Dọn tủ bà nội, cháu tìm thấy kho báu vô giá khiến thế hệ 7x nghẹn ngào

Mai Mai/ VTC News, Theo VTC News 17:26 16/07/2024
Chia sẻ

Những đồng xu 2 hào, bút Kim Tinh... quen thuộc với tuổi thơ thế hệ 7x mà người cháu tìm thấy trong tủ của bà nội U90 khiến nhiều người xúc động gọi đó là kho báu.

Trên một hội nhóm Facebook dành cho thế hệ 7x, 8x, mới đây một chủ tài khoản đăng dòng trạng thái "Nay dọn tủ cho bà nội mình (sinh năm 1937) mà thấy gia tài của bà"; cùng loạt ảnh những món đồ có vẻ như đã được cất giữ từ mấy thập kỷ. Đó là những đồng xu 1 hào, 2 hào, mặt sau có dòng chữ "tăng gia sản xuất lương thực" và con số 1971, những tờ tiền giấy để quá lâu đã mủn nát, có cả tờ 20 xu và tờ 1.000 đồng hiện tại vẫn lưu hành; là cuốn sổ lịch từ năm 1972, những huân, huy chương và những chiếc bút máy trong đó có bút Kim Tinh vốn là vật dụng sang chảnh một thời.

Dọn tủ bà nội, cháu tìm thấy kho báu vô giá khiến thế hệ 7x nghẹn ngào - Ảnh 1.

Những kỷ vật gợi bao hoài niệm của những người thuộc thế hệ 7x.

Dọn tủ bà nội, cháu tìm thấy kho báu vô giá khiến thế hệ 7x nghẹn ngào - Ảnh 2.

Cuốn sổ in lịch ghi dấu năm 1972.

Bài đăng khiến nhiều người xúc động hồi tưởng cuộc sống của 4 thập kỷ trước, khi những vật dụng trên thịnh hành. Họ gọi đó là kho báu: "Ông đang sở hữu một kho báu đó", Quý lắm đó, giờ là đồ cổ rồi. Gia tài của bà"; "Cả một gia tài lớn của đời người"; "Đáng trân trọng quá"; "Hai bút máy, hai bút Kim Tinh, 4 cái bút này mà xưa có thì học giỏi, viết chữ đẹp lắm"; Bạn hãy lau sạch cho vào tủ bày làm kỷ niệm"; "Môt thời nghèo khó"...

Không chỉ gợi hoài niệm ở những người đã ở tuổi trung niên, nhiều cư dân mạng gọi đây là kho báu vì nó cho thấy vẻ đẹp từ sự chắt chiu tảo tần của người vợ, người mẹ Việt Nam trong thời đất nước còn nghèo: "Nhìn thấy sự tần tảo, chắt chiu của các bà, các mẹ"; "Nom ngày xưa các cụ trân quý đồng tiền quá, nhìn cách cụ vuốt phẳng để gọn gàng vậy"; "Thấy quý giá thay sự chắt chiu ấy"; "Cụ cất kỹ quá, là một con người tiết kiệm giống bà ngoại mình"...

Dọn tủ bà nội, cháu tìm thấy kho báu vô giá khiến thế hệ 7x nghẹn ngào - Ảnh 3.

Những đồng tiền của 4 - 5 thập kỷ trước.

Dọn tủ bà nội, cháu tìm thấy kho báu vô giá khiến thế hệ 7x nghẹn ngào - Ảnh 4.

Tập tiền 1.000 đồng được xếp ngay ngắn trong chiếc túi vải của người bà.

Một Facebooker xúc động viết: "Số tiền không lớn, nhưng tôi nhìn thấy ở đây sự chắt chiu tảo tần. Những đồng bạc lẻ là nải chuối, là mớ rau bà bán. Một ngàn đồng bây giờ chả là bao nhưng ngày xưa nó không phải là nhỏ. Toàn là dấu vết của thời gian... Những năm dài tháng rộng đã đi qua..."

Nhiều người khác cho biết họ cảm thấy bùi ngùi trước vẻ thân thuộc của chiếc túi vải đựng tiền nho nhỏ có dây rút mà bà của họ vẫn thường dắt ở túi áo, những đồng xu được bà lén dúi cho để mua quà, hay chiếc bút Kim Tinh, bút Trường Sơn quý giá được bố mẹ gìn giữ, trao tặng khi họ đạt thành tích tốt trong học tập.

Tác giả cho biết, nhiều năm nay, bà nội anh luôn có thói quen cất giữ những kỷ vật trong tủ. Bà sinh năm 1937, trước đây là công nhân, sau khi nghỉ hưu thì ở nhà buôn bán; còn ông là trung tá quân đội. Hồi xưa, cuộc sống gia đình họ khá đầy đủ so với mức sống của phần lớn mọi người. Tuy nhiên, cách người bà nâng niu từng đồng tiền, vuốt phẳng và cất kỹ cho thấy nếp sống của người dân cách đây 4- 5 thập kỷ, khi hầu hết các gia đình đều thiếu thốn, mọi người đều tằn tiện, giữ gìn, trân quý từng đồ vật.

"Kho báu" trên của người bà như thước phim quay chậm đưa thế hệ 7x quay ngược thời gian. Những món đồ xưa cũ ấy không chỉ có giá trị sưu tầm, tái hiện đời sống kinh tế - xã hội của người Việt Nam một thời mà còn có giá trị tinh thần to lớn, giúp người trẻ hiểu thêm về thế hệ cha ông mình, hiểu thêm về thế giới tinh thần và những phẩm chất cao quý của họ với sự thấu hiểu và tri ân.

"Những kỷ vật là cả một đời phấn đấu của các cụ. Đó là một gia tài về sự cống hiến (thể hiện qua huân, huy chương), sự trân quý chắt chiu, sự cẩn thận, tỉ mỷ, là kho báu vô giá của gia đình Việt Nam", bình luận này của một cư dân mạng cũng là cảm nghĩ của nhiều người khi chiêm ngưỡng kho báu của người bà tác giả.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày