Du khách phát hiện mùi lạ ở phòng khách sạn, nguyên nhân từ túi nilon trong tủ lạnh: "Tôi đã rất choáng"

Thu Phương, Theo Đời sống & pháp luật 15:36 19/06/2024

Ban đầu, nữ du khách chủ quan và không hề nghĩ thứ phát ra mùi lạ khó chịu lại chính là chiếc tủ lạnh trong phòng khách sạn.

• Tủ lạnh ở phòng khách sạn chỉ phù hợp để làm mát nước uống, thực phẩm cơ bản

• Từng có người bị yêu cầu bồi thường khi làm mùi hải sản ám vào phòng khách sạn

• Nếu muốn mua hải sản tươi sống về, đừng chỉ dùng túi nilon

Hiện nay việc đi du lịch trở thành một trong những nhu cầu tất yếu phục vụ đời sống tinh thần của con người. Những chuyến du lịch không chỉ giúp các du khách được nghỉ ngơi, thư giãn, mà đôi khi còn đem lại nhiều kiến thức và cả những trải nghiệm "để đời".

Câu chuyện sau đây là một ví dụ. Được một nữ du khách tên Đ.T.Hà (đến từ Hà Nội) chia sẻ. Cụ thể, nữ du khách cho biết mình vừa có chuyến du lịch ở Hạ Long (Quảng Ninh). Chuyến đi tưởng như rất suôn sẻ sau khi trải qua ngày đầu tiên, tuy nhiên, sự cố đã diễn ra vào ngày thứ 2.

Theo nữ du khách kể lại, khi nhận phòng khách sạn, cả gia đình cô bao gồm nữ du khách, chồng và 2 con đã nhận thấy có mùi lạ trong phòng. "Mùi này kiểu tanh tanh giống mùi hải sản, mình nghĩ là khách trước đó đã ăn trong phòng sau đó làm dây rớt ra sàn, tạm thời chưa hết ngay được nên cũng kệ", nữ du khách nói.

Du khách phát hiện mùi lạ ở phòng khách sạn, nguyên nhân từ túi nilon trong tủ lạnh: Tôi đã rất choáng - Ảnh 1.

Ngay sau khi bước vào phòng, gia đình du khách đã phát hiện mùi lạ (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên cho đến ngày hôm sau, mùi hải sản mà cô nhắc tới vẫn phảng phất quanh phòng, thậm chí có phần nặng mùi hơn. Lúc này, vô tình 2 đứa trẻ mở tủ lạnh ra để đặt chai nước vào, mới tá hỏa phát hiện những bọc nilon bên trong.

Đây đều là hải sản tươi sống, tuy nhiên do không được cấp đông, cộng với thời tiết nắng nóng, đã bị hỏng, ôi thiu, dẫn đến chảy nước và bốc mùi khó chịu. "Thật sự lúc nhận phòng mình không để ý đến chiếc tủ lạnh. Khi đi chơi về nhà mình có mua vài chai, lon nước ngọt, muốn để vào tủ cho mát để uống sau thì mới mở ra và phát hiện sự tình. Lúc mở tủ ra mình đã rất choáng vì mùi hải sản hỏng sộc lên".

Nữ du khách cũng phỏng đoán, rất có thể những túi hải sản này là do nhóm du khách trước lưu trú tại phòng vô tình để quên. Đồng thời, bộ phận tạp vụ cũng không kiểm tra sát sao nên không phát hiện và xử lý, dọn dẹp kịp thời.

Du khách phát hiện mùi lạ ở phòng khách sạn, nguyên nhân từ túi nilon trong tủ lạnh: Tôi đã rất choáng - Ảnh 2.

Hải sản sau khi được du khách mua về rất có thể không được cấp đông kịp thời, cộng với thời tiết nắng nóng, đã bốc mùi khó chịu (Ảnh minh họa)

Sau sự cố kể trên, nữ du khách đã ngay lập tức yêu cầu đổi phòng và cần phía khách sạn giải thích, đền bù vì những trải nghiệm không tốt.

