Trưa 5/10, đài truyền hình Quốc gia đã chính thức đưa tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Suốt gần 60 năm qua, người dân Hà Nội đã quen thuộc với hình ảnh ngôi biệt thự kiểu Pháp nằm hiền hòa giữa vườn cây xanh trên đường Hoàng Diệu. Đó là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình sống, là nơi ghi dấu biết bao sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc. Nhưng hôm nay, ngôi nhà vẫn nằm đó mà Người đã ở miền cực lạc. Trên con đường Hoàng Diệu, những chiếc xe không vun vút lao đi mà đều đi chậm lại. Không ai bảo ai, từ người già đến người trẻ, những ánh mắt đều đồng loạt hướng về số nhà 30 khi mọi người đi qua đây...
Tối 5/10, hàng trăm người dân không kìm nén được sự xúc động trước sự ra đi của Vị tướng huyền thoại, đã lặng lẽ quỳ khóc trước cổng nhà Đại tướng.
Mặc dù chiều 6/10, nhà riêng của Đại tướng mới mở cửa cho người dân vào viếng nhưng từ tờ mờ sáng 6/10, rất nhiều người dân đã tập trung trước nhà Đại tướng, khóc nghẹn vì sự ra đi của Người. Trong ảnh là một em bé cầm bó hoa, nhờ chú cảnh vệ dâng lên viếng Đại tướng. Hình ảnh này đã khiến cho rất nhiều người cảm thấy xúc động...
Đúng 14h30 chiều 6/10, người dân đã được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hàng dài người chầm chậm tiến vào ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, mang theo một nỗi tiếc thương vô hạn. Tất cả mọi người đều lặng lẽ, giữ trật tự, tuy người vào viếng rất đông nhưng không gây ra một sự xáo trộn nào. Suốt dọc tuyến đường từ đầu Lăng Bác tới hết Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu, người dân vẫn lặng lẽ xếp hàng, chờ đến lượt được vào viếng Đại tướng.
Sáng 7/10 - ngày thứ 2 nhà riêng Đại tướng mở cửa cho người dân vào viếng - trời nắng rất to nhưng hàng ngàn người vẫn kiên nhẫn xếp hàng để chờ đến lượt vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vẫn là những giọt lệ thương tiếc, xót xa tuôn rơi... Phải có mặt ở đó, tận mắt nhìn thấy những giọt nước mắt lăn trên gương mặt của trăm người già, ngàn người trẻ, mới cảm nhận rõ được nỗi đau đớn, tiếc thương, nghẹn ngào khôn nguôi của mọi người trước sự ra đi của Đại tướng.
Trong buổi viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiều 7/10, Phó Giáo sư (PGS) Văn Như Cương dù đã 76 tuổi, cũng nghiêm trang xếp hàng trong đoàn người dài cả cây số để chờ tới lượt được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chia sẻ cảm xúc trước việc Đại tướng đã đi xa mãi mãi, thầy Cương nói: “Như hàng triệu người dân Việt Nam, tôi rất đau lòng khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về nơi vĩnh hằng. Đại tướng qua đời là mất mát và nỗi đau quá lớn đối với nhân dân và dân tộc Việt Nam. Có lẽ, sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có Đại tướng nhận được sự tiếc thương nhiều đến thế”.
Sáng 8/10, hàng người như đông hơn 2 ngày hôm trước, khi không chỉ có người dân Hà Nội mà dường như khắp nơi trên cả nước đã đổ về đây. Những giọt lệ đau thương vẫn không ngừng tuôn rơi...
Những cô gái thanh niên xung phong mười tám, đôi mươi ngày ấy, giờ tuổi đã cao, nhưng nghe tin Đại tướng ra đi, đã tới viếng Người với bộ trang phục ngày xưa.
Trong hàng dài người xếp hàng để chờ được vào viếng trong mấy ngày qua, có rất nhiều em bé đã được bố mẹ đưa đến để viếng Đại tướng. Đối với các em, có lẽ ít bé biết Đại tướng là ai, đã lập được những chiến công gì, cũng chưa được học những bài học về Đại tướng, nhưng mấy ngày vừa rồi, qua lời kể của ông bà, bố mẹ, nhìn những u sầu trên gương mặt của người thân, chắc rằng các bé cũng đã hiểu được phần nào vị trí của Đại tướng trong tim người thân của mình nói riêng, người dân Việt Nam nói chung.
Một người chiến sĩ không quân nhân dân Việt Nam bế theo cậu con trai nhỏ, tay cầm ảnh Đại tướng, hòa vào dòng người xếp hàng để chờ đến lượt viếng.