Bệnh viện, là nơi người ta tranh đấu, nơi nhận ra rõ nhất quy luật sinh - lão - bệnh - tử, nơi người ta thể hiện tình yêu vô bờ, lòng bao dung, sự chia sẻ với nhau, là nơi thử thách lòng kiêu hãnh, sự dũng cảm, khát khao sống trong bản thân mỗi con người. Đó là nơi người ta sẽ thấy những giọt nước mắt lăn dài sau những nụ cười và những nụ cười chua chát sau giọt nước mắt mặn đắng, đau khổ nhất. Đó là nơi thấy được cả thiên đường và địa ngục.
Những bức ảnh xúc động chụp ở nơi như thế chứa đựng trong đó thật nhiều ý nghĩa.
Bức ảnh thứ 1
Hình ảnh xúc động về cô bé Little Okines Hayley (ở Bexhill, East Sussex, Anh) mắc bệnh già sớm đang được bác sĩ chẩn trị trong bệnh viện. Từ bé, người cô đã không tăng cân, làn da mảnh, trong suốt, khung xương nhỏ yếu. Suốt 14 năm, triền miên con đường từ nhà đến bệnh viện, luôn phải trải qua các đợt điều trị đau đớn, dù tâm hồn trẻ thơ bị giam cầm trong cơ thể khô héo của một bà lão 105 tuổi, cô vẫn thể hiện một cái nhìn sâu sắc, sinh động, thái độ sống lạc quan, mạnh mẽ chiến đấu với căn bệnh, cố gắng tận hưởng cuộc sống.
Ảnh: Channel 5
Chính điều đó đã khiến Hayley vượt qua mọi lời tiên đoán của y học, cho rằng cô chỉ sống đến năm 13 tuổi, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 14, cô cho ra đời cuốn tự truyện xúc động của mình “Old before my time – Già trước tuổi".
Trong cô vẫn ngời sáng một ước mơ sẽ có bước đột phá trong y học giúp cô có cuộc sống lâu và tốt hơn so với những bệnh nhân trước đây đã phải chết vì căn bệnh quái ác này. Cô cũng tâm sự: "Mẹ nói tôi là một trong 8.000.000 người mắc bệnh này may mắn sống qua tuổi 13. Tôi vẫn luôn nghĩ về tương lai và khi lớn lên, tôi sẽ kết hôn. Mẹ nói rằng sẽ có một ai đó rất đặc biệt dành cho tôi.” Phát triển bình thường cũng đã là một đặc ân và hạnh phúc, vì thế đừng buồn phiền vì chiều cao khiêm tốn, đừng đau khổ vì khuôn mặt không dễ thương, hãy mỉm cười và sống với ước mơ.
Bức ảnh thứ 2
Nếu đang có ý định bỏ phần ăn trưa hôm nay, hãy nhớ tới bức ảnh xúc động này: Mihag Gedi Farah, một em bé bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng được mẹ bế tại một bệnh viện dã chiến của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC), tại thị trấn Dadaab, Kenya. Đã 7 tháng tuổi nhưng em chỉ nặng 3,4 kg.
Ảnh: AP
Hạn hán kéo dài ở miền bắc Kenya khiến cho hoa màu, gia súc của những người nông dân đều chết khô và đẩy họ vào bước đường cùng, thậm chí, có người phải bán con. Vì nước và thực phẩm, hàng triệu người khu vực Đông Phi phải dắt díu nhau, tháo chạy khỏi những vùng bị mất mùa và bị chiến tranh tàn phá để tồn tại.
Vượt qua con đường dài 10.000 km, họ hi vọng vào những trại tị nạn vốn đã đầy chật người tại Kenya và Ethiopia vẫn phải tiếp tục phải đón thêm khoảng 3.000 người mỗi ngày. Giữa kỷ nguyên phát triển nhất trong lịch sử loài người, giữa một thế giới đổi thay từng ngày vì công nghệ và các phát kiến vĩ đại, nơi đây, Liên Hợp Quốc đã phải tuyên bố nạn đói khủng khiếp đang diễn ra... Không ai biết liệu em nhỏ trong bức ảnh có sống tiếp và sống tiếp đến bao giờ? Liệu cuộc đời em có khác cuộc đời mòn mỏi, quay cuồng với cái ăn cái uống như đồng bào nó, cha mẹ nó hay không?! Hãy hạnh phúc vì bạn được no đủ hơn hàng triệu người trên thế giới. Hãy tiết kiệm nguồn nước sạch cho chính chúng ta trong tương lai vì chẳng có gì là vô hạn.