Mang hải sản vào phòng nghỉ: Điều cấm kỵ, du khách có thể bị phạt

Trên thực tế, tại các khu du lịch, đặc biệt là du lịch biển, việc các nhóm du khách đem hải sản vào phòng khách sạn, phòng lưu trú là điều không hiếm gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Thậm chí có trường hợp các du khách không chỉ mang mà còn chế biến hải sản ngay trong phòng nghỉ của mình, khiến khách sạn thiệt hại nặng nề. Kết quả là du khách đó cũng bị phạt hành chính số tiền lên tới hàng triệu đồng.

Ví dụ như câu chuyện xảy ra vào năm 2022 ở một khách sạn Nhật Bản sau đây. Cụ thể theo tờ Japan Today, một khách sạn đã yêu cầu khách hàng của mình bồi thường 40.000 Yên vì vị khách này đã đem cua vào phòng và sử dụng ấm siêu tốc để... luộc cua.

Du khách phát hiện mùi lạ ở phòng khách sạn, nguyên nhân từ túi nilon trong tủ lạnh: Tôi đã rất choáng - Ảnh 3.

Nữ du khách đã luộc cua bằng bình siêu tốc trong phòng khách sạn, khiến cả căn phòng ám mùi hải sản trong nhiều ngày liền (Ảnh minh họa)

Không chỉ 1 lần, đại diện khách sạn cho biết vị khách thậm chí đã thực hiện hành vi tới 2 lần, dẫn đến cả căn phòng bị ám mùi hải sản và không thể xử lý được. Khách sạn đành phải bỏ trống căn phòng, không thể cho khách khác thuê trong suốt một thời gian dài, ảnh hưởng tới doanh thu.

Tuy nhiên, vị khách lại không hợp tác với khách sạn. Cô/anh ấy cho rằng, không thể nói lỗi là do cô/anh ấy bởi sau khi cô/anh ấy rời đi, cũng đã có những khách hàng khác tới và thuê căn phòng đó.

Ngay cả sau khi khách sạn đã giảm mức đền bù xuống còn 15.000 Yên phí khử mùi và 3.000 Yên để mua bình nước mới, vị khách vẫn không đồng ý. Lần này, lý lẽ cô/anh ta đưa ra, đó là: “Lúc tôi luộc cua, hệ thống hút mùi vẫn hoạt động, vậy tại sao lại có mùi được. Và không có một hướng dẫn nào cụ thể về việc mục đích sử dụng của bình nước, tại sao tôi luộc cua lại không được?”.

Du khách phát hiện mùi lạ ở phòng khách sạn, nguyên nhân từ túi nilon trong tủ lạnh: Tôi đã rất choáng - Ảnh 4.

Việc làm sạch mùi hải sản trong toàn bộ khu vực phòng nghỉ là rất khó khăn (Ảnh minh họa)

Trên đây chỉ là một câu chuyện điển hình cho việc mang hải sản vào phòng nghỉ, dù cho du khách có chế biến nó hay không, cũng là rất không nên. Dù hầu hết các khách sạn không có quy định rõ cho điều này, song du khách nên tự ý thức để giữ gìn vệ sinh chung cho khu vực phòng nghỉ.

Chính bởi vậy, khi đi du lịch, tốt hơn hết nếu muốn thưởng thức hải sản, du khách nên thưởng thức tại nhà hàng hoặc các cơ sở chế biến chuyên nghiệp. Còn nếu muốn mua về làm quà cho gia đình và người thân, hãy nhờ các đơn vị sản xuất và phân phối đóng thùng xốp bảo quản cùng đá lạnh. Có như vậy, hải sản mới đảm bảo được tươi ngon, không bị thiu, hỏng, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng như mùa hè hiện tại.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày