Trả lời phỏng vấn trên kênh RBB, ông Carsten Moritz, người đứng đầu đơn vị chống buôn người ở BKA, nói 1 khu công nghiệp ở quận Lichtenberg là trung tâm của điểm tập kết. Từ Berlin, những người Việt nhập cảnh trái phép bị đưa đến các doanh nghiệp trên khắp nước Đức và Tây Âu.
Trong quá trình kiểm tra của cảnh sát và các cơ quan tài chính, các nhà điều tra đã phát hiện nhiều người Việt làm việc trái phép ở các tiệm nail, nhà hàng, các lò giết mổ thịt hay xưởng dệt may.
Theo lời ông Moritz, họ phải làm việc trong "những điều kiện bóc lột" để trả số tiền đã vay để tới châu Âu. Số tiền này rơi vào khoảng từ 10.000 đến 20.000 euro. Họ bị đưa vào làm trong những lĩnh vực "có lợi nhuận cao trong khi phương tiện lao động khá rẻ và kín đáo".
Chiếc xe tải đông lạnh chở 39 người Việt Nam tại Anh vào năm 2019 (Ảnh: AP)
Vào năm 2020, các nhà chức trách phát hiện ra những người lao động bất hợp pháp còn bao gồm cả trẻ vị thành niên. BKA cho biết "có 1 mạng lưới khổng lồ" đứng sau hoạt động buôn người "hoạt động khắp châu Âu" và kiếm được "rất nhiều tiền". Tại Đức, những tên tội phạm buôn người đã có mặt ở khắp nơi.
Trong 1 số trường hợp, hoạt động buôn người được tiến hành trong điều kiện nguy hiểm tới mức đe dọa tính mạng. Vào năm 2019, 39 người Việt Nam đã thiệt mạng trong 1 chiếc xe tải đông lạnh ở Anh. Họ phải trả hàng chục ngàn euro cho những kẻ buôn người để được đưa vào Anh trái phép bằng xe tải.
Theo sáng kiến của BKA, họ sẽ đưa ra biện pháp chống lại tội ác buôn bán người và bóc lột lao động trên khắp châu Âu vào năm 2021 do số lượng trường hợp trong nước và quốc tế ngày càng tăng.
Để làm được điều này, các nhà điều tra Đức muốn hợp tác với cơ quan chức năng của Ba Lan, Anh, Hà Lan, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Cộng hòa Czech và Europol.