Vào đêm giao thừa Tết Dương lịch năm 2024, Khương Hoành Vũ - một nữ sinh 19 tuổi ở Thành Đô (Trung Quốc) đã mất tích một cách bí ẩn. Trước đó, cô là sinh viên năm nhất tại Học viện Hy vọng, Đại học Giao thông Tây Nam.
Theo điều tra, tối ngày 31/12/2023, trong khi nhiều bạn bè đang náo nức đón năm mới, Khương Hoành Vũ một mình bắt xe công nghệ rời khỏi trường. Cô không trở về suốt đêm. Đến tối hôm sau nữ sinh vẫn bặt vô âm tín, điện thoại cũng không liên lạc được. Bạn cùng phòng tiết lộ nữ sinh từng chia sẻ ý định tự tử qua tin nhắn: "Không muốn sống nữa".
Giáo viên nhà trường cảm thấy bất an. Nhà trường một mặt thông báo cho gia đình, một mặt báo cảnh sát.
Camera giám sát ghi lại vào khoảng 19 giờ 25 phút tối ngày cuối cùng của năm, Khương Hoành Vũ xuống xe gần cầu Bạch Quả. Đây là một cây cầu bắc qua sông, cách trường nữ sinh hơn 30 km. Sau đó, Khương Hoành Vũ một mình lang thang dọc bờ sông, thỉnh thoảng trò chuyện với những người câu cá gần đó. Sau 2 giờ đi lại, cô bước vào một siêu thị nhỏ ở đầu cầu. Nữ sinh mượn sạc dự phòng để sạc điện thoại, rồi mua một hộp mì gói. Khương Hoành Vũ ở lại đây nửa tiếng, cho đến khi siêu thị sắp đóng cửa mới rời đi.
Chân dung nữ sinh Khương Hoành Vũ.
Khi cô bước ra khỏi siêu thị, có hai chàng trai đi xe điện ở ven đường. Sau một cuộc trò chuyện ngắn ngủi với họ, Khương Hoành Vũ đi về phía bờ sông. Sau đó, cô đi vào vùng mù của camera giám sát và không bao giờ được nhìn thấy nữa. Cũng không ai có thể liên lạc lại được với nữ sinh.
Bạn cùng phòng cho biết, tối hôm đó từng hỏi Khương Hoành Vũ có về không. Nữ sinh họ Khương nói không về, "sẽ ngủ ở nhà nghỉ". Nhưng không có hồ sơ lưu trú nào của Khương Hoành Vũ tại các nhà nghỉ gần đó. WeChat và thẻ ngân hàng của cô cũng không có lịch sử chi tiêu.
Một cô gái đang tuổi xuân thì, rốt cuộc đã đi đâu? Mọi người ngay lập tức đoán rằng cô đã có quyết định dại dột. Nhưng nhân viên cứu hộ tìm kiếm dưới cầu nhiều ngày mà không thấy tung tích. Sông Đà Giang rộng lớn, lại có nhiều đá ngầm và dòng chảy xiết, việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn.
Người ta thấy nữ sinh làm nhiều hành động lạ lùng rồi sau đó đi vào điểm mù của camera và biến mất.
Gia đình đã dán thông báo tìm người ở khu vực lân cận và đăng thông tin lên mạng. Cư dân mạng cảm thấy kỳ lạ, đưa ra nhiều phỏng đoán. Có người cho rằng cô bị bắt cóc, nhiều người khác lại nghĩ cô đã tự tử. Bởi vì vào ngày hôm đó, trường có một kỳ thi cuối kỳ. Khương Hoành Vũ có thể đã thi không tốt.
Tuy nhiên, mẹ của nữ sinh không tin con gái mình lại tự tử chỉ vì một kỳ thi. Bạn học của cô cũng nói: "Hôm đó cậu ấy ra ngoài vẫn rất vui vẻ, tính cách thường ngày cũng lạc quan, vui vẻ, không thể nào tự tử vì thành tích học tập được".
Sau 12 ngày, tin xấu đã đến. Người ta tìm thấy Khương Hoành Vũ dưới sông Đà Giang. Một thi thể lạnh lẽo.
Người ta tìm thấy Khương Hoành Vũ dưới sông Đà Giang.
Qua công tác điều tra, cơ quan chức năng địa phương công bố báo cáo chi tiết của vụ án, cơ bản phục dựng lại toàn bộ sự việc:
Chiều hôm xảy ra vụ việc, khoảng 4 giờ chiều, trường tổ chức kỳ thi cuối kỳ. Khương Hoành Vũ đã gian lận trong kỳ thi và bị giáo viên phát hiện. Giáo viên gọi nữ sinh đến văn phòng để phê bình. Cô về ký túc xá ở 2 tiếng, sau đó tự mình bắt taxi ra bờ sông. Trong khoảng thời gian đó, cô nhắn tin cho bạn cùng phòng qua WeChat, bày tỏ sự lo lắng về việc bị kỷ luật vì gian lận, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc cô thi lên chuyên ngành. Mặc dù bạn cùng phòng đã cố gắng an ủi, nhưng Khương Hoành Vũ vẫn nhảy xuống dòng sông lạnh giá vào đêm giao thừa ồn ào, náo nhiệt đó.
Cuộc đời của nữ sinh vĩnh viễn dừng lại ở tuổi 19.
Nhắc đến câu chuyện này, nhiều người thắc mắc tại sao nhiều người trẻ bây giờ lại mong manh dễ vỡ đến như vậy? Bị bắt gian lận trong kỳ thi liền nghĩ đến việc tự tử? Bị giáo viên phê bình vì vi phạm kỷ luật thì tự tử? Bị mẹ mắng một trận vì chơi game thì tự tử? Cãi nhau vài câu với bạn bè thì tự tử?
Thật không thể tin nổi.
Nhưng thực tế, không có gì đáng ngạc nhiên cả. Chúng ta hãy suy nghĩ vấn đề này từ gốc rễ. Một cái cây tại sao lại gãy? Thứ nhất, gió mưa quá lớn; thứ hai, thân cây quá yếu ớt. Vậy một đứa trẻ tại sao lại tìm đến phương pháp giải thoát cực đoan nhất? Thứ nhất, áp lực và đau khổ quá lớn. Thứ hai, khả năng chịu đựng quá kém.
Và những đứa trẻ hiện nay đang phải đối mặt với hoàn cảnh như vậy.
Một mặt, chúng bắt đầu phải chịu áp lực học tập và cạnh tranh từ khi còn rất nhỏ. Trở thành một mắt xích quan trọng trong xã hội cạnh tranh này. Kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô đè nặng lên vai chúng, mang lại áp lực tinh thần to lớn.
Mặt khác, chúng lớn lên trong sự quan tâm và lời khen ngợi từ nhỏ. Luôn được khen, hiếm khi bị mắng. Hầu hết các vấn đề gặp phải trong cuộc sống đều được cha mẹ giải quyết hộ. Khả năng chịu đựng thất bại của chúng rất kém, tâm lý vô cùng mong manh.
Nhiều người thắc mắc tại sao trẻ em bây giờ lại mong manh dễ vỡ đến như vậy?
Vì vậy, tình trạng thực tế của trẻ em hiện nay là áp lực ngày càng lớn, bản thân lại ngày càng yếu ớt. Khủng hoảng thực sự đã âm ỉ trong cuộc đời chúng từ lâu.
Và tất cả các bậc cha mẹ nên hiểu một thực tế tàn khốc rằng hầu hết trẻ em hiện nay, ngay cả khi không chọn ra đi, ngay cả khi trông có vẻ vui vẻ, khỏe mạnh, sức khỏe tâm lý của chúng cũng rất đáng lo ngại. Giống như những cái cây nhỏ yếu ớt trong cơn bão dữ dội. Mặc dù vẫn đang cố gắng chống đỡ, nhưng sự chống đỡ đó vừa nguy hiểm vừa vất vả.
Vậy câu hỏi mấu chốt là chúng ta, những người làm cha làm mẹ, nên làm gì? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta cần làm rõ những đứa trẻ có tâm lý dễ gặp vấn đề thường là những loại nào?
Thứ nhất, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình chú trọng thành tích quá mức. Thứ hai, những đứa trẻ được cả gia đình quan tâm và yêu chiều hết mực. Thứ ba, hoặc ngược lại, những đứa trẻ hoàn toàn không cảm nhận được tình yêu thương và những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Thứ tư, những đứa trẻ bị cha mẹ, nhà trường đặt kỳ vọng quá cao. Thứ năm, những đứa trẻ có ý chí cầu tiến rất mạnh nhưng năng lực lại không đủ. Thứ sáu, những đứa trẻ có tính cách nhạy cảm và lòng tự trọng cao.
Những đứa trẻ như vậy thường tự khao khát trở nên xuất sắc, hoặc bị cha mẹ ép buộc phải xuất sắc. Nhưng chúng lại thiếu ý chí và nghị lực kiên cường, rất ham chơi, ham mê những niềm vui nông cạn trước mắt. Muốn xuất sắc mà không đạt được, áp lực tâm lý sẽ rất lớn. Trong khi khả năng chịu áp lực lại rất kém. Thế là vấn đề tâm lý xuất hiện như trầm cảm, lo âu, chán học, nổi loạn, thậm chí là tự tử.
Vậy phải làm gì? Nói một cách đơn giản, cha mẹ nên thực hiện các bước sau:
Thứ nhất, kết hợp giáo dục khuyến khích và phê bình: Giáo dục khuyến khích đương nhiên rất tốt. Nhưng cái gì tốt đến mấy cũng nên có chừng mực. Đã có quá nhiều sự thật chứng minh rằng những đứa trẻ lớn lên chỉ bằng lời khen ngợi, nuông chiều, bao bọc thường gặp nhiều vấn đề. Ví dụ như kiêu ngạo, luôn cho rằng mình giỏi giang, coi thường người khác, cũng không nghe được một lời phê bình nào từ cha mẹ. Ví dụ như sợ thất bại, không thể đối mặt với những nhiệm vụ khó khăn, cũng không thể thích nghi với sự cạnh tranh khốc liệt của xã hội.
