Số người thiệt mạng tăng đột biến
Trận động đất mạnh 7,7 độ ở Myanmar vào trưa 28/3, với tâm chấn cách thành phố Mandalay khoảng 20 km, đã làm rung chuyển cả khu vực, khiến đường sá nứt toác, chùa tháp cổ sụp đổ, cầu gãy và nhà cửa đổ nát... Chỉ trong vài giây, nhiều khu dân cư đã bị phá hủy hoàn toàn. Ngay cả tại nhiều nước lân cận như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam cũng có thể cảm nhận được chấn động.
Được đánh giá là thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất trong 100 năm qua tấn công đất nước đang chìm trong nghèo đói và nội chiến, giới chuyên gia nhận định trận động đất tại Myanmar đã giải phóng năng lượng tương đương hàng trăm quả bom nguyên tử.
Một tòa nhà ở thành phố Mandalay, Malaysia bị đổ sập hoàn toàn do động đất. (Ảnh: AFP)
Tính đến cuối ngày 29/3, chính quyền quân sự Myanmar đã xác nhận số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất mạnh vào trưa 28/3 tăng lên 1.644 người, với gần 2.400 người bị thương.
Mô hình dự đoán của Cơ quan Địa chất Hoa Kỳ ước tính số người chết ở Myanmar có thể vượt quá 10.000 người và tổn thất có thể hơn cả sản lượng kinh tế hàng năm của đất nước.
Một ngày sau khi đưa ra lời kêu gọi viện trợ quốc tế hiếm hoi, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing, đã đến thành phố Mandalay, nơi bị ảnh hưởng nặng nề do gần tâm chấn của trận động đất, khiến các tòa nhà sụp đổ và gây ra hỏa hoạn ở một số khu vực. Ông Aung Hlaing đã chỉ thị cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ, giải quyết mọi nhu cầu cấp thiết cho người dân.
Một người dân may mắn sống sót và được kéo ra từ đống đổ nát. (Ảnh: AFP)
Cầu cứu trong tuyệt vọng
Người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất đang tuyệt vọng vì không được giúp đỡ. Trận động đất xảy ra vào trưa ngày 28/3 đã ảnh hưởng đến nhiều vùng rộng lớn của Myanmar, từ đồng bằng trung tâm quanh thành phố Mandalay đến những ngọn đồi Shan ở phía đông, trong đó một số khu vực không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền quân sự.
Một người dân nói với phóng viên Reuters rằng các hoạt động cứu hộ ở Mandalay không thể sánh được với quy mô của thảm họa. "Nhiều người bị mắc kẹt nhưng không nhân được sự giúp đỡ nào chỉ vì không có nhân lực, thiết bị hoặc phương tiện".
Nhiều người dân mất hết tài sản, chỉ có thể trông chờ vào nguồn hỗ trợ của chính quyền. (Ảnh: AP)
Nhiều người sống sót ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, đã đào bới đống đổ nát bằng tay không, trong nỗ lực tuyệt vọng để cứu những người vẫn còn mắc kẹt, vì thiếu máy móc hạng nặng, còn chính quyền vắng mặt.
Các tòa nhà ở nhiều khu vực bị đổ sập, đường sá cong vênh, cầu bị sập và đập vỡ. Điều này càng khiến việc di chuyển khắp đất nước trở nên khó khăn và nguy hiểm, làm phức tạp các nỗ lực cứu trợ và dấy lên lo ngại rằng số người chết vẫn có thể tăng đột biến.
Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 6 khu vực, bao gồm Sagaing, Mandalay và thủ đô Naypyidaw.
Theo ghi nhận của phóng viên hãng Reuters, tình hình tại Myanmar đang rất nghiêm trọng. Nhiều khu vực thiếu điện, nước, nhu yếu phẩm, bên cạnh việc truyền thông và thông tin liên lạc đang là thách thức lớn, khi truy cập Internet bị gián đoạn.
Tìm kiếm nạn nhân sống sót trong một tòa nhà đổ nát ở thủ đô Naypyitaw, Myanmar, ngày 29/3. (Ảnh: AP)
Sân bay đóng cửa
Đánh giá ban đầu của chính quyền quân sự Myanmar cho biết ít nhất 2.900 tòa nhà, 30 con đường và 7 cây cầu huyết mạch đã bị hư hại do trận động đất.
Do thiệt hại đáng kể, các sân bay quốc tế Naypyitaw và Mandalay tạm thời đóng cửa. Tháp kiểm soát tại sân bay ở Naypyitaw, đã bị sập, không thể hoạt động.
Các bệnh viện ở miền trung và tây bắc Myanmar đang phải vật lộn để đối phó với dòng người bị thương không ngừng được chuyển đến - Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết, đồng thời cảnh báo rằng thiệt hại về đường sá đang cản trở việc tiếp cận các nạn nhân.
Một cây cầu huyết mạch gần Mandalay, Myanmar bị gãy do động đất. (Ảnh: AFP)
Cơ quan này cho biết thêm, 17 xe tải chở hàng chứa lều trú ẩn và vật tư y tế dự kiến sẽ đến Mandalay vào Chủ Nhật (30/3) để giải quyết tình trạng thiếu thuốc men, bao gồm túi máu và thuốc gây mê.
Một đội cứu hộ của chính phủ Trung Quốc đã đến sân bay Yangon của Myanmar, cách Mandalay và Naypyitaw hàng trăm km, và sẽ di chuyển bằng xe tải lên vùng cao.
