Du học sinh cần tìm hiểu quy định về làm thêm, tuân thủ quy định và pháp luật để tránh rủi ro trong quá trình làm việc. Ảnh minh họa
Nhiều bạn trẻ cho biết, họ kiếm được khoản thu nhập vài chục triệu đồng từ những công việc làm thêm này.
Nguyễn Tuấn Duy (23 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) đi theo chương trình trao đổi sinh viên Việt Nam - Úc của Trường Đại học RMIT Việt Nam. Sau 2 năm học tại Hà Nội, bạn trẻ này nhận được cơ hội 1 năm trao đổi và trải nghiệm học tập tại thành phố Melbourne.
Tuấn Duy chia sẻ, các du học sinh tại đây hầu hết đều tìm kiếm các công việc bán thời gian để làm sau giờ học ở trường. Theo quy định của Úc, các du học sinh được phép làm thêm nhưng không quá 48 tiếng/2 tuần để đảm bảo việc học, ngoài ra không giới hạn số giờ trong các kỳ nghỉ lễ.
“Hiện em đang làm phục vụ tại một quán cà phê với mức lương 23 AUD/giờ (khoảng 390 nghìn đồng), lịch làm cố định vào 4 buổi tối trong tuần, cuối tuần được nghỉ học có thể đăng ký lịch linh hoạt. Trung bình 1 tuần, thu nhập từ việc làm bán thời gian của em có thể lên tới 7 triệu đồng sau khi trừ thuế. Đây là số tiền không nhỏ đối với các du học sinh”, Tuấn Duy chia sẻ.
Đặng Thị Ngọc Hoa (23 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, cô sang Úc học tập đã được 2 năm. Thời gian đầu, bạn trẻ này không khỏi áp lực khi phải đối mặt với mức chi phí sinh hoạt “khổng lồ” tại nước Úc, trong khi vẫn chưa tìm được việc làm thêm. Khoản tiền bố mẹ Hoa gửi sang chỉ đủ cho nữ sinh này nộp tiền học và tiền nhà. May mắn là giữa lúc đang nhiều lo lắng, Hoa được bạn bè giới thiệu vào làm việc tại một tiệm bánh.
“Công việc của em cũng không có gì nặng nhọc, hầu hết chỉ sắp xếp và bán bánh, kiểm kê cuối ca làm. Mức lương em được trả là 24 AUD/giờ. Từ đó, em có thể kiếm được khoảng 600 - 1.000 AUD/tuần (10 - 15 triệu đồng) và 3.000 - 4.000 AUD/tháng (khoảng 47 - 62,5 triệu đồng) nếu chăm chỉ.
Mức lương tối thiểu được quy định trả cho công việc làm thêm tại Úc là 23,23 AUD/giờ. Nếu tìm được nơi làm việc mà người chủ thực hiện đúng luật, có tâm thì họ đãi ngộ với chúng em rất tốt, nhân viên còn được đóng bảo hiểm. Khi làm thêm tại Úc, sinh viên sẽ nhận được phiếu lương trong vòng một ngày làm việc sau khi được trả lương. Thông thường, người lao động sẽ được trả lương hàng tuần, hai tuần/lần hoặc hàng tháng”, Hoa chia sẻ.
Với khoản thu nhập từ công việc làm thêm, nữ du học sinh này có thể tự chi trả tiền nhà, ăn uống, đi lại và giải trí mà không cần trợ giúp từ gia đình. Thậm chí, bạn trẻ còn để ra được một khoản tiết kiệm không nhỏ sau 2 năm học tập và làm việc tại Úc.
Ảnh minh họa ITN.
Không thể phủ nhận mức lương làm thêm tại Úc dành cho các bạn sinh viên vô cùng hấp dẫn. Tuy nhiên, quá trình học tập và làm việc của những người trẻ xa xứ này không chỉ toàn màu hồng.
Đặng Thị Ngọc Hoa kể lại, ban đầu khi mới ra nước ngoài, Hoa thường có thói quen quy đổi AUD sang tiền Việt, vì vậy cô bạn bị sốc và không dám chi tiêu gì cả. Thậm chí để tối ưu chi phí, Hoa chỉ dám mua đồ ăn giảm giá ở các siêu thị.
Bởi số tiền Hoa kiếm được hàng tháng từ các công việc lao động phổ thông ở Úc nếu so với thu nhập trung bình ở Việt Nam thì lớn, nhưng nếu trừ đi chi phí đắt đỏ tại đây thì số còn lại không phải quá nhiều, nếu không tính toán hợp lý mà “vung tay quá trán” thì vẫn rơi vào tình trạng hết tiền những ngày cuối tháng.
Sau một thời gian dài sinh hoạt không điều độ, ăn uống không đảm bảo, Hoa bị suy nhược, phải nghỉ học và làm 1 tuần liền. Từ lúc đó, Hoa mới trân trọng sức khoẻ và cân đối thu chi để chi tiêu hợp lý hơn.
Trên các hội nhóm của các du học sinh Úc, không ít tình huống “oái oăm” khi đi làm thêm được các bạn trẻ truyền tai nhau, chia sẻ kinh nghiệm. Úc có một hệ thống luật pháp và quy định chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền của tất cả người lao động - bao gồm cả sinh viên quốc tế làm việc bán thời gian trong quá trình du học Úc. Thế nhưng, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn tìm cách “lách luật” để trục lợi.
Nguyễn Tuấn Duy chia sẻ, N.G.T (một người bạn của Duy) từng xin làm thêm tại quán ăn, song chủ quán không làm hợp đồng và đề nghị trả lương bằng tiền mặt. Do mới “chân ướt chân ráo” sang nước ngoài, chưa tìm hiểu kỹ các quy định hiện hành về luật lao động nên bạn trẻ này đã đồng ý mà không lường trước được những nguy cơ mà mình gặp phải.
Trong quá trình làm việc, T cảm thấy không phù hợp nên đã xin nghỉ, tuy nhiên chủ quán đã không thanh toán khoản lương của tuần đó cho T. Không có hợp đồng lao động hay bất cứ ràng buộc nào về pháp lý, T phải chấp nhận mất khoản thù lao làm việc của cả tuần đó.
Bạn T.T.H cho hay, không ít du học sinh khi sang đây bị “choáng” bởi mức thu nhập cao tại Úc nên đã sa đà vào việc đi làm mà bỏ bê việc học tập. Có những bạn trẻ trốn học để đi làm thuê kiếm tiền ở các nhà hàng, xưởng, nông trại. Đây thường là những công việc làm “chui”, người lao động không phải đóng thuế và cũng không bị giới hạn về số giờ làm việc.
Tuy nhiên, bởi là việc làm “chui” nên các du học sinh chỉ được trả mức lương chỉ 8 - 10 AUD/giờ, vô cùng thấp so với mức lương tối thiếu 23,23 AUD/giờ. Thậm chí nhiều trường hợp người lao động bị quỵt lương, song đành “ngậm đắng nuốt cay” bởi không được pháp luật bảo vệ.
Mức lương không đúng theo mức lương tối thiểu mà luật pháp quy định đã đẩy nhiều người vào việc vi phạm các hạn chế về visa du học Úc. Nguy hiểm hơn nữa, các du học sinh sẽ phải đối diện với nguy cơ bị trục xuất bất cứ lúc nào nếu bị phát hiện, dẫn đến dang dở học hành.