Một cách khen vua
Lương Thế Vinh thuở bé nghịch ngợm nổi tiếng. Ông hay tắm sông hồ thành thử bơi lội rất giỏi. Lê Thánh Tông biết rõ chuyện ấy, nên một hôm đi chơi thuyền có Lương Thế Vinh và các quan theo hầu, Vua liền giả vờ say rượu ẩy Vinh rơi tòm xuống sông, rồi cứ cho tiếp tục chèo thuyền đi.
Không ngờ Lương Thế Vinh rơi xuống, liền lặn một hơi đi thật xa, rồi đến một chỗ vắng lên bờ ngồi núp vào một bụi rậm chẳng ai trông thấy. Lê Thánh Tông chờ mãi không thấy Vinh trồi đầu lên, bấy giờ mới hoảng hồn, vội cho quân lính nhảy xuống tìm vớt, nhưng tìm mãi cũng chẳng thấy đâu. Vua hết sức ân hận vì lối chơi đùa quá quắt của mình, chỉ muốn khóc, thì tự nhiên thấy Vinh từ dưới nước ngóc đầu lên lắc đầu cười ngất. Khi lên thuyền rồi, Vinh vẫn còn cười. Thánh Tông ngạc nhiên hỏi mãi, cuối cùng Vinh mới tâu:
"Thần ở dưới nước lâu là vì gặp phải một việc kỳ lạ và thú vị. Thần gặp cụ Khuất Nguyên (*), cụ hỏi thần xuống làm gì?. Thần thưa dối là thần chán đời muốn chết. Nghe qua, cụ Khuất Nguyên tròn xoe mắt, mắng thần: "Mày là thằng điên!. Tao gặp Sở Hoài Vương và Khoảng Tương Vương hôn quân vô đạo, mới dám bỏ nước bỏ dân trầm mình ở sông Mịch La. Chứ mày đã gặp được bậc thánh quân minh đế, sao còn định vớ vẩn cái gì?". Thế rồi cụ đá thần một cái, thần mới về đây!".
Lê Thánh Tông nghe xong biết là Lương Thế Vinh nịnh khéo mình, nhưng cũng rất hài lòng, thưởng cho Vinh rất nhiều vàng lụa.
(*) Khuất Nguyên - nhà thơ nổi tiếng, một vị trung thần nước Sở - do can ngăn vua Hoài Vương không được, đã uất ức ôm đá gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn. Hôm ấy đúng ngày mồng Năm tháng Năm. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc xưa làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (chủ ý khiến cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông ném bánh xuống cúng Khuất Nguyên.
Ứng đáp với vua
Vua Lê Thánh Tông đi kinh lý vùng Sơn Nam hạ, ghé thăm làng Cao Hương, huyện Vụ Bản, quê hương của Trạng Nguyên Lương Thế Vinh, lúc bấy giờ cũng đang theo hầu Vua.
Hôm sau vua đến thăm chùa làng. Khi ấy, sư cụ đang bận tụng kinh. Bỗng sư cụ đánh rơi chiếc quạt xuống đất. Vẫn tiếp tục tụng, sư cụ lấy tay ra hiệu cho chú tiểu cúi xuống nhặt, nhưng một vị quan tùy tòng của Lê Thánh Tông đã nhanh tay nhặt cho sư cụ. Vua Lê Thánh Tông trông thấy vậy, liền nghĩ ra một vế đối, trong bữa tiệc hôm đó đã thách các quan đối.
Vế ấy như sau:
Ðường thượng tụng kinh sư sử sứ...
Nghĩa là: Trên bục tụng kinh sư khiến sứ ( nhà sư sai khiến được quan)
Câu nói này oái ăm ở ba chữ sư sử. Các quan đều chịu chẳng ai nghĩ ra câu gì.
Trạng nguyên Lương Thế Vinh cứ để họ suy nghĩ chán chê. Ông ung dung ngồi uống rượu chẳng nói năng gì. Vua Lê Thánh Tông quay lại bảo đích danh ông phải đối , với hy vọng đưa ông đến chỗ chịu bí. Nhưng ông chỉ cười trừ.
Một lúc ông cho lính hầu chạy ngay về nhà mời vợ đến . Bà trạng đến, ông lấy cớ quá say xin phép vua cho vợ dìu mình về.
Thấy Vinh là một tay có tài ứng đối mà hôm nay cũng đành phải đánh bài chuồn, nhà vua lấy làm đắc ý lắm, liền giục:
" Thế nào? Ðối được hay không thì phải nói đã rồi hẵng về chứ?"
Vinh gãi đầu gãi tai rồi chắp tay ngập ngừng:
- Dạ... muôn tâu, Thần đối rồi đấy ạ!
Vua và các quan lấy làm lạ bảo Vinh thử đọc xem. Vinh cứ một mực:" Ðối rồi đấy chứ ạ!" hoài. Sau nhà vua gạn mãi, Vinh mới chỉ tay vào người vợ đang dìu mình, mà đọc rằng:
Ðình tiền túy tửu, phụ phù phu.
Nghĩa là: Trước sân say rượu, vợ dìu chồng.
Nhà vua cười và thưởng cho rất hậu.
Lời tiên đoán
Một hôm, lúc chầu trong triều, vua hớn hở nói với Vinh:
- Trẫm có nhiều con trai, việc thiên hạ không việc gì phải lo ngại nữa!
Lương Thế Vinh tâu:
- Lắm con trai là lắm giặc. Không lo sao được!
Vua lấy làm lạ hỏi:
- Ta không rõ sao lại thế?
Trạng tâu không úp mở:
- Ngôi báu chỉ có một. Bệ hạ có nhiều con trai càng có nhiều sự tranh giành ngôi báu. Như vậy phải lo lắm chứ!
Đúng như lời tiên đoán của ông. Sau đó con cháu nhà vua tranh giành ngôi thứ, chém giết lẫn nhau, làm cho triều chính đổ nát, trăm họ lầm than. Chỉ ba chục năm sau khi Thánh Tông mất, Mạc Đăng Dung đã nhân cơ hội mà cướp ngôi nhà Lê.