Dù bạn thành công, xinh đẹp hay thất bại, đại dịch Covid-19 cũng cho bạn nhận ra điểm tới hạn của chính mình

Linh Phan, Theo Tổ Quốc 15:38 11/04/2020
Chia sẻ

Cuộc sống về bản chất cũng giống như trò tàu lượn mạo hiểm. Thỉnh thoảng giữa những pha lên xuống, con người sẽ được thử thách bởi những khoảnh khắc có nhịp độ cao, gay cấn. Đó chính là lúc chúng ta thử thách mình xem có thể chịu đựng được những tác động khi cả cơ thể lộn ngược và bạt đi trong không gian hay không.

Cách đây 2 ngày, tôi nhắn tin hỏi thăm một người bạn Mỹ, cô ấy nói "I reached my breaking point this weekend". Khi tôi đọc được bài báo phản ánh tình trạng các vụ ly hôn gia tăng đột biến, người mất việc phá sản vì bệnh dịch, lướt qua những lời than vãn của nhiều người trẻ thèm được ra đường trên mạng xã hội, nghe kể về những cơn phẫn nộ của các bà mẹ khi ở nhà với con quá lâu… tôi biết rằng, có lẽ không chỉ riêng người bạn của tôi mà rất rất nhiều người khác đang được thử thách “breaking point” của họ trong đại dịch lần này.

Breaking point - Điểm tới hạn là gì?

Mỗi con người đều có một giới hạn chịu đựng nhất định, được gọi là “breaking point” - điểm tới hạn. Trong tâm lý học, điểm tới hạn là thời điểm căng thẳng, khi một người bị suy sụp hoặc rơi vào một tình huống nghiêm trọng. (1) Trong phim hành động, đó có thể là khoảnh khắc nhân vật chính bị kề dao vào cổ. Trong cuộc sống, đó có thể là khoảnh khắc một người phải lựa chọn giữa sinh – tử, được – mất. Trong công việc, đó có thể là khoảnh khắc trước khi bạn quyết định viết đơn xin nghỉ việc. Trong một mối quan hệ, nó có thể nhìn thấy hữu hình trên tờ giấy ly hôn.

Cuộc sống về bản chất cũng giống như trò tàu lượn mạo hiểm. Thỉnh thoảng giữa những pha lên xuống, con người sẽ được thử thách bởi những khoảnh khắc có nhịp độ cao, gay cấn. Đó chính là lúc chúng ta thử thách mình xem có thể chịu đựng được những tác động khi cả cơ thể lộn ngược và bạt đi trong không gian hay không.

Dù bạn thành công, xinh đẹp hay thất bại, đại dịch Covid-19 cũng cho bạn nhận ra điểm tới hạn của chính mình - Ảnh 1.

Thường thì, trong thực tế cuộc sống, ai cũng phải “chơi tàu lượn” ít nhất vài lần dù có muốn hay không và lúc đó, điểm tới hạn có thể xác định chúng ta là ai và quan trọng nhất là chúng ta trở thành ai.

Trong đại dịch SARS năm 2003, hơn 15,000 người ở Toronto đã tự nguyện đi cách ly trong khoảng 10 ngày. Những người này được yêu cầu không rời khỏi nhà, không tiếp khách, đeo khẩu trang, không chia sẻ đồ dùng cá nhân, rửa tay thường xuyên và một số biện pháp khác. Một nghiên cứu sau đó đã cho thấy các cá nhân bị cách ly phải trải qua một hoạt các hậu quả về mặt tâm lý tức thì và một thời gian ngắn sau đó.

Tất cả những người được khảo sát cảm thấy bị cô lập trong khi cách ly do thiếu liên lạc xã hội và tiếp xúc về mặt thể chất. Một số cảm thấy mình bị tụt lại sau xã hội. Một số cảm thấy mình bị cắt đứt với thế giới vì không thể làm các hoạt động bình thường. Một số vì đeo khẩu trang quá nhiều mà tăng cảm giác lo lắng và cô lập. 29% có biểu hiện triệu chứng PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương) và 31,2% có triệu chứng trầm cảm.

Trong đợt đại dịch Covid-19 này, tất nhiên bối cảnh xã hội và tình hình dịch bệnh có nhiều khác biệt, nhưng tôi nghĩ rằng việc cách ly và ở nhà quá lâu cũng có thể khiến chúng ta gặp nhiều căng thẳng dẫn tới điểm tới hạn.

Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta đạt tới điểm tới hạn?

