Đừng để tin giả tàn phá hệ miễn dịch của chúng ta

Hoàng Anh Tú, Theo Trí Thức Trẻ 14:11 09/02/2020

Tin giả phá huỷ hệ miễn dịch lòng tin của cộng đồng, khiến công chúng bị khủng hoảng thông tin, hoang mang, sợ hãi.

Nếu như virus 2019-nCov tấn công và huỷ hoại hệ miễn dịch của vật chủ thì tin giả cũng đang làm điều tương tự đến hệ miễn dịch của cộng đồng.

Tin giả lan nhanh hơn cả số người nhiễm virus trên cả thế giới

Những ngày qua, dù các cơ quan an ninh mạng đã triệu tập và xử phạt hàng chục tài khoản mạng xã hội đưa tin giả với con số tiền phạt lên đến chục triệu đồng nhưng tin giả vẫn bằng cách này hay cách khác len lỏi khắp mọi nơi. Như ngay trong bài báo phỏng vấn bác sỹ Nguyễn Trung Cấp kể: "có những kẻ tung tin uống nước tiểu để giải dịch" hay "cố tình gây sự với bác sỹ điều trị Corona để quay clip câu views"… Từ những tin giả hoang đường như virus 2019-NCOV do những thế lực ngầm phát tán đến cả quỹ của Bill Gate cũng bị lôi vào như một nguồn phát triển virus. Đủ mọi thuyết âm mưu mà bất cứ một nhà biên kịch hay tiểu thuyết gia nào tưởng tượng được ra. Và nó vì thế được đám đông hiếu kỳ share khắp nơi trên mạng xã hội.

Đừng để tin giả tàn phá hệ miễn dịch của chúng ta - Ảnh 1.
Đừng để tin giả tàn phá hệ miễn dịch của chúng ta - Ảnh 2.
Đừng để tin giả tàn phá hệ miễn dịch của chúng ta - Ảnh 3.

Ai cũng nghĩ rằng những cái share của mình vô hại

Vì mình đâu cần câu views bán hàng online hay muốn nổi tiếng đâu? Nhưng có thật nó là vô hại???

Nếu như virus 2019-NCOV có thể lây nhiễm qua đường hắt hơi trong phạm vi 2-3 mét thì trên mạng xã hội, tin giả cũng lây nhiễm qua đường share và người chịu tác động là những người bạn của tài khoản mạng xã hội đó. Tin giả cũng phá huỷ hệ miễn dịch lòng tin của cộng đồng, khiến công chúng bị khủng hoảng thông tin, hoang mang, sợ hãi. Nó còn khiến cho không khí trở nên tang tóc đau thương. Nỗi sợ hãi bao trùm lên tất thảy. Nó khiến những người chỉ cần dính líu đến Vũ Hán cũng trở thành tội đồ. Ở Giang Tô, người ta nhốt cả gia đình từ Vũ Hán về Giang Tô ăn tết trong nhà. Ở ngay Việt Nam, những người đã từng từ Vũ Hán về Việt Nam dù về đã lâu thậm chí đang khoẻ mạnh, cũng bị kỳ thị. Trên báo, nhiều nạn nhân đã kể về việc mình bị gọi điện sỉ vả chỉ vì mình từ Vũ Hán về dù đã được kiểm tra, cách ly 14 ngày. Tin giả khiến người ta nghi ngờ lẫn nhau và hành xử với nhau như thời Trung Cổ.

Tin giả cũng khiến người ta mua những chiếc khẩu trang với giá vài triệu vì tin rằng đó mới là khẩu trang thật. Tin giả tạo ra những vụ lừa đảo bán khẩu trang số lượng lớn để rồi cuỗm tiền biến mất. Tin giả khiến người ta mất lòng tin vào những báo chí chính thống. Thậm chí, tệ hơn, có nhiều cô bé, cậu bé tuổi teen vẫn cho rằng virus này là của bọn trục lợi bán khẩu trang chứ nó không có thật. Tin giả khiến nhiều ông già, bà già móc sạch ví ra để mua về những thứ thực phẩm chức năng giả…

Và ai khiến những tin giả đó gây hại nếu như đó không phải là những cái share tưởng chừng vô hại của chính bạn???

8 bước cải thiện hệ miễn dịch của cộng đồng

Tôi vẫn nghĩ về việc các bác sỹ hướng dẫn mọi người về cách để tăng cường sức khoẻ, hệ miễn dịch chống lại virus. Như tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, chế độ dinh dưỡng giàu vitamin… hay thậm chí, quan hệ tình dục đều đặn và lành mạnh 1-2 lần/tuần để gia tăng immunoglobulin A (IgA). Hãy làm vậy đi cho cơ thể của bạn. Nhưng còn với hệ miễn dịch của cộng đồng thì sao? Nên tôi mạo muội thay bác sỹ kêu gọi mọi người, hãy cải thiện hệ miễn dịch của cộng đồng bằng việc thực hiện nghiêm túc 8 bước cải thiện hệ miễn dịch của cộng đồng.

Đừng để tin giả tàn phá hệ miễn dịch của chúng ta - Ảnh 4.

1. Lựa chọn nguồn thông tin an toàn- tin cậy. Hãy chỉ đọc những trang web chính thống thay vì mất thời gian cho những nguồn thông tin trôi nổi.

2. Không share những bài báo tiêu cực gây hoang mang cho chính bạn hay người thân đang kết nối với tài khoản mạng xã hội của bạn.

3. Hãy tích cực và đọc những tin tốt lành, share những điều tốt lành giúp hệ miễn dịch của cộng đồng bớt u ám.

4. Hãy report (báo cáo) những thông tin giả, sai sự thật, xấu và không rõ nguồn gốc. Báo cáo của bạn sẽ giúp tin giả ấy bị kiểm duyệt bởi hệ thống. Càng nhiều report sẽ càng giúp chặn đứng dòng chảy của tin giả này.

5. Bảo vệ cộng đồng của bạn đừng bằng việc cãi nhau hay phân tích chỉ ra tin tức giả, hãy chọn cách nhanh hơn: Dọn rác ra khỏi cộng đồng của mình chỉ bằng một click report.

6. Chia sẻ những bài báo hướng dẫn cách phòng dịch từ những trang web chính thống- uy tín.

7. Giữ gìn và bảo vệ sức khoẻ cho chính bạn và người thân khi rời khỏi nhà và khi trở về nhà bằng việc đơn giản: Rửa tay sạch sẽ.

8. Thậm chí, rửa tay trước khi… share bài. Được hiểu rằng đọc kỹ hiểu kỹ và chịu trách nhiệm với mỗi lượt share của mình.

Và cuối cùng, tôi vẫn luôn nhắc nhở chính những bạn bè của mình cả trước khi dịch virus 2019-nCov xảy ra: Tin giả, dù nó được làm ra cho bất cứ lý do nào thì nó cũng sẽ gây ra những hệ luỵ không chỉ cho kẻ phát tán, sáng tác ra tin giả. Nó còn gây hệ luỵ với mỗi cái share thiếu trách nhiệm của bạn. Và những người yêu quý bạn- hàng ngày vào mạng xã hội để đọc những gì bạn viết, bạn share sẽ trở thành nạn nhân của bạn.

Đừng làm vậy với họ!

Xem thêm những thông tin khác về sự kiện dịch bệnh virus Corona Vũ Hán tại ĐÂY.

Đừng để tin giả tàn phá hệ miễn dịch của chúng ta - Ảnh 6.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày