Giật mình chứng kiến những ca tự tử ở BV Bạch Mai

Nhuggie; Ảnh: Kiên Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 30/03/2013

Một ngày trong trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi không khỏi xót xa trước hình ảnh những bạn trẻ trong một phút dại dột, bốc đồng, đã chọn tìm đến cái chết.

Một lời nói không vừa lòng, một hành động nhỏ gây hiểu lầm hoặc đôi khi chỉ là thể hiện cái tôi, không ít bạn trẻ sẵn sàng tử tự xem đó là cách để trả thù, hoặc với suy nghĩ đơn giản rằng cái chết của mình sẽ khiến người liên đới phải hối hận.

Trung tâm Chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai trung bình mỗi tuần nhận 3-5 ca tự tử của các bệnh nhân ở tuổi đời 13-23. Theo Tiến sĩ, bác sỹ Hà Trần Hưng, người trực tiếp tiếp nhận và điều trị các ca tự tử do uống các chất độc hại ở Trung tâm thì các bệnh nhân tuy tuổi đời trẻ nhưng cách tự tử thì khá liều lĩnh và hành động mạnh tay. Có nhiều bệnh nhân trẻ là học sinh nhưng trên cổ tay, chân có nhiều vết dao cứa “hành xác”, đến khi tử tự bằng thuốc ngủ, trên cổ tay vẫn có nhiều vết cắt mới, tuy các vết cắt không sâu nhưng chi chít, khiến người lớn nhìn vào không khỏi bàng hoàng. Cũng theo Tiến sỹ Hưng, bệnh nhân trẻ tự tử thường uống thuốc ngủ/trừ sâu/thuốc diệt côn trùng… với liều lượng khá mạnh, nên khi điều trị rất phức tạp và dễ gây nhiều ảnh hưởng ngầm đến sức khỏe và tâm thần. 

Nhập viện tối ngày 25 vừa qua trong tình trạng người tím tái, sùi bọt mép và bất tỉnh, hiện bệnh nhân Nguyễn Hữu T. (SN 1995) ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã qua cơn nguy kịch sau khi uống thuốc diệt chuột tự tử. Chúng tôi đến gặp T. trong tình trạng môi của em vẫn đang thâm tái, mắt lờ đờ nhìn mẹ của mình là chị Lê Thị H. (SN 1972) rớt nước mắt gọi điện cho người thân về tình trạng của con trai.

Con trai nằm trên giường bệnh, còn chị H. phải trải chiếu nằm dưới hành lang hẹp ngoài phòng bệnh để trực con. Ở hành lang nhiều muỗi và ẩm thấp, chị ngồi co rúm lại một góc nói câu được câu mất về chuyện của con trai mình. Chỉ vì câu nói nặng lời của bố trong lúc nóng nảy, khi trong nhà không có ai, T. đã uống thuốc diệt chuột tự tử. Giờ đây không những lo cho sức khỏe những ngày sắp tới của con, mà chị H. còn phải lo tiền viện phí, điều trị. Chồng của chị sau khi xảy ra cãi vã với con trai chiều ngày 25 vừa qua đã lên xe tải đi chở hàng xa, đến bây giờ chưa về kịp để lo liệu cùng chị. Gọi điện cho chồng, chị mệt mỏi nức nở rồi cả hai tức tưởi cãi nhau vì thương và giận con. Giờ nhìn con trai đang trong tình trạng tụt huyết áp liên tục, người chị run run. Đưa con trai lên bệnh viện Bạch Mai chữa trị, chị đã phải mượn tiền nhiều nơi, những ngày sắp tới, chị vẫn chưa xoay xở ra tiền. 

Giật mình chứng kiến những ca tự tử ở BV Bạch Mai  1
Chị H. nằm hành lang trực con điều trị

Còn bệnh nhân Lê Hương D. (SN 1995), quê ở Bắc Ninh tự tử chỉ vì cô giáo khiển trách D. sử dụng điện thoại trong giờ học. D. là học sinh ngoan, học lực tốt nhưng bị giáo viên nhắc nhở môn mình học kém nhất giữa lớp, cảm thấy xấu hổ, tính tự ái trỗi dậy khiến D. nghĩ đến tự tử để trả thù cô. Trong thoáng bồng bột nhất thời của mình, D. đã uống một lượng lớn thuốc ngủ và hôn mê ngay sau đó. Bố mẹ phát hiện đã đưa D. đi cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng, rất may D. đã được cứu chữa kịp thời.  

Bố của D. khi kể lại với chúng tôi tỏ ra bình tĩnh khi nói về tình trạng của con gái mình, nhưng mỗi lần con gái đưa tay lên bụm miệng để ho, nhìn khuôn mặt con tái nhợt, anh lại run run nhìn con. Đêm đầu tiên con nhập viện, anh đã thức trắng đêm, đến giờ, một mình anh ở bệnh viện lo cho con gái từ việc ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh. 

