Lòng đố kỵTrong tình bạn, sự đố kỵ, ghen ghét luôn là kẻ thù xuất hiện thường xuyên nhất. Nhưng cũng dễ dàng trừ bỏ nhất nếu đố kỵ ở mặt tốt. Như thế là sao nhỉ? Điều gì cũng có hai mặt của nó, lòng đố kỵ cũng vậy. Nếu bạn đố kỵ với bạn của mình những điều mà bạn chưa có và phấn đấu để có được những điều đó bằng chính năng lực và cố gắng từng ngày thì “kẻ thù” đố kỵ sẽ nhanh chóng bị loại bỏ, thay bằng sự vươn lên, chiến thắng chính bản thân mình.
Đừng để kẻ thù lớn lên! Khi bạn đố kỵ không-đúng, chẳng hạn nảy sinh ý nghĩ muốn cướp của người khác những thứ mình không có, muốn đạp người khác xuống để khẳng định mình… Lúc ấy, kẻ thù sẽ được nuôi dưỡng bởi chính bạn và dĩ nhiên, tình bạn của bạn không còn tồn tại được nữa, sẽ bị lòng đố kỵ sai trái gặm nhấm cho đến khi bạn kịp nhận ra thì tình bạn đã mất hoàn toàn.
Sự phản bộiTừ bỏ những thứ không tốt và chọn những thứ tốt hơn là điều nên làm. Nhưng trong tình bạn, nếu bạn chọn cách từ bỏ kiểu này với một người bạn thì khi ấy, bạn đã vô tình để “kẻ thù” – sự phản bội chào đời. Trong tình bạn, nếu đã chấp nhận một người-bình-thường trở thành bạn của mình, đồng nghĩa với việc phải tôn trọng và yêu quý nhau chân thành. Bạn không phải là chiếc áo, vừa thì mặc, không thì đi chọn áo khác. Thế nên, chấp nhận những điều tồn tại ở một người – dù tốt hay xấu và giúp người đó khắc phục những điểm xấu, chúng ta mới có thể cùng nhau tiêu diệt “kẻ thù” trong tình bạn.
Sự lợi dụng
Có những thứ làm đòn bẩy để giúp ta thành công trong cuộc sống nếu ta biết sử dụng nó một cách hiệu quả. Nhưng đừng bao giờ biến một người bạn trở thành đòn bẩy để bạn đạt được những điều mình muốn. Sự lợi dụng luôn vô tình là kẻ thù ẩn náu trong tình bạn mà có những đôi bạn không hề biết. Nó len lỏi từng giờ trong cuộc sống và chỉ cần bạn vô tâm, tình bạn sẽ bị nhiễm thứ virus khó diệt này.
Mặt khác, nó còn đem lại những tác hại vô cùng xấu cho chính bản thân bạn. Sự lợi dụng khiến bạn dần trở nên hèn nhát, muốn phụ thuộc vào thứ gì đó để sống – sống bám. Người ngồi bên cạnh học giỏi, bạn sẽ không chịu học bài vì đã lợi dụng được cái giỏi của người kia, hậu quả là thi cuối kì đầu óc rỗng tuếch. Đi chơi với bạn không phải bỏ tiền túi vì bạn của bạn khá giàu, nhưng đến một lúc nào đó, không còn người bạn đó, bạn sẽ bứt rứt với thói quen “xài ké” của người khác. Thế nên, đừng lợi dụng một người nếu bạn coi đó là “bạn” của mình.
Sự nghi ngờ
Nghi ngờ là “kẻ thù” giết chết tình bạn dần dần, từ từ mà chúng ta không hề cảm nhận được một cách rõ ràng. Sự nghi ngờ luôn khiến “chuyện bé xé ra to”, rồi gây ra những vết xước trong tình cảm bạn bè… kết quả là tình bạn rạn nứt lúc nào không hay. Nếu nhớ rằng, trong tình bạn, một khi đã tin thì bạn mình làm sai thì vẫn cứ tin đó chỉ là sai lầm nhỏ và hãy giúp bạn sửa chữa những lỗi lầm đó, mọi thứ sẽ ổn thôi. Nhưng nếu bạn đem kẻ thù vào cuộc, người bạn kia sẽ chẳng bao giờ nhận ra lỗi sai thật sự và cũng không thể sửa được. Đừng nuôi dưỡng “Kẻ thù” trong tình bạn bằng sự nghi ngờ.
Ích kỷTrong tình bạn, khi hai con tim thiếu sự đồng điệu, không chịu hiểu cho nhau, không chấp nhận những điều khác biệt với mình tồn tại ở bạn bè thì “kẻ thù” ích kỷ sẽ lên ngôi. Ích kỷ bao gồm cả về vật chất lẫn tinh thần. Một kẻ thù dễ dàng nhìn thấy và khó loại trừ nếu cả hai không cố gắng thay đổi để hòa hợp với nhau.
Tình yêu
Đừng vội ngạc nhiên vì “kẻ thù” này. Bởi đây là kẻ thù nguy hiểm nhất đối với tình bạn nếu chúng ta không biết cách cân bằng. Có rất nhiều người khi yêu rồi thì coi tình yêu lad nhất, sẵn sàng bỏ mọi thứ kể cả tình bạn, tình thân. Và cũng có rất nhiều tình bạn chuyển qua tình yêu một cách dễ dàng, nhưng từ tình yêu để chuyển lại thành bạn khi đã hết yêu là điều vô-cùng-khó. Thế nên, hãy biết cách cân bằng giữa tình yêu và tình bạn để kẻ thù này không “lấn sân”, để rồi một ngày nào đó, khi “kẻ thù” không còn, bạn mới nhận ra mình đã đánh mất luôn tình bạn lúc nào không hay.
“Yêu bằng trái tim, nhưng đừng đánh mất tình bạn chỉ vì quên dùng lý trí để yêu.”