Bức ảnh thứ 3
Bức ảnh khiến người ta rớt nước mắt vì hình ảnh xúc động và đẹp hơn bất cứ tượng đài nào về sự hiếu thảo. Đó là một người đàn ông luống tuổi đang bế mẹ già ngồi đợi tới lượt khám ở bệnh viện Đài Loan. Không phải một nhiếp ảnh gia, một nhà báo, bức ảnh chân thực vì nó chỉ được một sinh viên vô tình chụp tại trung tâm Y tế Chi Mei.
Ảnh: Daily Chilli
Sau khi bức ảnh được đưa lên Internet, cư dân mạng đã tìm được ông Ding Zhu Ji, 62 tuổi. Theo lời kể lại của đồng nghiệp cũ, ông từng là nhân viên phòng Điều tra thuộc Bộ tư pháp Đài Loan. Mẹ ông Ding năm nay 85 tuổi, bị gãy chân và thường xuyên phải vào viện để chữa trị.
"Chúng tôi không lấy làm ngạc nhiên. Ai cũng biết ông ấy là một người con hiếu thảo. Năm 2007, mẹ ông ấy muốn đến thăm họ hàng ở Trung Quốc. Tuy nhiên vì đang chịu trách nhiệm về điều tra an ninh nội bộ, ông ấy không thể cùng đi với mẹ. Ông ấy đã gửi đơn nghỉ hưu từ 3 năm trước để có thể sớm hoàn thành mong ước của mẹ mình" - một đồng nghiệp của ông Ding nói. Trong khi đó, một người bạn học cùng lớp đào tạo của phòng điều tra tiết lộ rằng ông Ding từng từ chối thăng chức vì sợ sẽ bị thuyên chuyển công tác sang tỉnh khác thì sẽ không thể chăm sóc cho mẹ già.
Bức ảnh thứ 4
Bệnh viện, cũng là nơi người ta phải từ giã người thân... mãi mãi.
Hai bức ảnh xúc động: một than khóc, một nụ hôn vĩnh biệt người thân đã ra đi chụp tại Bệnh viện Shifa, thành phố Gaza ngày 18/11 vừa qua cho thấy sự khắc nghiệt của cuộc sống, của chiến tranh. Sẽ chẳng ai bên ai được mãi mãi dù có yêu thương nhau đến mấy. Sẽ chẳng ai biết được điều gì xảy ra, phút trước còn vui vẻ bên nhau, phút nhau là lìa xa khi chưa kịp nói lời tạm biệt.
Ảnh: AP
Khu vực Trung Đông, nơi chiến sự đang diễn ra, cứ mỗi ngày qua là thêm nhiều hình ảnh thương vong. Cầu mong sẽ có một giải pháp hòa bình sớm đến nhanh với người dân ở dải đất chẳng có mấy phút bình yên này.
Bức ảnh thứ 5
Qua những hình ảnh xúc động đen trắng, mộc mạc, không chỉnh sửa, chân thực ngay bệnh viện, đem lại nhiều góc nhìn khác nhau, và không bị méo mó về kỹ thuật. Nó thể hiện thái độ trân trọng con người nhất, dù họ là những người bị y học gọi là điên, của phóng viên Jean Philippe Charbonnier.
Bộ ảnh các bệnh viện tâm thần nước Pháp (1954) này được đăng trên Réalités tháng Giêng năm 1955. Đến 2006, 24 bức trong bộ ảnh đã được gallery Agathe Gaillard xuất bản. Dưới đây là một vài trong số nhiều bức ảnh ấy.
