"Đột nhập" phòng thay đồ Barcelona, nơi mà ghế HLV có 4 chân thì Messi và đồng đội nắm 3 chân

PHỤNG HIẾU, Theo Trí Thức Trẻ 20:03 19/02/2020

Sau 15 năm cùng Barca chinh chiến, Messi hiện sở hữu trong tay thứ quyền lực mà ngay cả BLĐ đội bóng cũng phải nể sợ.

"Ngay cả trong mơ tôi cũng không ngờ đến chuyện được Barcelona bổ nhiệm", Quique Setien nói sau khi đội bóng chủ sân Camp Nou đưa ông về thay thế Ernesto Valverde. "Tôi chưa từng nghĩ mình là lựa chọn của họ".

Đúng, không chỉ ông Setien bất ngờ mà cả thế giới bóng đá cũng vậy. Dù là môn đồ của thứ triết lý bóng đá tấn công hoa mỹ, đẹp mắt giống huyền thoại Johan Cruyff nhưng vị chiến lược gia 61 tuổi này chưa có bất kỳ thành công đáng kể nào. Lúc BLĐ Barca gọi điện cho Setien, ông còn đang thất nghiệp.

Tuy nhiên có một sự thật mà khi nhìn vào lịch sử phát triển trong vòng 10 năm đổ lại đây người ta mới nhận ra: Đây chẳng phải lần đầu Barca lựa chọn những người kém tên tuổi cho vị trí HLV.

Đột nhập phòng thay đồ Barcelona, nơi mà ghế HLV có 4 chân thì Messi và đồng đội nắm 3 chân - Ảnh 1.

Frank Rijkaard đến Camp Nou năm 2003 và rời đi năm 2008. Trong khoảng thời gian đó, Rijkaard đem về cho Barca 2 chức vô địch La Liga, 1 siêu cúp Tây Ban Nha, 1 Champions League, những danh hiệu mà rất ít người tin ông có thể đạt được khi nhìn vào kinh nghiệm, thành tích của vị chiến lược gia này.

Sau Rijkaard, Pep Guardiola được đôn lên từ HLV đội Barcelona B thành thuyền trưởng, mở ra quãng thời gian thành công nhất lịch sử CLB (14 danh hiệu lớn nhỏ từ 2008 đến 2011). Tiếp nối vị chiến lược gia người Tây Ban Nha lần lượt là HLV quá cố Tito Vilanova, Luis Enrique, Ernesto Valverde, rồi đến ông Quique Setien.

Điểm chung của những vị chiến lược gia này là đều không thuộc hạng A, không thuộc nhóm HLV được cả châu Âu săn đón. Họ đến Barca với hành trang giản dị nhưng rời Camp Nou với vô số danh hiệu vô địch.

Đến đây, chúng ta có thể đoán ra yếu tố đầu tiên BLĐ Barca cân nhắc khi tìm kiếm các vị thuyền trưởng phù hợp. Họ tuyệt đối không mời gọi những người tài giỏi, danh tiếng sẵn như Jose Mourinho, Jurgen Klopp và để đội bóng xoay chuyển, biến đổi theo triết lý bóng đá của HLV. Những người được chọn, như ông Setien hiện tại, về Camp Nou với vai trò người làm thuê đích thực, đưa đội bóng đi theo con đường định sẵn chứ không có quyền tự vạch ra lối riêng.

Đột nhập phòng thay đồ Barcelona, nơi mà ghế HLV có 4 chân thì Messi và đồng đội nắm 3 chân - Ảnh 2.

Cũng may hơn 10 năm trước, Barca sản sinh ra một thiên tài bóng đá mang tên Lionel Messi. Người đã trở thành tượng đài sống của CLB, là chỗ dựa vững chắc để các vị HLV tựa vào. Vậy, nói một cách chính xác hơn là các HLV được đưa về Barca để duy trì lối chơi xung quanh Messi, để phục vụ tiền đạo người Argentina.

Nói Messi không có sức hút, không có tố chất lãnh đạo là sai. Trong phòng thay đồ, ngoài Messi, chẳng ai dám lên tiếng về cách đội bóng chơi mỗi trận đấu như thế nào. Siêu sao người Argentina ít nói, ngại giao tiếp, thẹn thùng trước ống kính nhưng sở hữu những thứ "vũ khí" khác quyền lực chẳng kém, cái nheo mắt chẳng hạn.

