Từ thời Chiến quốc, Tần Hiếu Công đã đặt ra quy tắc rằng, một Hoàng đế nhất định phải chỉ định một vị Hoàng hậu làm chủ hậu cung. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, quy tắc này lại càng được củng cố, cụ thể là người vợ đầu tiên của Hoàng đế sẽ được phong là Hoàng hậu còn mẹ đẻ của vua sẽ được tôn là Hoàng thái hậu.
Thế nhưng trong suốt 39 năm trị vì, Tần Thủy Hoàng chưa một lần phong Hậu cho bất kì vị thê thiếp nào. Ông là vị vua duy nhất trong lịch sử Trung Quốc không có Hoàng hậu dù trong hậu cung chưa bao giờ thiếu vắng những mỹ nhân tuyệt sắc. Vì sao như vậy? Người đời sau đã đưa ra rất nhiều lý do thế nhưng đến nay chưa ai chứng minh được giả thuyết nào mới là sự thực cả.
Ông là vị vua duy nhất trong lịch sử Trung Quốc không có Hoàng hậu dù trong hậu cung chưa bao giờ thiếu vắng những mỹ nhân tuyệt sắc.
Tần Thủy Hoàng bắt đầu nắm lấy vương quyền từ năm 22 tuổi và theo quy tắc thì tân đế sẽ có 3 năm để lựa chọn một cô gái thành hoàng hậu. Thế nhưng trong 9 năm tiếp theo, ông không hề phong hậu cho bất cứ mỹ nhân nào. 17 năm sau đó là khoảng thời gian Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa; tuy nhiên không vì thế mà ông bận bịu đến mức không có thời gian tuyển hậu. Nhưng một lần nữa, không có cô gái nào trở thành "người được chọn".
Không có một văn bản hay ghi chép lịch sử nào giải thích rõ ràng hay đề cập đến việc vì sao vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc này không có hoàng hậu cả. Vì thế, đã có rất nhiều nhà sử học thực hiện các công trình nghiên cứu và xác định bốn nguyên nhân như sau.
Nguyên nhân đầu tiên, cũng là nguyên nhân có khả năng cao nhất, đó là những chấn thương tinh thần Tần Thủy Hoàng đã phải chịu từ lúc nhỏ, khi ông tận mắt chứng kiến những hành vi tư thông phóng túng của thân mẫu mình.
Thân mẫu của Tần Thủy Hoàng, Triệu Cơ, vốn là thiếp thất của Lã Bất Vi - thương nhân nổi tiếng thời Chiến quốc. Về sau, vì mục đích chính trị, Lã Bất Vi đã dâng Triệu Cơ cho Dị Nhân (tức Tần Trang Tương Vương). Khi ấy, Triệu Cơ đang mang thai. Sau khi Tần Trang Tương Vương qua đời, bà ta vẫn tiếp tục tư thông qua lại với Lã Bất Vi.
Triệu Cơ - thân mẫu của Tần Thủy Hoàng, người được coi là ảnh hưởng lớn tới thái độ hờ hững của ông với ngôi vị Hoàng hậu.
Không dừng lại ở đó, bà ta còn tiếp tục gian díu với Lao Ái và thậm chí đã có với người này hai đứa con trai. Tính phóng túng này của Thái hậu đã khiến Tần Thủy Hoàng vô cùng bẽ mặt; và trong cơn thịnh nộ ông đã ra lệnh giết chết Lao Ái cùng hai đứa em trai cùng mẹ khác cha rồi áp giải Triệu Cơ ra khỏi hoàng cung.
Song song với đó, ông cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ hành động của Triệu Cơ, dần dần hình thành thái độ coi thường nữ nhân và chỉ dùng nữ nhân để giải quyết nhu cầu sinh lý.
Sự kiện này cũng là khởi nguồn của nguyên nhân thứ hai, đó là sự thật vị vua này không hề tin tưởng vào nữ giới. Theo ông, việc chỉ định một Hoàng hậu sẽ khiến cho tất cả các phi tần tranh giành, đấu đá nhau để trở thành mẫu nghi thiên hạ. Vì thế, rất có thể Tần Thủy Hoàng sẽ phải bận tâm, lao lực giải quyết những cuộc chiến ngầm nơi hậu cung thay vì tập trung vào quốc sự.
Vị Hoàng đế này cho là thành tựu mình đạt được vô cùng vĩ đại; vì thế nên không một ai trong dàn hậu cung đủ tư cách để sánh bước với ông cả.
Nguyên nhân thứ ba, theo các nhà sử học, bắt nguồn từ niềm kiêu hãnh quá cao của vị Hoàng đế này. Ông cho là thành tựu mình đạt được vô cùng vĩ đại; vì thế nên không một ai trong dàn hậu cung đủ tư cách để sánh bước với ông cả. Không một ai có đủ tài trí, nhan sắc và vị thế để làm hoàng hậu, đứng ngang hàng với Tần Thủy Hoàng.
Cuối cùng, Tần Thủy Hoàng nổi danh là vị Hoàng đế ham mê sự bất tử. Giấc mơ về sự bất tử đã hoàn toàn choán hết tâm trí khiến ông bỏ bê những việc khác, bao gồm cả việc lập hậu.
Ngoài ra, người ta còn đồn rằng, vị Hoàng đế này vốn khinh rẻ và coi thường nữ nhân; nhất là những kẻ luôn tìm mọi cách để gây được sự chú ý từ đàn ông hay làm tất cả bất chấp mọi thứ để có được sự sủng ái của trượng phu. Vì thế nên ông chẳng bao giờ sắc phong một phi tần nào thành Hoàng hậu của mình cả.
Nguồn: Travel China Guide