Doanh số bán các thiết bị tai nghe không dây (True Wireless) rõ ràng là đang bùng nổ. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Apple đã bán được hơn 100 triệu bộ AirPods. Cũng không khó hiểu bởi tai nghe không dây bây giờ quá tiện dụng. Nó giải phóng người dùng khỏi sợi dây ràng buộc bản thân với thiết bị.
Thế nhưng, sự thoải mái đôi khi cũng gây ra vấn đề. Tai nghe không dây khiến chúng ta quấn lấy chúng trong thời gian dài hơn, và khi tháo ra đa số mọi người đều thấy tai mình có vẻ bị ướt và dính sáp.
Điều này có ảnh hưởng gì tới thính giác cũng như sức khỏe của bạn hay không? Có lẽ chúng ta chưa có câu trả lời chính xác, bởi tai nghe không dây mới chỉ xuất hiện trong một vài năm trở lại đây - chưa đủ lâu để các nhà khoa học theo dõi tác động tiêu cực nếu có của chúng.
Nhưng may mắn, họ có thể dự đoán được một phần hệ quả, dựa trên các nghiên cứu trước đây với một đối tượng đặc biệt, những người khiếm thính phải đeo thiết bị hỗ trợ nghe trong thời gian dài.
Đó không phải mồ hôi, mà chính là lượng sáp ráy tai của bạn đang bị ùn ứ trên đường thoát ra ngoài. Việc sản xuất sáp ráy tai (còn được gọi là cerumen) là một quá trình bình thường ở con người và nhiều loài động vật có vú khác.
Chúng ta luôn luôn duy trì một lớp sáp mỏng phủ gần lỗ tai của mình. Sáp này là một chất tiết không thấm nước, khi ướt có màu nâu và dính, còn khi khô có màu nhạt hơn. Sáp ráy tai có chức năng bảo vệ tai. Nó làm ẩm da trong ống tai, giữ lại bụi bẩn, vi khuẩn và cả côn trùng không xâm nhập được vào bên trong.
Bởi tính không thấm nước, sáp ráy tai cũng tạo ra một bề mặt không hút ẩm, và đẩy những giọt nước không may bắn vào tai trôi ra phía ngoài. Với các tính năng tuyệt vời như vậy, vào những năm 1800, thậm chí người ta đã dùng ráy tai thay cho son dưỡng môi để phòng ngừa nứt nẻ.
Về nguồn gốc, sáp ráy tai được tạo ra từ tuyến dầu và tuyến mồ hôi bên dưới nang lông. Khi chưa dính bụi, vi khuẩn hay tế bào chết, nó thường ở dạng nước và chưa bị đặc quánh lại như ráy tai.
Thứ sáp đó chính là thứ mà bạn sẽ thấy khi đeo tai nghe lâu mà không bỏ ra. Bởi ống tai chúng ta hoạt động như một chiếc thang cuốn một chiều. Nó liên tục đẩy sáp ráy tai từ trong ra ngoài giúp tai không bị tắc hoặc ứ đọng tế bào da chết.
Sáp ráy tai luôn chuyển động một chiều từ trong ra ngoài, trừ khi chúng bị chặn hoặc bạn cố tình nhét thứ gì đó vào tai mình bao gồm cả tăm bông.
Quá trình chuyển động này được hỗ trợ một cách tự nhiên bởi khớp hàm của bạn. Mỗi khi bạn nhai thứ gì đó, hay chỉ cần nói chuyện thôi, khớp hàm cũng sẽ truyền một phần năng lượng của nó tới tai và giúp ống tai vận hành chiếc thang cuốn đẩy sáp ra ngoài.
Vậy nên, nếu bạn vừa đeo tai nghe vừa hát, có thể bạn sẽ thấy sáp tai nhiều hơn khi tháo tai nghe ra.
