"TỰ HÀO" là tinh thần chung của những dòng status trên Facebook sau khi trận tứ kết Asian Cup giữa đội tuyển quốc gia Việt Nam và Nhật Bản kết thúc. Nếu không theo dõi trận đấu và chỉ nhìn lướt qua newsfeed Facebook, người ta có thể ngỡ rằng những chàng trai áo đỏ mới là những người đi tiếp. Nhưng không, đội tuyển Việt Nam đã dừng bước ở vòng tám đội mạnh nhất châu Á.
Vậy tại sao người hâm mộ bóng đá Việt Nam có quyền tự hào, dù kết quả là một thất bại? Bởi những gì mà các học trò của huấn luyện viên Park Hang-seo thể hiện là quá quật cường. Nhật Bản chẳng khác gì một gã khổng lồ Goliath xét về thành tích bóng đá trong quá khứ lẫn tương quan lực lượng hiện tại. Thế nhưng "chàng David" Việt Nam đã có những phút giây khiến người khổng lồ của bóng đá châu Á phải toát mồ hôi hột.
Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, "tiếc nuối" là cảm giác chung của nhiều người hâm mộ Việt Nam. Nhưng thử hỏi trước giờ bóng lăn - không lạc quan tếu, troll hay "chém gió" - thì mấy ai nghĩ được Việt Nam sẽ đá quật cường đến thế trước Nhật Bản - đội bóng châu Á duy nhất lọt vào vòng 1/8 của World Cup? Đội bóng từng 4 lần vô địch châu lục - giải đấu mà tuyển Việt Nam mới chỉ biết mùi tứ kết?
Đôi lúc tôi mong có 1 chiếc totem như nhân vật của Leonardio DiCaprio trong Inception, để biết mình có đang mơ không? Tuyển Việt Nam trước đây thường xuyên có những tình huống lóng ngóng trước "ông kẹ" trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan.
Ngày hôm nay, tuyển Việt Nam của chúng ta tự tin đá ban bật, phối hợp trước "đại gia" châu Á Nhật Bản, vùng lên tấn công một cách chủ động trong 20 phút cuối trận. Có những khoảnh khắc tưởng như chúng ta có thể dẫn trước hoặc có được bàn gỡ hoà.
Một tuyển Việt Nam không chịu đầu hàng, như Quang Hải đã nói rằng "dù chỉ có 1 tia hy vọng" cũng sẽ gắng sức. Nhìn cách Công Phượng dồn hết sức bình sinh cho cú sút, cách Văn Hậu leo biên không biết mệt mỏi, sự tiếc nuối của Văn Toàn những giây cuối trận hay cách Văn Lâm đau chân vẫn gượng chiến đấu... thì ai có thể trách nổi các cầu thủ?
Họ không chỉ thể hiện một tinh thần thi đấu ngoan cường mà còn thể hiện sự lột xác về đẳng cấp chơi bóng. Chứng kiến "những chiến binh sao vàng" ướt đẫm mồ hôi vẫn nhiệt tình hướng lên phía trước, làm sao không tự hào cho nổi?
Vậy nên dừng bước ở vòng tứ kết này không phải một nỗi buồn khó nuốt, khi tuyển Việt Nam đã thi đấu hết khả năng và tinh thần trước một đối thủ vượt trội về mọi mặt. Trong tiếng Anh, có một câu nói rất hay khi ngoái lại nhìn một kỷ niệm, hành trình đáng nhớ: "Don’t cry because it’s over, smile because it happened" (Đừng khóc vì mọi chuyện đã kết thúc, hãy mỉm cười vì nó đã xảy ra).
Nhờ ê-kip huấn luyện của "thầy" Park cùng các cầu thủ mà những người hâm mộ Việt Nam mới có dịp hưởng bầu không khí ăn ngủ cùng bóng đá ở đẳng cấp cao nhất châu lục. Chúng ta từng trở thành những cổ động viên có tâm nhất cho ... các đội tuyển bét bảng để tuyển Việt Nam có thể lách qua khe cửa hẹp. Chúng ta đã có 120 phút đáng nhớ trước đối thủ mạnh Jordan trước khi ca khúc ca khải hoàn trong niềm vui sướng hân hoan không tả xiết. Và trước ứng cử viên vô địch Nhật Bản, chúng ta vẫn bình tĩnh chơi bóng theo cách của mình, biết người biết ta.
Vậy nên hãy mỉm cười vì đội tuyển quốc gia Việt Nam cùng hành trình đáng nhớ của họ và dang rộng vòng tay chào đón họ trở về ăn Tết.
Để có được vị thế bóng đá ngày hôm nay, người Nhật đã phải trải qua nhiều thập niên xây dựng nền tảng với những chiến lược, lộ trình cụ thể. Với những thành công ở cấp độ U23 và đội tuyển quốc gia trong năm qua, có cơ sở để thấy rằng bóng đá Việt Nam đang đi đúng hướng.
Đa phần các cầu thủ khoác áo tuyển Việt Nam chinh chiến tại Asian Cup 2019 đều còn rất trẻ. Ngoại trừ những cầu thủ U23 như Quang Hải, Duy Mạnh hay Văn Hậu..., các trụ cột khác như Văn Lâm, Hùng Dũng hay Ngọc Hải đều đang bước vào độ chín của sự nghiệp. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam có cơ sở để tin vào một tương lai tươi sáng, với những mục tiêu từng có lúc tưởng như rất xa vời như World Cup.
Để giấc mơ đó được hiện thực hoá, các cầu thủ Việt Nam cần nhiều hơn những trận đấu như hôm nay. Những cái tên còn tiềm năng để phát triển lớn như Quang Hải hay Văn Hậu có khả năng xuất ngoại và thi đấu tại những giải đấu đẳng cấp hơn V-League để nâng tầm trình độ. Các đối thủ giao hữu của tuyển Việt Nam cần có trình độ cao hơn để chúng ta cọ xát, thay vì những trận đấu với các đội tuyển ở lứa tuổi sinh viên.
Và còn đó câu chuyện về sự đào tạo và tính kế thừa, với những thế hệ "hậu 1997". Các trung tâm đào tạo trẻ của HAGL và Hà Nội đã cho ra nhiều quả ngọt, nhưng chúng ta cần nhiều các tài năng được gièn rũa, đào tạo bài bản từ tấm bé.
Để tiệm cận được đẳng cấp Nhật Bản trong bóng đá là cả một chặng đường dài đầy chông gai, với sự chung tay của không chỉ những nhà làm bóng đá mà cả khán giả. "Muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau". Cách các cầu thủ thi đấu gắn kết như một tập thể là một hình ảnh ý nghĩa và cho thấy tuyển Việt Nam có thể tuyệt vời đến nhường nào.
Tương lai bắt đầu từ chính từ hôm nay, với mầm non hy vọng được gieo từ một trận thua mà kẻ chiến bại có thể ngẩng cao đầu.
Từ Thường Châu tuyết trắng tới Dubai đầy nắng là những bước tiến rõ rệt, với niềm tin và hy vọng ngày một lớn dần.
Hãy bước tiếp, bởi phía trước là bầu trời.