Vì vậy, cha mẹ hiện đại nên xem xét kỹ lưỡng triết lý giáo dục của mình. Một mặt, không thể như một số bậc cha mẹ thế hệ cũ, chỉ biết đàn áp, phủ nhận con cái, khiến con trở nên tự ti, nhút nhát. Mặt khác, cũng không thể chỉ biết khuyến khích, khen ngợi một cách mù quáng, dẫn đến việc con tự mãn, lười biếng. Chúng ta cần nắm bắt một mức độ phù hợp. Cần khuyến khích thì khuyến khích, cần phê bình thì phê bình, cần đặt ra quy tắc thì cũng phải đặt ra quy tắc. Để con cái hiểu rõ bản thân mình, sau này khi đối mặt với mọi việc mới có thể không kiêu ngạo cũng không tự ti. Sẽ không cảm thấy trời sập khi gặp một chút khó khăn.
Cha mẹ cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn.
Thứ hai, chủ động rèn luyện con cái, tăng cường khả năng chịu đựng thất bại của chúng: Khả năng chịu đựng thất bại của con kém, làm sao để rèn luyện? Cách duy nhất là để con không ngừng đối mặt với thất bại, sau đó vượt qua thất bại. Giống như một người học đi xe đạp như thế nào? Cách duy nhất là không ngừng tập đi xe đạp, ngã thì đứng dậy đi tiếp, lặp đi lặp lại nhiều lần, cuối cùng sẽ học được.
Việc cha mẹ chúng ta cần làm không phải là luôn giữ chặt xe giúp con. Mà là để con tự đi, tự cảm nhận, tự kiểm soát. Chúng ta chỉ chịu trách nhiệm bảo vệ và hướng dẫn ở bên cạnh. Nuôi dưỡng khả năng chịu đựng thất bại của con cũng vậy. Gặp những vấn đề mà con nên tự giải quyết, nhất định phải để con tự đối mặt, tự xử lý. Tuyệt đối đừng bao giờ ra tay giúp con mọi việc. Nếu bây giờ con tranh giành một món đồ chơi với bạn bè mà bạn cũng phải xông lên giúp đỡ, thì sau này đừng trách con không thể cạnh tranh với đồng nghiệp ở công ty, rồi bỏ việc về nhà nằm dài.
Một số thất bại, con cái phải tự mình đối mặt và xử lý. Khả năng chịu đựng thất bại của con cũng chính là trong quá trình rèn luyện đó mà dần dần mạnh mẽ hơn. Thất bại nhỏ để con tự đối mặt, thì con mới có thể chịu đựng được những thất bại lớn. Tất nhiên, nếu vấn đề quá lớn mà con không thể tự giải quyết, bạn nhất định phải kịp thời ra tay, cùng con vượt qua khó khăn.
Thứ ba, hệ thống đánh giá giá trị không nên quá đơn điệu: Xã hội này đã quen với việc dùng thành tích, sự thành công để đánh giá một đứa trẻ. Vì vậy, Khương Hoành Vũ, người được nhắc đến ở đầu bài, lo lắng không thể thi lên chuyên ngành, liền nhảy sông tự tử.
Thực ra, trong thế giới này có rất nhiều đứa trẻ, luôn có những đứa không giỏi học hành. Học kém thì không xứng đáng được sống sao? Chắc chắn là không đến mức đó. Xã hội này, học giỏi đương nhiên là tốt nhưng học giỏi không phải là tất cả. Nếu con cái thực sự không giỏi học hành, nếu đã cố gắng hết sức mà thành tích chưa tốt thì cha mẹ phải chấp nhận sự thật này. Và giúp con xây dựng hệ thống giá trị đa dạng, nói với con rằng chúng ta cố gắng hết sức, nhưng nếu thực sự học không tốt cũng đừng quá tự trách, cuộc đời sau này còn rất nhiều con đường để đi. Trước tiên hãy bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của con, sau đó hãy giúp con nghĩ đến tương lai.
Thứ tư, nghiêm túc quan tâm đến tình trạng tâm lý của con: Làm cha mẹ, luôn nghĩ rằng mình rất hiểu con cái. Nhưng thực tế có thể không phải vậy. Những đứa trẻ bông tuyết đều đã trải qua những cuộc đấu tranh nội tâm khó khăn. Nhưng tất cả đều bị gia đình bỏ qua.
Người lớn luôn dùng góc nhìn của người lớn để nhìn trẻ con, và thường nhìn một cách rất phiến diện. Thực tế, những gì trẻ con gặp phải, và cảm nhận của chúng về nỗi đau, có thể hoàn toàn khác với những gì chúng ta tưởng tượng. Chúng ta phải tìm hiểu kỹ xem con cái đang đối mặt với hoàn cảnh nào, cảm xúc thật sự trong lòng chúng là gì. Nếu phát hiện con đang trong giai đoạn khó khăn, hãy kịp thời kéo con ra, đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn đó. Đó là ý nghĩa tối quan trọng của cha mẹ đối với con cái.
Theo Aboluowang