Đôi khi chúng ta biết rằng mình phải chấp nhận, phải chậm lại… nhưng chúng ta vẫn chọn không. Hầu hết trong suốt quá trình cho tới khi chạm tới giới hạn, chúng ta không lường trước những gì sẽ xảy ra với mình cho tới khi bị đổ gục. Bạn tôi nói cô ấy cảm lạnh, nằm dài trên sàn nhà nhiều giờ mà không muốn làm gì cả. Một số khác, tôi biết họ mất kiểm soát và cuối cùng là cãi nhau với vợ/chồng, đánh mắng con cái, buông xuôi, uống rượu, ăn uống vô tội vạ.

Dù bạn thành công, xinh đẹp hay thất bại, đại dịch Covid-19 cũng cho bạn nhận ra điểm tới hạn của chính mình - Ảnh 2.

Có 3 giai đoạn chúng ta sẽ phải trải qua trước khi điểm tới hạn bị phá vỡ: tự nhận thức, tăng cường và không thể chịu đựng. Khi can thiệp ở giai đoạn 3, thì đó đã là thời gian để khắc phục, chữa trị chứ không còn là đối phó, phòng chống nữa.

Những nhà phân tâm học như Ronald Fairbairn và Neville Symington cho rằng, mọi người đều có một điểm tới hạn tiềm năng trong cuộc sống, và để vượt qua được nó, họ có thể phải trải qua sự tổn thương đặc biệt dữ dội ban đầu.

Dù bạn thành công, xinh đẹp hay thất bại, đại dịch Covid-19 cũng cho bạn nhận ra điểm tới hạn của chính mình - Ảnh 3.

Con người không phải thánh thần, cũng không phải là gỗ đá. Hầu hết mọi người chỉ chịu đựng được một mức độ căng thẳng nhất định trước khi họ trở nên mất bình tĩnh và không kiểm soát được tình hình. Điểm tới hạn là khi chúng ta căng thẳng, tan vỡ và cảm giác như mình không thể trở lại như trước được nữa. Và tất cả chúng ta sẽ đều đến với điểm tới hạn bằng các cách khác nhau. Một số sôi sục và nổ tung. Một số cố gắng chịu đựng cho tới lúc không muốn phản ứng gì thêm nữa. Một số lại phản ứng thái quá, trong khi với những người khác lại cảm thấy bình thường. Những căng thẳng tích tụ theo thời gian cho tới khi không thể đối phó thêm nữa.

Mỗi người đạt tới điểm tới hạn bằng các cách khác nhau. Cách chúng ta vượt qua căng thẳng tại điểm giới hạn không phải bằng sức mạnh, mà là bằng lí trí.

Dù bạn thành công, xinh đẹp hay thất bại, đại dịch Covid-19 cũng cho bạn nhận ra điểm tới hạn của chính mình - Ảnh 4.

Vậy làm thế nào để chúng ta đối phó và vượt qua những điểm tới hạn?

Trong hầu hết các môn thể thao, người ghi điểm cuối cùng không chắc đã tác động nhiều tới kết quả cuối cùng. Riêng trong quần vợt thì khác, người ghi điểm cuối cùng luôn là người chiến thắng. Điểm tới hạn bị phá vỡ nếu như người chơi cùng đạt điểm bằng với chúng ta, tức là muốn thắng họ, chúng ta phải tự phá vỡ điểm tới hạn của chính mình.

Trong cuộc sống, cũng giống như trong quần vợt, điểm tới hạn của mỗi người là khác nhau. Những tay vợt đỉnh cao dành điểm từ đối thủ, ngay khi vừa kịp sống sót và vượt qua điểm tới hạn của bản thân mình.

Khi đối mặt với điểm tới hạn, đó là khoảnh khắc căng thẳng nhất mà hầu hết chúng ta muốn chạy trốn hay chối bỏ, cảm thấy áp lực, hoặc là bất lực. Giống như “giọt nước tràn ly”, chúng ta mất kiểm soát, sợ hãi, tự đẩy mình vào bế tắc.

Dù bạn thành công, xinh đẹp hay thất bại, đại dịch Covid-19 cũng cho bạn nhận ra điểm tới hạn của chính mình - Ảnh 5.

Hãy nhớ về 3 giai đoạn dẫn tới tình huống điểm tới hạn bị phá vỡ

Giai đoạn 1: nhận thức nguyên nhân khiến mình bị áp lực, nhưng vẫn kiểm soát được

Giai đoạn 2: căng thẳng bắt đầu tác động tới các quyết định, bắt đầu cảm thấy mất kiểm soát và phải cố gắng ý thức để không phản ứng lại bằng sự tức giận, lo lắng hoặc thiếu kiên nhẫn.