Reuters đã dẫn lời từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết Bắc Kinh sẽ cung cấp 13,77 triệu USD viện trợ, bao gồm lều, chăn và bộ dụng cụ y tế khẩn cấp…
Mỹ - quốc gia có mối quan hệ căng thẳng với quân đội Myanmar cho biết sẽ cung cấp một số hỗ trợ.
Theo truyền thông nhà nước Myanmar, hàng cứu trợ từ Ấn Độ trên một máy bay quân sự cũng đã hạ cánh xuống Yangon, và New Delhi đang điều động các tàu chở 40 tấn hàng viện trợ nhân đạo đến nước này.
Bên cạnh đó, Nga, Malaysia và Singapore cũng đang gửi các chuyến bay chở hàng cứu trợ và nhân sự.
Thái Lan ghi nhận thiệt hại tại 14 tỉnh
Nhà chức trách Thái Lan xác nhận 9 trường hợp tử vong, 9 trường hợp bị thương và 101 người mất tích, tính đến thời điểm này. Ngoài ra, 57 tỉnh ở Thái Lan có ghi nhận rung lắc sau trận động đất ở Myanmar.
Cơ quan chức năng nước này ghi nhận, tổng cộng có 56 dư chấn có độ lớn từ 2,8 đến 7,1 độ
Cục Phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai của Thái Lan đã chuẩn bị các nguồn lực, sẵn sàng triển khai khi được yêu cầu.
Nhiều người đau xót ngóng chờ tin tức người thân đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của tòa nhà 33 tầng tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP)
Tại Bangkok, cách tâm chấn 1.000 km, chính quyền đã đẩy mạnh các nỗ lực tìm kiếm công nhân xây dựng bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của tòa nhà cao 33 tầng bị sập, bằng cách sử dụng máy xúc, máy bay không người lái và chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn. Ước tính có khoảng 47 người mất tích hoặc bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của tòa nhà - bao gồm cả công nhân từ Myanmar.
Phó Thủ tướng Thái Lan Anutin Charnvirakul đã chỉ thị cho Cục trưởng Cục Phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai huy động nhân sự và thiết bị ứng phó thảm họa từ tất cả 18 trung tâm phòng chống thảm họa khu vực.
Mặc dù đang "vật lộn" với động đất, Thái Lan vẫn cử lực lượng sang hỗ trợ nước láng giềng Myanmar.
Theo tờ Nation Thailand, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thái Lan, Tướng Nattapol Nakpanich cho biết, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã chỉ đạo bộ này ngay lập tức tổ chức các hoạt động viện trợ cho Myanmar.
Một tòa nhà tại thủ đô Bangkok, Thái Lan bị sập do trận động đất mạnh hôm 28/3. (Ảnh: AFP)
Theo đó vào ngày 30/3, một nhóm gồm 49 quân nhân thuộc Lực lượng vũ trang Hoàng gia Thái Lan sẽ được cử đến Myanmar. Nhóm này sẽ bao gồm các chuyên gia tìm kiếm và cứu hộ, nhân viên y tế cùng các vật tư y tế thiết yếu. Lực lượng trên sẽ di chuyển đến Myanmar bằng máy bay C-130 của Không quân Hoàng gia Thái Lan.
Phía Thái Lan cho biết đợt triển khai lực lượng ban đầu nhằm mục đích cung cấp cứu trợ ngay lập tức, cũng như nhằm đánh giá nhu cầu cụ thể của chính phủ Myanmar. Những thông tin này sẽ được báo cáo tới chính phủ Thái Lan, từ đó cho phép nước này xem xét khả năng tăng cường thêm hỗ trợ nếu nhận thấy cần thiết.
Trung Quốc: Hai người bị thương do ảnh hưởng từ động đất
Do ảnh hưởng từ trận động đất ở Myanmar, đã có hai người đã bị thương, một tòa nhà thì bị hư hại ở tây nam Trung Quốc.
Hậu quả động đất xảy ra ở thành phố Thụy Lệ, tây nam Trung Quốc, giáp với Myanmar. Thành phố này nằm cách tâm chấn của trận động đất khoảng 500 km về phía bắc. Một nhân chứng đã quay được cảnh người dân chạy xuống phố tránh xa một tòa nhà cao tầng đang chìm trong những đám bụi lớn, do rung chuyển vì trận động đất. Truyền thông địa phương cho biết một số tòa nhà đã bị hư hại do các cơn chấn động.
Dư chấn sau động đất tại Myanmar có thể kéo dài nhiều tháng
Sau trận động đất có độ lớn 7,7 xảy ra vào trưa ngày 28/3, các chuyên gia dự báo rằng dư chấn sẽ kéo dài trong nhiều tháng tới tại các khu vực lân cận.
Khu phức hợp Cung điện Hoàng gia ở Mandalay, Myanmar bị hư hại nặng nề. (Ảnh: Shutterstock)
Cụ thể, các dư chấn này là hậu quả của những thay đổi áp lực trong lòng đất sau cú sốc chính. Ước tính sơ bộ cho thấy khoảng 800 nghìn người tại Myanmar đang nằm trong vùng chịu tác động mạnh nhất của trận động đất. Hầu hết các trận động đất xảy ra dọc theo ranh giới giữa các mảng kiến tạo. Lớp vỏ Trái Đất do nhiều mảng kiến tạo kết lại giống như một bức tranh ghép hình. Khu vực rìa của các mảng luôn có sự dịch chuyển, nhưng một khi bị kẹt, áp lực có thể tích tụ lên tới hàng trăm năm, dẫn đến động đất và dư chấn kèm theo. Các nhà khoa học có thể xác định khu vực nào có khả năng xảy ra động đất, nhưng vẫn chưa thể dự đoán chính xác thời điểm cơn địa chấn sẽ xảy ra.