Đong đếm khả năng quan sát chuỗi hiện tượng thiên văn kì thú vào rạng sáng 11/2 ở Việt Nam

Ken, Theo Trí Thức Trẻ 22:54 10/02/2017

Theo các chuyên gia, nguyệt thực nửa tối là một trong những hiện tượng thiên văn kỳ thú.

Vào rạng sáng thứ 7 ngày 11/2 (theo giờ Việt Nam), nguyệt thực nửa tối sẽ diễn ra và nhiều nơi trên thế giới có thể chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú này.

Mặc dù thuộc vùng có thể quan sát được nhưng tại Việt Nam về cơ bản, chúng ta chỉ có thể quan sát được một phần rất nhỏ của hiện tượng nguyệt thực nửa tối.

Đong đếm khả năng quan sát chuỗi hiện tượng thiên văn kì thú vào rạng sáng 11/2 ở Việt Nam - Ảnh 1.

Giống như các loại nguyệt thực khác, nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Trái đất nằm giữa Mặt trời và Mặt trăng, cả ba thiên thể nằm gần thẳng hàng nhau. Trái đất sẽ che đi ánh sáng từ Mặt trời tới Mặt trăng, kết quả là Mặt trăng sẽ bị tối đi.

Đong đếm khả năng quan sát chuỗi hiện tượng thiên văn kì thú vào rạng sáng 11/2 ở Việt Nam - Ảnh 2.

Khu vực có thể quan sát trọn vẹn nguyệt thực nửa tối (vùng màu trắng), khu vực quan sát được 1 phần (vùng màu ghi) và khu vực không thể quan sát (màu xanh).

Khác với khi đi vào vùng tối hoàn toàn như khi xảy ra nguyệt thực toàn phần hoặc một phần, khi đi vào vùng nửa tối này Mặt trăng vẫn nhận được một phần đáng kể ánh sáng từ Mặt trời nên không chuyển thành màu đỏ sẫm và tối đặc trưng.

Đong đếm khả năng quan sát chuỗi hiện tượng thiên văn kì thú vào rạng sáng 11/2 ở Việt Nam - Ảnh 3.

Trăng tròn bình thường (trái) và nguyệt thực nửa tối (phải).

Mặt trăng sẽ chỉ mờ, tối đi 1 chút và xuất hiện 1 phần sắc đỏ nhỏ ở phần đi vào vùng nửa tối này.

Mặc dù là độ sáng bề mặt của Mặt trăng lúc xảy ra nguyệt thực nửa tối có giảm, nhưng nó không thật rõ ràng. 

Đong đếm khả năng quan sát chuỗi hiện tượng thiên văn kì thú vào rạng sáng 11/2 ở Việt Nam - Ảnh 4.

Ảnh ghi lại hiện tượng nguyệt thực nửa tối ở Philippines ngày 23/3/2016

Video dưới đây giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về hiện tượng nguyệt thực nửa tối.

Ngoài ra, theo anh Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) có một vài lý do khiến bạn nên CÂN NHẮC trước khi phơi mình trong sương sớm lúc 5h34 sáng để ngắm hiện tượng này.

Vào thời điểm 5h34 phút, Mặt trăng bắt đầu đi vào bóng nửa tối của Trái đất và một bên rìa của nó bắt đầu tối đi. Mặt trăng khi đó ở rất thấp, gần chân trời phía Tây. 

Do đó, nếu muốn ngắm hiện tượng, bạn nên tìm vị trí thật cao, thuận lợi nhất là núi, đồi, tòa nhà cao và nhìn hướng về phía trời phía Tây. Tuy nhiên, bạn không nên kì vọng quá bởi sự ô nhiễm ánh sáng, các tòa nhà cao tầng ở nội thành sẽ cản trở lớn tầm nhìn của bạn. 

Đong đếm khả năng quan sát chuỗi hiện tượng thiên văn kì thú vào rạng sáng 11/2 ở Việt Nam - Ảnh 6.

Tiếp đến, ngay cả khi bạn có góc nhìn tối ưu cùng điều kiện thời tiết thuận lợi thì việc quan sát hiện tượng cũng không thể kéo dài. Bạn sẽ chỉ có thể quan sát giai đoạn đầu của nguyệt thực nửa tối - trong khoảng thời gian từ 5h34 phút - 6h sáng mà thôi.

Do Mặt trăng sẽ lặn xuống phía dưới chân trời vào khoảng 6h27 phút, trong khi thời điểm cực đại hiện tượng là 7h43 phút, khi đó Mặt trăng đã lặn từ lâu. 

Cùng với đó, Mặt trời dù chưa ló rạng khỏi chân trời nhưng cũng bắt đầu tỏa sáng, làm lu mờ nhiều thiên thể trên bầu trời từ trước 6h sáng.

Đong đếm khả năng quan sát chuỗi hiện tượng thiên văn kì thú vào rạng sáng 11/2 ở Việt Nam - Ảnh 7.

Nếu bạn quyết không xem nguyệt thực nửa tối vì còn đang mải ngủ thì liệu có nên hi vọng vào hiện tượng Sao chổi 45P bay xoẹt qua Trái đất với khoảng cách siêu gần không sẽ diễn ra vài tiếng sau đó? 

Theo các chuyên gia, với ống nhòm hay kính thiên văn, những người săn lùng sao chổi sẽ không gặp khó khăn trong việc phát hiện ngôi sao chổi chạy đua qua bầu trời này. 

Đong đếm khả năng quan sát chuỗi hiện tượng thiên văn kì thú vào rạng sáng 11/2 ở Việt Nam - Ảnh 8.

Sao chổi 45P xuất hiện như một quả cầu màu xanh lá giữa bầu trời đêm.

Bởi lẽ Sao chổi 45P sẽ xuất hiện như một quả cầu màu xanh lá có đuôi di chuyển với vận tốc 82.000 km/h. Được biết, ánh sáng xanh lá lạ mắt này là kết quả của C2, một dạng khí của than chì.

Đong đếm khả năng quan sát chuỗi hiện tượng thiên văn kì thú vào rạng sáng 11/2 ở Việt Nam - Ảnh 9.

Các nhà dự báo cho biết, bạn có thể quan sát Sao chổi 45P bằng mắt thường khi sao chổi này xuất hiện trên bầu trời trước thời điểm bình minh trong điều kiện trời quang mây, không mưa... 

Tuy nhiên, do quy đổi múi giờ, thời điểm Sao chổi 45P bay ngang bầu trời lại diễn ra vào sáng ngày 11/2. Vì thế, sẽ không mấy cơ hội bạn được ngắm Sao chổi 45P rực sáng xanh trên bầu trời đêm. 

Nguồn: Space, VACA