Giới trẻ nói gì về những tin nhắn spam trong ngày Tết?

Quỳnh Trang, Theo Pháp luật xã hội 10:45 05/02/2014

Việc gửi tin nhắn chúc mừng lẫn nhau trong những ngày Tết đôi khi cũng cần sự tinh tế đấy bạn ạ!

Trong nhiều ngày lễ như ngày Giáng sinh, Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Đán..., với phần lớn người dùng điện thoại di động, nhất là các bạn trẻ thì đây là dịp họ nhận được khá nhiều các tin nhắn có nội dung giống hệt hoặc na ná nhau. Và cũng khá dễ dàng để nhận ra rằng những tin nhắn đó được gửi cho nhiều người. Đó thường là những hình ảnh rất đẹp mắt, những lời chúc hay ho nhưng đôi khi lại không phù hợp với người nhận tin.

Lý giải của người gửi tin

Đa số họ muốn gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đối với mọi người vào các ngày lễ quan trọng, nhưng vì không có nhiều thời gian và cũng chẳng - biết - chúc - gì, nên họ chọn đại 1 tin nhắn hay hay mà mới sưu tập được cũng là vừa được người khác gửi cho mình để gửi cho tất cả địa chỉ liên lạc thuộc danh sách bạn bè trong điện thoại của mình.

Mình gửi những tin nhắn spam chúc lễ, Tết từ khi mới sử dụng điện thoại, và cho đến tận bây giờ vẫn duy trì. Với những người thật sự thân thiết thì mình sẽ chúc riêng những tin nhắn khác nhau. Còn với mối quan hệ xã giao, vì mình không có nhiều thời gian và cũng không thực sự thân thiết với họ nên mình gửi những tin spam, chỉ để giữ mối quan hệ thôi. Dù những tin nhắn spam đó không làm mình thân thiết hơn với họ, nhưng chí ít mình muốn cho họ hiểu rằng, mình vẫn nhớ đến họ trong những dịp Lễ Tết này” - Huy Thanh (21 tuổi) chia sẻ.

Giới trẻ nói gì về những tin nhắn spam trong ngày Tết? 1

Giới trẻ nói gì về những tin nhắn spam trong ngày Tết? 2

Giới trẻ nói gì về những tin nhắn spam trong ngày Tết? 3

“Mình có gửi những tin nhắn spam nhưng chỉ chúc Tết, lúc thừa tin nhắn hoặc rảnh rỗi thì mới gửi thôi. Thực ra mình không nghĩ là họ sẽ đọc hết tin nhắn của mình, nhưng mà gửi cho có lệ vì người ta cũng gửi cho mình như vậy mà.” - Kim Hằng (21 tuổi) nói.

Tớ đã từng gửi tin nhắn spam cho tất cả mọi người vào những dịp Lễ Tết, nhưng có vẻ những người nhận được, họ cũng chẳng mặn mà gì với tin nhắn của tớ nên tớ không spam nhiều nữa.” – Tuấn Minh (22 tuổi) nói.

Người nhận được tin nhắn nói gì?

Trong những thời kỳ đầu, những tin nhắn kiểu này được đón nhận khá nhiều trong giới trẻ. Việc gửi tin nhắn được xem là một hành động thể hiện tình cảm, sự quan tâm của mọi người với nhau.

“Vào những dịp như lễ Giáng sinh, 8/3, 20/10, hay Tết Nguyên Đán, mình rất vui vì nhận được rất nhiều tin nhắn của bạn bè, đây cũng là dịp để mọi người liên lạc với nhau, quan tâm nhau nhiều hơn.”  Xuân Thanh (19 tuổi) cho biết.

Tuy nhiên, càng về sau này, những tin nhắn spam càng trở nên nhạt nhẽo, vô vị và gần như chẳng còn mang nhiều ý nghĩa nữa với cả người nhận và người gửi. Do tin nhắn này được gửi cho cả danh sách, nhiều người nhận không tìm thấy được bản thân họ trong những tin nhắn đó và nghĩ đơn giản rằng họ chúc ai khác, chứ không phải chúc mình, và phần nhiều chúng đều khá giống nhau về cả nội dung và hình thức nên nhiều người dùng điện thoại di động đang từ chối đọc những tin nhắn kiểu này.

Giới trẻ nói gì về những tin nhắn spam trong ngày Tết? 4

“Trong những dịp lễ, Tết, mình nhận được khá nhiều các tin nhắn spam và thường không nhắn lại. Mình nghĩ rằng người ta không chủ đích nhắn cho mình mà cho đồng loạt người nên cảm thấy người ta không mong chờ mình "phải" nhắn lại. Mình nghĩ thế. Nên cảm thấy mình không cần thiết phải nhắn lại.” - An Trang (21 tuổi) chia sẻ.

Còn bạn Kim Hoa thì cho biết: “Khi nhận được những tin nhắn như vậy, mình cảm thấy không được tôn trọng.

Phần lớn các bạn trẻ khi được hỏi đều không mấy mặn mà với những tin nhắn spam, vậy nên việc đọc hay là hồi âm lại những tin nhắn này ngày càng trở nên khó khăn. Ngọc Anh (21 tuổi) nói: “Mình thường là không đọc, vì cũng biết quá rõ về phần nội dung, nếu có thời gian mình sẽ gửi lời cảm ơn, hoặc nếu bận thì mình sẽ không hồi âm gì cả, có vẻ như người gửi cũng không chờ đợi gì hồi âm.”

“Với những tin nhắn spam mình có thể không hồi âm, nhưng với những tin nhắn riêng cho mình, thì nhất định mình sẽ nhắn lại, đơn giản vì mình cảm thấy họ thực sự quan tâm đến mình.” Thu Uyên (22 tuổi) chia sẻ.

Và nhiều hệ lụy liên quan đến tin nhắn spam

Sự phát triển mạnh của tin nhắn spam trong dịp lễ, Tết đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Khôi (22 tuổi) vẫn còn nhớ vào dịp 20/10 năm ngoái, cậu nhắn tin chúc mừng bạn gái bằng 1 tin nhắn gửi tất cả con gái trong list, kết quả là bạn gái cậu giận và không nói chuyện với Khôi trong mấy ngày liền. 

Sự bất cẩn trong những tin nhắn spam cũng gây ra hậu quả khi những tin nhắn ấy bị gửi nhầm đến thầy cô giáo, hoặc bố mẹ nhưng trong nội dung lại có từ “em” hoặc “anh”.