Giai đoạn 3: không thể chịu đựng thêm và bùng nổ - giải phóng căng thẳng nhưng lại vỡ òa trong sự xấu hổ hoặc hối hận.

Căng thẳng trong thời gian dài khiến chúng ta cáu bẳn, mỗi lần một chút nhưng tích tiểu thành đại. Bộ não cũng kích hoạt để đáp ứng với điều đó đồng thời giải phóng hormone gây căng thẳng khiến chúng ta mất cân bằng.

Có một số yếu tố cũng ảnh hưởng tới cách chúng ta đối phó khi chạm tới giới hạn đó là sức khỏe tinh thần, cách bạn thường đối phó với những căng thẳng trong quá khứ, tính cách của bạn (người hướng ngoại có thể gặp khó khăn với sự cô đơn, cách ly và phải ở nhà quá nhiều trong khi người hướng nội không tìm thấy không gian riêng khi tất cả các thành viên phải ở nhà trong một thời gian dài…)

Bởi vậy, muốn vượt qua những điểm tới hạn đòi hỏi chúng ta phải học cách cân bằng – phòng bệnh hơn chữa bệnh:

Học cách thích nghi, hồi đáp thay vì phản ứng. Tự nhận thức là rất quan trọng để chúng ta có thời gian chờ và sau đó mới phản hồi, kết nối với cảm xúc. Học cách thừa nhận và quan sát suy nghĩ của bạn hơn là bỏ qua chúng.

Học cách phục hồi: là khả năng mà bạn sẽ học và rèn luyện phát triển qua thời gian, một cách kiên nhẫn và sẵn sàng nỗ lực. Federer đã vượt qua được hàng trăm điểm tới hạn trong sự nghiệp của mình – và đó là lý do vì sao anh ấy giữ bình tĩnh như vậy khi đối mặt với đối thủ trong tình huống căng thẳng. Khi bạn đã quen với nhưng điểm tới hạn, bạn sẽ dễ dàng xử lý mà không bị chi phối bởi cảm xúc.

Biến tâm trí thành đồng minh. Những thói quen, sự bận rộn và phiền toái làm tâm trí suy nhược. Hãy học thiền, thực hành chánh niệm. Buông bỏ giúp chúng ta đỡ áp lực và cảm thấy tự do hơn.

Tận dụng sự hỗ trợ từ các mối quan hệ. Sau mỗi lần ghi điểm, khán đài có thể bùng nổ. Chúng ta không thể chiến thắng nếu một mình. Sự hỗ trợ của những người xung quanh có thể giúp bạn nhiều hơn bạn tưởng.

Đại dịch Covid-19 thời gian này cũng là một phép thử. Dù bạn có thành công, giàu có, xinh đẹp, may mắn tới đâu… bạn cũng phải đối mặt với nó và nó có thể thách thức điểm tới hạn của bạn. Đó là cơ hội để bạn nhận ra tiềm năng, khả năng thích nghi thực sự của mình khi bị thất nghiệp, bị cách ly, bị phá sản hay trải qua những thách thức khác... Tìm kiếm được công việc mới để trang trải thu nhập dù đó là việc chưa bao giờ từng nghĩ mình sẽ làm. Tìm kiếm niềm vui khi ở nhà và cố gắng tận hưởng thời gian gần gũi bên gia đình. Tìm được một khoảng lặng để nhìn lại những gì đã qua, những thành bại được mất và những kinh nghiệm để tiếp tục bước tới sau này.

Dù bạn thành công, xinh đẹp hay thất bại, đại dịch Covid-19 cũng cho bạn nhận ra điểm tới hạn của chính mình - Ảnh 6.

Mất việc làm là một điểm tới hạn. Phá sản, đóng cửa kinh doanh là một điểm tới hạn. Ở nhà quá lâu không được ra ngoài là một điểm tới hạn. Cãi cọ với vợ chồng con cái cũng là một điểm tới hạn. Bạn phá vỡ điểm tới hạn hoặc để cho điểm tới hạn phá hủy bạn. Tùy vào lựa chọn và cách phòng ngừa của bạn mà thôi.

Và câu hỏi cuối cùng tôi vẫn thường tự hỏi đó là: Covid-19 có phải chỉ mang tới những điểm tới hạn cho con người, hay là một điểm tới hạn của cả hành tinh này? Con người và thế giới liệu có thể tốt đẹp hơn sau khi trải qua điểm tới hạn này?

Dù bạn thành công, xinh đẹp hay thất bại, đại dịch Covid-19 cũng cho bạn nhận ra điểm tới hạn của chính mình - Ảnh 7.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày