Nữ hoàng của các cuộc nói chuyện, bà trùm của giới truyền thông và con người của nhân đạo, đó là những cái tên mà mọi người luôn nhớ đến khi nói về Oprah Winfrey. Người phụ nữ này không chỉ tượng trưng cho quyền lực của nữ giới ngành giải trí Mỹ và còn là biểu tượng của sự vươn lên không ngừng nghỉ và nỗ lực phi thường.
Có thể nói, Oprah Winfrey đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận và làm tấm gương với tất cả những ai từng một lần xem chương trình hay đọc qua về cuộc đời bà.
Cuộc đời và tuổi ấu thơ gian khó
Oprah Winfrey là một nhà từ thiện nổi tiếng và quan trọng với Nam Phi. Chính bà đã tạo lập rất nhiều trường học cho các cô gái chịu thiệt thòi ở đất nước này.
Tất nhiên, hầu như mọi người nổi tiếng đều bắt đầu từ một nơi nào đó hay một hoàn cảnh nào đó rất đặc biệt, song thời thơ ấu của Oprah lại không hề tươi đẹp như bao đứa trẻ khác. Đó cũng chính là lý do vì sao, khi trở thành một người nổi tiếng, bà không tiếc công sức, tiền bạc và thời gian để xây dựng những điều tốt đẹp cho thế giới. Bà muốn tạo dựng một quỹ từ thiện của riêng mình, nhưng xây dựng nó dưới dạng một trường học.
Và trường học mà bà xây dựng ở Nam Phi đã trở thành một phần của cuộc đời bà. Oprah mơ ước rằng tất cả các cô gái theo học ở trường sẽ trở thành những nhà lãnh đạo châu Phi trong tương lai.
Có thể nói, thời thơ ấu đầy gian khó của Oprah đã giúp bà trở thành một người mạnh mẽ và thành đạt như hiện tại. Khi nhớ lại, bà thường nói rằng bà không muốn đứa trẻ nào phải chịu những điều khủng khiếp như bà đã trải qua.
Oprah Winfrey sinh ngày 29/1/1954, là con gái đầu lòng của một cặp vợ chồng tuổi vị thành niên không kết hôn ở Kosciusko, bang Mississippi. Oprah sinh trưởng trong một gia đình theo dòng phái Baptist có mẹ là Vernita Lee và cha là Vernon Winfrey.
Cha mẹ của bà đã phải trải qua thời gian vô cùng cực khổ để xác định điều gì sẽ xảy đến với họ và làm thế nào để nuôi dạy Oprah, khi đó còn đang ẵm ngửa. Kết quả là, Oprah phải chuyển đến sống cùng bà nội cho đến năm 6 tuổi, khi bà nội qua đời. Sau cái chết của người bà đáng kính, Oprah chuyển về sống cùng mẹ và 3 người em cùng mẹ khác cha. Họ cùng nhau sống ở khu ổ chuột ở Milwaukee, bang Winconsin.
Trong thời gian sống với mẹ, Oprah đã bị lạm dụng ở tuổi lên 9 bởi những người họ hàng gần gũi mà gia đình bà luôn tin tưởng. Bị khủng hoảng bởi những sự kiện không may liên tiếp, Oprah đã phải trải qua thời kỳ vị thành niên cực kỳ khó khăn. Bà không còn nhớ mình đã cố trốn khỏi nhà bao nhiêu lần. Bà trở nên ngang bướng và hay đòi hỏi hơn, bà sẵn sàng đập nát kính để mẹ phải mua cho mình một chiếc kính mới đẹp hơn, phong cách hơn.
Tuy nhiên, thảm họa thực sự đến khi Oprah mang thai ở tuổi 14. Đáng buồn thay, đứa bé đã chết ngay sau khi sinh. Không thể chịu được sự nổi loạn của Oprah, mẹ bà buộc phải đưa bà về sống cùng cha ruột ở Nashville, Tennessee. Người cha khắt khe hơn rất nhiều so với mẹ Oprah. Ông bắt con gái học thuộc 5 từ vựng mỗi ngày nếu không sẽ không cho bà ăn tối. Tuy nhiên, đây lại là bước ngoặt quan trọng cho cuộc đời Oprah, bởi từ thời điểm này bà gặt hái được không ít thành công.
Chặng đường đi đến thành công
Khi được chuyển đến học ở trường trung học Nashville, Oprah nhanh chóng bộc lộ tài năng và trở thành một trong những học sinh xuất sắc nhất. Bà trở thành học sinh được vinh danh của trường và được bạn bè bầu chọn là cô gái nổi tiếng nhất. Thành tích học tập của Oprah cũng vô cùng đáng nể.
Bà tham gia nhóm diễn thuyết của nhà trường và giành giải nhì trong cuộc thi quốc gia. Thời điểm này, Oprah đã hội tụ đủ phẩm chất để trở thành một diễn giả kiệt xuất, và bà không khó để giành học bổng của Đại học Tennessee.
Kể từ khi đặt chân vào đại học, Oprah bắt đầu trở thành người nổi tiếng như được biết đến ngày hôm nay. Năm thứ nhất Đại học Tennessee, Oprah trở thành Hoa hậu da màu của trường Nasville, đồng thời là Hoa khôi Da màu của bang Tennessee. Với sự nổi tiếng cùng nền tảng diễn thuyết tuyệt vời, Oprah đã trở thành phụ nữ da màu đầu tiên giành được công việc trên truyền hình ở tuổi 19.
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1976 với bằng cử nhân truyền thông, Oprah đã bước tiếp cuộc sống của mình bằng cách trở thành phóng viên truyền hình ở nước ngoài. Nơi đầu tiên bà tác nghiệp là ở Baltimore. Sau đó bà được tuyển dụng vào một chương trình trò chuyện trên truyền hình của địa phương, mang tên People Are Talking (Mọi người cùng trò chuyện). Cũng trong thời gian này, bà trở thành chủ của chương trình trò chơi Dialing for Dollars (Quay số nhận USD).
Sau khi làm việc tại một số doanh nghiệp địa phương ở Baltimore, Oprah Winfrey trở thành phóng viên truyền hình trưởng của đài AM Chicago. Bằng năng lực của mình, Oprah đã biến AM Chicago từ một đài bị khán giả truyền hình đánh giá kém trở thành chương trình truyền hình ăn khách nhất ở Chicago.
Năm 1985, nhờ danh tiếng của chương trình này, các nhà điều hành quyết định đổi tên nó thành Oprah Winfrey Show. Trong năm tiếp theo, chương trình được phát sóng trên toàn quốc và trở thành chương trình ăn khách số 1 tại Mỹ. Giờ Oprah Winfrey đã hoàn toàn trở thành nữ hoàng truyền thông như ngày nay.
Với thành công của mình, Oprah đã xây dựng một câu lạc bộ sách của riêng mình, cùng 1 tạp chí mang tên "O" Magazine cũng như sở hữu cho riêng mình một chương trình trò chuyện trên truyền hình.
Dù ở đỉnh cao thành công, song Oprah luôn tâm niệm sẽ đem thành công đó chia sẻ với những người nghèo khó. Bà tìm đến quỹ Nelson Mandela và Christmas Kindness’,chuyên dành cho các em nhỏ bị thiệt thòi. Bà nói rằng, giúp đỡ những đứa trẻ bất hạnh đó giúp bà vơi đi nỗi đau thời thơ ấu.
Oprah cũng quyên góp cho nhiều tổ chức từ thiện khác như Moorehouse College, Thư viện Harold Washington, Quỹ United Negro College, Quỹ đại học bang Tennessee cùng nhiều quỹ khác. Đây cũng đánh dấu bước khởi đầu trong các hoạt động từ thiện sau này của Oprah.
Khi nói về Oprah Winfrey, tổng biên tập tạp chí Seventeen, ông Atoosa Rubenstein, nói: "Oprah là mẫu người khi đã thành công thì sẽ chia sẻ nó với những người cần nó nhất quanh mình. Đó là lý do vì sao cô ấy là một người hùng trong mắt tôi và tất cả mọi người, một hình mẫu vĩ đại".