Cứ như thế trong suốt 15 năm qua, Messi chơi tuyệt hay, giúp Barca giành vô số danh hiệu. Cho đến khi trong tay anh hiện còn nắm cả quyền chuyển nhượng của đội bóng thì người ta cũng chẳng phàn nàn. Cũng giống như các HLV, chủ tịch Barca luân phiên nhau thay đổi nhưng vẫn phải nhập gia tùy tục, giao chìa khóa cai quản đội bóng cho Messi. Điều này BLĐ đội bóng Camp Nou một mực phủ nhận nhưng ai cũng biết.

Có thời điểm Messi còn tự đưa ra những yêu cầu để Barca tiếp tục chặng đường thành công. Đơn cử như mùa hè năm ngoái, anh gọi ông Josep Bartomeu, nói rằng đội bóng cần phải đưa Neymar trở về từ PSG. BLĐ Barca đành phải phụ lòng Messi, dẫn đến hàng loạt tin đồn cho rằng tiền đạo người Argentina không hài lòng với công tác chuyển nhượng của đội bóng.

Một ví dụ không thể chối cãi khác là lùm xùm xung quanh Messi và Giám đốc thể thao Eric Abidal. Để tránh phật lòng ngôi sao sáng giá nhất đội, ông Bartomeu buộc phải triệu tập khẩn Abidal để răn đe dù cựu hậu vệ người Pháp cũng là huyền thoại của đội.

Đó là quyền lực của Messi với những quyết định mang tầm vĩ mô, còn lối đi mang tầm vi mô như cách Barca chơi bóng trên sân thì sao?

Như mọi người biết, chuyện Barca phụ thuộc vào Lionel Messi đã có từ rất lâu. Điều này càng hiện hữu khi lần lượt các huyền thoại như Xavi Hernandez, Andres Iniesta nói lời tạm biệt vì tuổi tác.

Nhưng Messi không phải cỗ máy. Trong vòng vài năm trở lại đây anh không còn đủ thể lực để thực hiện những tình huống pressing đối thủ hay chơi bám biên nữa. Thay vào đó, anh muốn chơi ở vị trí hộ công, nhiệm vụ của HLV là làm thế nào để Barca vẫn giành thắng lợi khi Messi chuyển sang vai trò mới. Phần nhiều thời gian của Messi trên sân là đi bộ. 

Đột nhập phòng thay đồ Barcelona, nơi mà ghế HLV có 4 chân thì Messi và đồng đội nắm 3 chân - Ảnh 3.

Messi thay đổi thì HLV cũng phải đổi thay.

Barca sau đó chiêu mộ Arturo Vidal đóng vai trò "máy quét" cho Lionel Messi. Nhiệm vụ chính của tiền vệ người Chile là pressing, thu hồi và đưa bóng tới vị trí của Messi nhanh nhất có thể. Messi khi có bóng sẽ tìm kiếm những vệ tinh xung quanh như Antoine Griezmann hay Luis Suarez. Cách chơi này đã và đang hoạt động tương đối hiệu quả, với việc Messi liên tục có những pha kiến tạo trong vài vòng đấu trở lại đây.

Với sự hiện diện của Messi, bất kỳ HLV nào đến với Barca cũng phải tự hiểu rằng vai trò của mình sẽ không nhiều. Phòng làm việc của ông Valverde tại Barcelona không có nhiều giấy tờ. Trên tường, ông Valverde chỉ ghim lịch trình luyện tập của đội một. Trên bàn, ông Valverde chỉ có một chiếc điện thoại để liên lạc với bên ngoài. Không có chuyện ông tấp nập tiếp đủ mọi đối tác trong ngày làm việc của mình.

Ông Valverde khi đến với Barca hiểu rằng đội bóng này là của các cầu thủ gạo cội, có nhiều năm thi đấu như Lionel Messi, Sergio Busquets hay Gerard Pique. Những HLV như ông, như nêu trên, chỉ là những người đến và "làm thuê" trong thời gian ngắn hạn mà thôi. Valverde vì thế chỉ mang theo 2 trợ lý khi rời Athletic Bilbao đến Barca. Đây là lựa chọn đúng đắn vì tất cả những gì ông cần, từ những thứ nhỏ nhặt nhất đều có sẵn rồi.

"Bóng đá là môn thể thao mà các HLV có tầm ảnh hưởng rất ít. Tôi chỉ có 3 quyền thay người, trong khi trận đấu kéo dài 90 phút thì chỉ tạm ngừng duy nhất 1 lần giữa hiệp", ông Valverde chia sẻ với ESPN. "Vì thế bóng đá thuộc về chính các cầu thủ, họ đưa ra quyết định ngay và luôn trên sân. Một số cầu thủ phân tích trận đấu còn tốt hơn cả tôi".

Nói xong câu trên, ông Valverde cũng nhanh nhạy chữa thẹn: "Phân tích ở đây nghĩa là đưa ra lối chơi hợp lý. Trên sân, với tốc độ như vậy, bạn không thể nghĩ ngợi được gì đâu. Bạn cần đẩy bóng đi, thế thôi".