Giật mình chứng kiến những ca tự tử ở BV Bạch Mai  2
Bác sĩ xem lại tình trạng của D. sau 3 ngày nhập viện

Giật mình chứng kiến những ca tự tử ở BV Bạch Mai  3
Bố của D. 

Còn Bùi Ngọc Q. (SN 1995) ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng nhập viện trong tình trạng bất tỉnh và sặc phổi do uống thuốc trừ sâu liều lớn. Đưa Q. vào viện cấp cứu là chị gái của Q, chị gái Q. không dám báo cho bố mẹ biết chuyện vì nguyên nhân tự tử của em gái mình là bị người yêu chia tay. Đến 2 ngày sau, khi số tiền điều trị vượt quá mức chi trả của chị D., chị mới gọi bố mẹ đến. Lúc này, người bố nóng tính đã đánh con ngay ở bệnh viện vì tự tử với lý do không đáng. Tuy Q. đã qua cơn nguy kịch, nhưng tâm thần vẫn chưa ổn định. Nhìn con ăn được bao nhiêu là nôn ra bấy nhiêu, hai con mắt trắng bệch cùng cơ thể rệu rã, bố mẹ Q. không khỏi đau đớn. Được biết Q. đang đối diện với nguy cơ bị suy thận do nhiễm độc mạnh. 

Về mặt thể chất, khi bắt đầu mới vào điều trị, những bước điều trị như xổ ruột, lọc máu, truyền kháng sinh loại mạnh sẽ khiến sức khỏe bị hao đi rất nhanh. Những trường hợp cấp cứu kịp thời thì mức độ nguy hiểm sẽ giảm đi nhưng di chứng về sau thì tùy từng kháng thể của mỗi người, có người sẽ hồi phục hẳn, nhưng cũng có những người mà độc tố vẫn tiếp tục diễn tiến trong cơ thể. Việc nhiễm độc thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng có thể gây ra những triệu chứng nặng nề như sặc phổi, rối loạn nhịp... mà nếu như cấp cứu kịp cũng để lại những di chứng trên cơ thể. 

"Hầu hết các bệnh nhân khi vượt qua cơn nguy hiểm mới thấy hối hận với hành động trước đó của mình. Tuy nhiên cũng có rất nhiều người, không có cơ hội để mà hối hận nữa. Phải 40% các ca tự tử bằng hóa chất đều đã tử vong khi nhập viện. Người coi thường mạng sống của mình thường cũng là những người có kĩ năng sống chưa cao nếu như không muốn nói là kém, vì thế họ mới dễ dàng nghĩ đến cái chết. Đổ lỗi cho tuổi trẻ bồng bột có lẽ cái cớ, là lý do từ ngày xưa khi nhận thức con người chưa cao mà thôi. Ngày nay cuộc sống cởi mở hơn, nếu có việc gì gây sức ép cho bản thân, các bạn hãy nghĩ rộng hơn là tìm đến cái chết một cách yếu đuối và hèn hạ. Rất mong rằng các bạn trẻ nên tỉnh táo hơn để nhận ra rằng mạng sống quý giá mà hằng ngày, hàng triệu triệu các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, ung thư phải đấu tranh đau đớn với Tử thần để giữ được mạng sống. Và vì một thực tế đã rõ ràng, cái chết không giải quyết được chuyện gì cả." - Tiến sỹ, bác sỹ Hà Trần Hưng nói.

Sự bồng bột của tuổi trẻ rồi sẽ qua đi, nỗi ân hận rồi cũng có thể sẽ xóa nhòa nhưng những tổn thương trong lòng cha mẹ, gia đình là những vết cắt không bao giờ lành được. Khó có gì có thể xoa dịu được nỗi đau khi biết đứa con mình sinh ra, chăm sóc, nuôi dạy từ nhỏ đến lúc lớn lên lại ruồng bỏ cuộc sống một cách dại dột và dễ dãi. Các bác sĩ Trung tâm Chống độc đã kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện của một người cháu vì trách bà nội không cho tiền mà uống thuốc trừ sâu tự tử. Đau đớn đến bất lực trước hành động này của cháu đã khiến người bà ngoại khóc cạn nước mắt trong 2 ngày trách chính mình. Đến nay những giọt nước mắt của người bà ấy vẫn còn ám ảnh ở xung quanh các dãy phòng bệnh của Trung tâm chống độc... mà mỗi khi nhận các ca tự tử, các bác sĩ ở đây lại thấy tiếng khóc ấy văng vẳng đau đến thắt lòng. 

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.