Ảnh: Jean Philippe Charbonnier
Bức ảnh thứ 6
Không phải một xu hướng, không phải vì đặc biệt, những câu chuyện tình kết thúc có hậu bằng một đám cưới ngay tại bệnh viện là những điều không phải ngày nào cũng gặp.
Họ và tình yêu của họ khiến không ít những người khỏe mạnh phải ganh tị và ngưỡng mộ. Đằng sau mỗi bức ảnh xúc động của cô dâu chú rể ấy là nhiều ngày tháng đấu tranh, chuyện có thật ngỡ như liêu trai về tình yêu hiện hữu, đôi khi, ngay cả cái chết cận kề cũng không làm mất đi giá trị. Đó là William Kent, 24 tuổi đã kết hôn với Emma, 25 tuổi tại bệnh viện nơi anh đang điều trị 11 ngày trước khi anh qua đời. Thay vì nói lời thề hôn ước của mình, anh đã siết chặt tay người hôn thê trước khi được bố hỗ trợ đăng ký vào sổ đăng ký kết hôn.
Ảnh: Carters News Agency
Chú rể Tiểu Tường đến với cô dâu Thi Lộ bằng một lễ kết hôn đơn giản tại một bệnh viện ở Nam Kinh (Trung Quốc) nhờ sự quan tâm giúp đỡ của những người bạn không quen biết trên một diễn đàn mạng.
Không đẹp long lanh nhưng đây là hình ảnh xúc động vì tình cảm của họ còn hơn cả tình yêu trai gái. Cô dâu Thi Lộ đang bị ung thư, phải đội tóc giả, trang điểm kỹ lưỡng che đi sự mệt mỏi của cơ thể hạnh phúc bên chú rể nhưng ánh mắt của họ loang loáng một nỗi buồn vì chỉ ít ngày nữa, cô dâu sẽ ra đi mãi.
Ảnh: Sohu
Chị Chua (37 tuổi) đã đăng ký kết hôn với anh Yeow (44 tuổi) 13 năm trước nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên cặp đôi người Singapore này chưa bao giờ có cơ hội làm đám cưới. Nhưng khi anh Yeow bị bệnh nặng khó có thể qua khỏi và đang phải nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore thì chương trình phát thanh tiếng Hoa Radio 1003 đã giúp đỡ, biến ước mơ của hai người thành hiện thực.
Nguồn ảnh: Yourhealth
Hai vợ chồng bán thịt quay ở một khu công nghiệp phía tây Singapore, họ đã trải qua những hoàn cảnh hết sức đau lòng, Yeow bị căn bệnh suy thận hành hạ anh suốt 11 năm qua và mới năm ngoái anh đã bị cưa bỏ mất chân trái và những ngón chân phải.
Những người chứng kiến không thể quên hình ảnh xúc động khi chị cúi người xuống bên chồng, hỏi anh: “Em có đẹp không? Anh có hạnh phúc không?” những dòng nước mắt đầm đìa chảy dài trên má, anh nói: “Có” rồi trao bó hoa cho vợ mình.
Bức ảnh thứ 7
Ảnh: MSNBC
Bức ảnh của MSNBC là một trong những bức ảnh cảm động nhất về tình cha con. Trong tác phẩm là người cha đang lau nước mắt cho đứa con trai vừa thoát chết vì bom đạn tại một bệnh viện ở Afghanistan. Bàn tay người cha ấy vẫn còn vướng bụi từ vụ nổ, bàn tay ấy thô cứng, khô khốc nhưng chúng ta có thể cảm nhận được sự nhẹ nhàng, yêu thương và che chở của ông đối với đứa con mình đầy thương tích vì mảnh đạn khi ông đang vụng về làm dịu cơn đau của con mình.
Bức ảnh thứ 8
Sự sống, bản thân nó đã là một điều kỳ diệu, và đôi khi, cái chết không hẳn là kết thúc, ngược lại, nó đem lại hi vọng và khởi nguồn của những sự sống khác.
Bức ảnh xúc động này được truyền đi trên Internet này là về cô bé có tên là Xiwang hay còn gọi là Hy Vọng. Em qua đời vì chứng thiếu máu cơ tim cục bộ. Cha mẹ của em đã quyết định để cho các bác sĩ lấy tạng của em để trao tặng cho 2 bé khác ở miền Bắc Trung Quốc.