Thừa nhận của Valverde cho thấy ở Barca, HLV không thể chỉ tận tay các cầu thủ gạo cội như Messi phải chơi như thế nào. Ngược lại, HLV đơn thuần chỉ học về bóng đá qua chính dàn sao danh giá, những học trò.

Đột nhập phòng thay đồ Barcelona, nơi mà ghế HLV có 4 chân thì Messi và đồng đội nắm 3 chân - Ảnh 4.

Busquets trong trường hợp này là ví dụ điển hình. Tiền vệ người Tây Ban Nha biết cách phải làm thế nào để thu hút sự chú ý của đối thủ, tạo khoảng trống cho các đồng đội di chuyển. Chẳng có HLV nào đứng bên đường pitch để hô lớn, chỉ cho anh làm vậy đâu.

Thông qua chương trình "Matchday" do Rakuten, nhà tài trợ của Barca thực hiện gần đây, chúng ta càng thấy vai trò nhỏ bé của BHL Barcelona. Khi trận đấu chuẩn bị bắt đầu, ông Valverde sẽ xuất hiện và nói qua một chút về mặt chiến thuật. Sau đó, các cầu thủ dày dạn kinh nghiệm sẽ phát biểu.

Messi thường sẽ gọi đồng đội quây vòng tròn mà nhắc nhở rằng tất cả phải giữ được cái đầu lạnh. Trước trận gặp Atletico Madrid, anh nói: "Yên lặng mà nghe này. Chúng ta sẽ chơi như mọi khi, phải luôn giữ bình tĩnh. Đừng vào bóng quá nhanh".

Thế mới thấy phát biểu lên dây cót tinh thần của Barca trước trận có phần… nhạt nhẽo. Cũng phải thôi vì nếu một cầu thủ không thể tự động viên bản thân, anh ta sẽ chẳng thể gia nhập Barca và bám trụ lại đội bóng này. BHL Barca vì thế, cũng chẳng cần phải làm gì để thúc đẩy các học trò trước những trận đánh lớn. Họ chỉ cần ngồi ngoài nhìn các cầu thủ đồng thanh hô: 1, 2, 3 Barca! Thế là đủ.

Một đoạn phim tài liệu khác của Rakuten, khoảng vài giờ sau trận thắng 5-1 của Barcelona trước Real Madrid, ghi lại cảnh Pique nói chuyện với ông Hiroshi Mikitani (nhà sáng lập, chủ tịch và CEO của Rakuten). Anh kể lại cách mình thuyết phục ông Ernesto Valverde cho cả đội đi quẩy.

"Nghe này, ngài Valverde, cầu thủ chúng tôi sẽ tổ chức lễ ăn mừng", Pique nói. Sau đó, trung vệ người Tây Ban Nha chế nhạo ông thầy bằng cách đóng luôn vai còn lại: "Sao? Sao? Sao? Tại sao tôi lại cho các cậu đi chứ?".

Pique kể lại cho ông Mikitani cùng tràng cười không ngớt: "Chẳng sao, đằng nào chúng tôi cũng đi thôi". Có thể Mikitani không nhận ra, nhưng đội bóng mà ông tài trợ rõ ràng đang sở hữu quyền lực do chính các cầu thủ gây dựng nên. Ernesto Valverde trong đoạn phim tài liệu chỉ đóng vai một giáo viên già nhưng chẳng thể khiến học sinh e dè.

Nhưng Pique rồi cũng không cười với Valverde nữa. Một tuần trước khi vị giáo viên già này bị sa thải, tin đồn về việc nhóm cầu thủ "quyền lực đen" không hài lòng với kết quả của CLB xuất hiện ngày một nhiều. Ngoài thành tích trên sân cỏ, họ cũng tỏ thái độ khi Valverde không châm chước cho một số học viên của lò La Masia lên đội một. Ông Setien như thế, có luôn công việc đầu tiên mình phải giải quyết khi đến Barca. Ngay sau khi được bổ nhiệm, vị chiến lược gia 61 tuổi lập tức "xem giò" các búp măng non và trao cơ hội cho họ. Nhiệm vụ đầu tiên đã hoàn thành.

Nhưng dù HLV Setien có hoàn thành nhiệm vụ quan trọng nhất, giúp Barca vô địch Champions League thì ông cũng chỉ là một trong số những giọng nói trong phòng thay đồ. Không phải ông Setien thiếu cá tính nên tình hình mới vậy, chỉ là Barca từ trước đến nay đã hoạt động như thế rồi.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày