngờ

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ mới 21:02 17/12/2023
Chia sẻ

Trong tập mới nhất của Podcast Have A Sip, MC Thùy Minh cùng khách mời Chi Nguyễn đã "mổ xẻ" vai trò của giáo dục trong vòng lặp giàu nghèo.

Vòng lặp giàu - nghèo là chủ đề chính của tập Podcast Have A Sip mới lên sóng vào tối ngày 15/12 vừa qua. Đây là một chủ đề rất hay, đào sâu nó để thấy được vai trò và cả tác động của nền tảng giáo dục lại càng hay hơn nữa. Vì rõ ràng, không phải tự nhiên mà người giàu ngày càng giàu, còn người nghèo cứ mãi nghèo.

Chủ đề hay đã có, người dẫn và cả khách mời đều là những cái tên đã tạo nên thương hiệu, tại sao tập Podcast mới nhất của Have A Sip lại khiến người xem bất bình?

Host Thùy Minh (bên trái) và khách mời Chi Nguyễn (bên phải) - Tiến sĩ Giáo dục, người sáng lập The Present Writer

Dùng ví dụ quá tiểu tiết cho một vấn đề có tính vĩ mô?

Trong 1 tiếng 40 phút trò chuyện về vai trò của giáo dục trong vòng lặp giàu - nghèo, MC Thùy Minh đã tự kể lại một trải nghiệm của chính mình khi cô tham gia một chương trình truyền hình thực tế. Đây chính là ví dụ mà MC Thùy Minh dùng để khắc họa một người không có tư duy tiết kiệm hay nói xa hơn, là tư duy làm giàu.

"Cách đây nhiều năm, Thùy Minh có tham gia một show và nhận được một thử thách là phải xin ngủ nhờ nhà dân. Nhưng mà trong nhà của họ không có một cái gì ấy. Thế là sáng hôm sau, mình quyết định đưa tiền cho họ đi chợ. Thùy Minh vẫn nhớ là mình đưa tiền cho họ mua 5 cân thịt và họ đã nấu hết 5 cân thịt trong một cái nồi to khủng khiếp, chứ họ không nghĩ được là hôm nay chỉ ăn 5 lạng thôi, còn lại để dành ngày mai, ngày kia ăn" - Thùy Minh kể lại.

Đáp lời Thùy Minh trong ví dụ này, khách mời Chi Nguyễn khẳng định: "Nhìn từ khía cạnh phân tầng xã hội thì có thể những người nghèo không tiếp cận được những kiến thức về quản lý tài chính, họ chỉ được dạy là mình có cái này, mình phải ăn hết. Đó là một kiểu giáo dục cố tình để những người nghèo luôn luôn nghèo, người giàu luôn luôn giàu. Nếu mình nhìn từ khía cạnh là cái khung của xã hội nó đã như vậy rồi, thì thực sự rất khó để thay đổi".

Người xem bất bình ra sao?

Đoạn hội thoại phía trên được cắt thành một video ngắn, đăng tải trên kênh truyền thông chính thức của Podcast Have A Sip. Phía dưới video này, phần lớn người xem tỏ ra không đồng tính với cách Host Thùy Minh lấy ví dụ.

Có người cho rằng việc họ - nhà người dân mà Thùy Minh từng xin ngủ nhờ, nấu hết 5 cân trong 1 bữa, không phải là tư duy của người nghèo, mà là biểu hiện của người tử tế và tinh tế, của người có lòng tự trọng. Vì suy cho cùng, 5 cân thịt đó được mua bằng tiền của Thùy Minh, nếu họ chỉ nấu một ít, chẳng phải sẽ dễ bị nói là tham lam hay sao?

"Tiền mình đưa cho họ thì họ chẳng mua theo ý mình và nấu hết cho mình ăn, chẳng lẽ cất đi, có phải tiền họ mua đâu mà họ giữ làm của riêng" - Bình luận của chủ tài khoản "Một cây bồ công anh".

"Sự tử tế của họ bị phán xét bởi tư duy giai cấp" - Bình luận của chủ tài khoản Bat.

"Lần này không cùng quan điểm với chị Thùy Minh được rồi. Thực ra nhìn góc độ khác thì họ đơn giản là tôn trọng tiền của người đưa, họ không muốn giữ lại cho mình thôi" - Bạn Ngọc Ánh chia sẻ.

Bên cạnh những người tỏ ra bất bình, cũng có một vài người xem rất "tỉnh", cho rằng đoạn video "5 cân thịt ăn trong 1 bữa" này chỉ là "điểm nhấn" để thu hút mọi người xem hết cả tập Podcast dài 1 tiếng 39 phút thôi mà thôi.

Dùng kỷ niệm về một bữa ăn 5 cân thịt ví dụ cho vòng lặp giàu nghèo, MC nổi tiếng và khách mời nhận phản ứng bất ngờ - Ảnh 3.
MC Thùy Minh là một nhà báo, người dẫn chương trình và là tác giả của các format truyền hình như Vân tay, Ghế Đỏ, Một Ngày Mới. Thùy Minh gây ấn tượng và ghi dấu ấn trong lòng công chúng với hình ảnh một MC thông minh, sắc sảo với phong cách dẫn chuyện tự nhiên.

Chi Nguyễn được biết đến với vai trò tác giả của blog The Present Writer. Cô đã hoàn thành học vị Tiến sĩ Giáo dục tại Mỹ. Hiện tại, Chi Nguyễn đang giảng dạy và nghiên cứu tại một trường đại học công lớn ở Mỹ với vị trí Phó Giáo sư dự khuyết (Assistant Professor).

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày