Xe sang và những “đặc quyền” tự trao
Trong một con ngõ nhỏ hẹp chẳng hiếm gặp giữa thủ đô “đất chật người đông”, nam shipper (người giao hàng) vô tình quẹt ngang một chiếc Lexus bạc tỷ. Vụ va chạm không lớn, nam shipper - dù chưa kịp nhìn nhận phần đúng thuộc về bản thân hay người kia cũng đã nhanh chóng xin lỗi khi thấy những người trên chiếc xe bạc tỷ kia bắt đầu nóng giận và buông lời không hay.
Những cú đấm, chiếc mũ bảo hiểm liên tục bị những người xa lạ đập vào khắp người anh đến vỡ tan. Nam shipper với cơ thể chẳng lành lặn không dám phản kháng, chỉ biết ôm đầu chịu trận trong sự bức xúc và cả ngăn cản của những người dân xung quanh.
Từ một sự cố bất ngờ khó tránh trong cuộc sống vội vã thường ngày, người ta bỗng hoài nghi một điều, phải chăng chúng ta đang sống trong một xã hội mà ở đó, việc sở hữu tài sản đắt giá - mà cụ thể ở đây là một chiếc xe sang có thể khiến con người ta sẵn sàng tự trao cho bản thân một thứ “đặc quyền” đứng trên người khác, một xã hội mà ở đó, giá trị con người dường như được cân đo đong đếm bằng vật chất, bằng nhà lầu hàng hiệu xe sang?
Đối với nhiều người, có lẽ, tài sản không chỉ là kết quả của sự thành công, sự nỗ lực để phục vụ một cuộc sống tốt đẹp hơn mà mỗi cá nhân đạt được mà đôi khi nó còn được coi là biểu tượng của quyền lực và địa vị xã hội.
Việc sở hữu hay thậm chí đơn thuần chỉ là ngồi trên chiếc xe sang đôi khi không những là một ranh giới về kinh tế mà còn tạo ra sự phân tầng về mặt tâm lý - nơi mà người có những tài sản đắt tiền hơn luôn nghiễm nhiên cho mình cái quyền đứng từ trên nhìn xuống.
Theo một nghiên cứu của Đại học Nevada (Mỹ) đã nhận định, những người lái xe sang thường nghĩ mình là tầng lớp cao và không mấy cảm thông với phương tiện, người lưu thông trên đường ở tầng lớp thấp hơn. Và cũng theo nghiên cứu, giá trị xe cứ tăng thêm 1.000 USD thì khả năng nhường đường cho người đi bộ của tài xế xe sang lại giảm 3%.
Một cái quệt xe trong con ngõ nhỏ, người ngồi trên xe sang sẽ khó chấp nhận sự cố đó và có phản ứng thái quá hơn. Không chỉ bởi giá trị chiếc xe mà còn bởi họ cảm thấy danh dự và giá trị của bản thân đang bị một người mà họ coi là “dưới trướng” xúc phạm. Đặc biệt khi đối phương làm một ngành nghề ít được coi trọng trong xã hội như shipper hoặc xe ôm.
Xe sang không phải là lý do
Vậy nhưng, đây không phải là một xã hội mà sự trịch thượng, thói côn đồ ấy được chấp nhận. “Sự trịch thượng của người giàu và tự ti của kẻ nghèo đều là sản phẩm của một trí óc non nớt.” - chúng ta đã sớm qua thời đại của sự non nớt ấy.
Khi người phụ nữ trên xe nhận ra sai lầm của những người đi cùng, cố gắng “dàn xếp” bằng việc đưa ra một tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng, nam shipper đã nhất định không nhận. Bởi anh hiểu, mình không có lý do để im lặng, để tự ti chấp nhận thói côn đồ một cách vô cớ.
Những người chứng kiến cũng đủ dũng cảm và tỉnh táo để can ngăn và thay anh lên tiếng. Những người vô tình đọc được những bài đăng về anh trên các kênh truyền thông cũng chẳng giấu được sự phẫn nộ. Cùng với đó là cả sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt của cơ quan chức năng.
Sự trịch thượng của những người ngồi xe sang cùng thói côn đồ là điều mà xã hội không thể chấp nhận. Từ trong ánh mắt, lời nói hay hành động của họ, chúng ta đều có thể nguyên nhân thực sự bắt nguồn từ sự nhầm lẫn nghiêm trọng về ý nghĩa thực sự của “giá trị con người”.
Giá trị thực sự của một con người không đo bằng những thứ họ có được mà phải bằng những gì họ sẵn sàng trao đi. Có người nghĩ rằng, việc ngồi trên một chiếc xe sang là minh chứng cho thành công, cho giá trị bản thân. Nhưng khi một người đàn ông bước xuống từ chiếc xe bạc tỷ, ném những cú đấm tới tấp vào một người lao động nghèo, anh ta đã tự hạ thấp giá trị của chính mình.
Mỗi chúng ta, dù là ai, dù ở vị thế nào, đều có thể trở thành những người giàu có nhất với một trái tim rộng mở và vòng tay dang rộng. Xã hội không thể chấp nhận thái độ trịch thượng và côn đồ vì những thứ như thế không những làm tổn thương người khác mà còn làm ô uế chính bản thân người hành xử, cản trở họ khám phá bản chất thật sự của hạnh phúc.
Và xã hội cũng đã thay đổi: Đồng tiền của những kẻ trịch thượng không còn có giá trị trước lòng phẫn nộ của dư luận và sự nghiêm minh của pháp luật.
Không ai đáng bị đánh đập chỉ vì họ đi một chiếc xe rẻ hơn. Không ai đáng bị xem thường chỉ vì họ lao động chân tay. Đừng để những chiếc xe sang biến chúng ta thành những kẻ nghèo nàn về đạo đức.