Con người rõ ràng không được sinh ra với hai bên tai bị bịt kín bởi bất cứ thứ gì. Do vậy, tai chỉ có thể thực hiện chức năng tốt nhất của nó nếu quá trình tự làm sạch không bị gián đoạn. Điều này có nghĩa là bất cứ thứ gì ngăn cản sự dịch chuyển của ráy tai ra bên ngoài đều có thể gây ra vấn đề.
Các nghiên cứu trên người khiếm thính đeo thiết bị trợ thính trong thời gian dài gợi ý việc đeo tai nghe cả ngày có thể gây ra hậu quả:
- Làm đặc ráy tai, khiến nó ít lỏng hơn và cơ thể khó tống ráy tai ra ngoài một cách tự nhiên hơn.
- Làm tích tụ ráy tai đến mức độ gây viêm cho cơ thể. Điều này xảy ra khi tế bào bạch cầu di chuyển đến khu vực này, làm tăng số lượng tế bào trong khu vực bị tắc nghẽn.
- Tác động đến luồng không khí và ngăn ráy tai ướt khô dần. Khi ráy tai vẫn dính trong thời gian dài, nó sẽ tạo ra sự tích tụ.
- Giữ mồ hôi và độ ẩm trong tai, khiến tai dễ bị nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm.
- Cản trở quá trình tống xuất tự nhiên của ráy tai, kích thích các tuyến bài tiết và tăng sản xuất ráy tai.
- Giảm vệ sinh tổng thể của tai, nếu miếng đệm tai nghe của bạn không được làm sạch đúng cách hoặc bị nhiễm vi khuẩn hay bất kỳ tác nhân lây nhiễm nào khác.
- Gây suy giảm thính giác nếu bạn để mức âm lượng quá cao.
Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên để ý và điều chỉnh thói quen sử dụng tai nghe không dây của mình. Nếu bắt đầu có các triệu chứng như đau tai, chóng mặt, nghe thấy âm thanh ù ù, ngứa, sưng hoặc chóng mặt, đó là lúc bạn nên gặp bác sĩ.
Lời khuyên dành cho những người có niềm đam mê âm nhạc là hãy sử dụng tai nghe over-ear nếu có thể, bởi ít nhất thì chúng cũng không bịt kín hoàn toàn ống tai của bạn như tai nghe in-ear.
Nếu bạn thấy tai nghe in-ear vẫn là lựa chọn để thỏa mãn đam mê và chất lượng âm thanh mà mình đòi hỏi, đừng đeo chúng trong thời gian quá dài. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chúng ta không nên đeo tai nghe quá 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Ngoài ra, hãy thiết lập mức âm lượng vừa phải không vượt quá 60% âm lượng thiết bị của bạn.
Nhiều người có thói quen sử dụng tăm bông ngoáy tai hay lấy ráy tai ở tiệm cắt tóc hoặc làm đẹp. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo chúng ta không nên làm vậy.
Y học phương tây có một câu nói: "Đừng bao giờ cho thứ gì đó nhỏ hơn khuỷu tay vào trong tai bạn". Điều đó có nghĩa là không tăm bông, không dầu ô liu, không sáp nến tai… tất cả đều có thể tạo ra rủi ro cho tai và thính giác của bạn.
Nếu thực sự cảm thấy tai mình có vấn đề và ráy tai của bạn bị tích tụ, hãy đến bác sĩ chuyên khoa. Ban đầu họ sẽ nhìn vào bên trong tai bạn bằng một thiết bị đặc biệt được gọi là "otoscope". Thứ này sẽ cho phép bác sĩ đánh giá cẩn thận mức độ tắc nghẽn và vạch ra chiến lược thuyên tắc an toàn nhất dành cho bạn.
Còn nếu mọi chuyện chưa quá nghiêm trọng, chúng ta hãy tin tưởng vào cơ chế làm sạch tự động mà tai được trang bị. Bạn chỉ cần vệ sinh tai mỗi ngày bằng cách dùng khăn ẩm lau phía ngoài vành tai là được.
Tham khảo Theconversation