Ảnh: Internet
Các bác sĩ và nhân viên bệnh viện cùng người nhà đã thực hiện một hành động thiêng liêng, đầy xúc động: nghiêng mình cúi đầu tiễn biệt bé Hy Vọng lần cuối trước khi bé được chuyển tới phòng mổ để lấy tạng. Mọi sự sống, dù là trong thời gian ngắn ngủi cũng có những ý nghĩa riêng!
Bức ảnh thứ 9
Việc người chồng bên cạnh trong khi vợ sinh nở là một trong những giây phút đáng trân quý trong cuộc sống vợ chồng của bất cứ cặp đôi nào.
Ảnh: Reuters/Jorge Silva
Trong ảnh là cô Clotilde Boutin, đang bế đứa con mang nặng 9 tháng 10 ngày vừa chào đời và nhìn đầy tin tưởng vào người chồng Venezuela của mình, anh Antero Alvarado chụp tại viện tư ở Caracas, Venezuela, tháng 9 năm 2011.
Bức ảnh xúc động vì đã ghi lại và lưu giữ ánh mắt hạnh phúc, đầy tin yêu của người vợ, người vừa lên chức mẹ dành cho chồng mình, cho hạnh phúc nhỏ bé ý nghĩa của họ. Ánh mắt đó là vĩnh cửu!
Bức ảnh thứ 10
Một hình ảnh xúc động ghi dấu cử chỉ đầu tiên của sinh linh bé nhỏ mới chào đời chụp tại bệnh viện Escuela, Tegucigalpa, Honduras, ngày 21 tháng 10 năm 2011.
Ảnh: Reuters/Edgard Garrido
Khó có thể hình dung hình ảnh nào đẹp ban sơ, đẹp thuần khiết, đẹp thánh thiện như bức ảnh này. Ánh sáng nhẹ nhàng, bố cục chặt và bản thân "thiên thần nhỏ" là 1 tuyệt tác đem lại cảm giác bình yên cho tất cả những người yêu cuộc sống, yêu con người.
Bức ảnh thứ 11
Bức ảnh xúc động hiếm hoi trên giường bệnh của cô gái xinh đẹp Talia Joy Castellano, mắc 2 bệnh ung thư đang mỉm cười và ngủ yên bình. Dù phải chống chọi với bệnh nan y từ năm 7 tuổi, Talia gầy yếu hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cô đã cho cả thế giới thấy, cuộc sống ý nghĩa không tính bằng thời gian dài hay ngắn.
Ảnh:Internet
Sau những video hướng dẫn trang điểm, những buổi nói chuyện trên truyền hình, thế giới biết đến một nghị lực phi thường, một nụ cười thiên thần lúc nào cũng tràn năng lượng và niềm tin yêu cuộc sống dù tuần nào cô cũng phải tới bệnh viện để hóa trị liệu, bức xạ, cấy ghép tế bào và truyền máu. Sẽ có lúc bạn thấy người nào đó xinh đẹp và tỏa sáng từ bên trong vì tâm hồn của họ thanh sạch và đáng trân trọng biết bao.
Bức ảnh thứ 12
Bức ảnh xúc động này được chụp tại bệnh viện Ishinomaki tại Ishinomaki, sau khi thảm họa kép đi qua Nhật Bản. Không rõ tên của nhân vật chính nhưng họ đại diện cho hoàn cảnh chung của dân Nhật: trong phút chốc mất nhà cửa, của cải, người thân, bạn bè.
Nguồn ảnh: Shineyourlight
Cái chống cằm của người đàn ông vừa mỏi mệt vừa thể hiện sự mạnh mẽ đầy lo lắng và suy tư khi còn phải gắng gượng và chống đỡ để sống tiếp, để làm chỗ dựa cho người vợ mình những ngày sắp tới. Họ cho thấy một nước Nhật sau đại họa khiến cho cả thế giới ngưỡng mộ: kiên cường, tự lực, không bạo động, không cướp bóc, chỉ có tình thương yêu, chia sẻ giữa người với người.