Không chọn con đường bình thường như bao bạn bè khác, đó chính là vào đại học rồi dần dần lập nghiệp. Ngược lại, chàng trai Đỗ Viết Tuấn (quê Thanh Hóa) đã "bước đi" sớm hơn, khi dám từ bỏ con đường trở thành luật sư tương lai để tự lập một kênh handmade trên Youtube suốt gần 1 năm qua. Tất nhiên, con đường này của Tuấn không hề đơn giản như bản thân hay nhiều người lầm tưởng.
Profile Đỗ Viết Tuấn D.O.B: 24/12/1991 - Là thành viên của nhóm Góp Sáng với chương trình “Đọc sách miễn phí và Tủ sách trường em” - Thành viên chính thức và đầu tiên của CLB Xì Gòn Handmade, một trong những CLB đầu tiên tại HCM về Handamde của Việt Nam. - Là một trong hơn 100 bạn trẻ Việt Nam được tham gia khám phá nông trại Khoai Tây Ostar lớn nhất Việt Nam ở Đơn Dương – Lâm Đồng trong 3 ngày 2 đêm. - Tham gia từ thiện thường xuyên ở các mái ấm Tam Bình (Thủ Đức) Thiên Phúc (Củ Chi) và một số nơi khác. - Tổ chức thành công chương trình "Give a teddy bear- Save a Child" Chương trình quyên góp thú bông cũ, rách và bỏ đi được tái chế lại để bán đấu giá gây quỹ phẫu thuật cho các bé bị sứt môi hở hàm ếch. Tổng kết lại chương trình đã quyên được 60.936.638 đồng. Cứu 12 em. - Học bổng kỹ năng mềm và thuyết trình do Phat Thien training tổ chức. - Học bổng FPT Arenna tại cuộc thi Dạ Tiệc Sắc Màu do báo Mực Tím tổ chức - Giải Nhất cuộc thi Ideas Boom - Tìm kiếm ý tưởng kinh doanh của Sife Hoa Sen (Cuộc thi do trường Đại Học Hoa Sen – CLB Khởi Nghiệp và Phat Thien training) với ý tưởng “Tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật bằng các sản phẩm tái chế và handmade”. - Giải bài viết xuất sắc cuộc thi “Bố mẹ ơi! Con muốn nói” của Thái Hà Books. - Giải khuyến khích cuộc thi Clip “Cùng hát tiến quân ca Việt Nam” |
Chàng trai trẻ bỏ học, bỏ nhà với chiếc ba lô du lịch bụi
Chào Tuấn, cuộc sống trước khi vào Sài Gòn lập nghiệp của Tuấn như thế nào?
Tuấn vốn là con trai trưởng trong gia đình, nên cuộc sống trước đây khá ấm cúng và thoải mái. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Tuấn được bố mẹ chọn vào trường Đại học Luật Hà Nội, với dự định sau này sẽ mở văn phòng luật sư riêng. Nên nói chung trước đây mọi thứ của Tuấn như ăn uống, học hành,... cái gì cũng được bố mẹ lo tất, chẳng cần phải động tay hay suy nghĩ gì.
Hẳn đó là một cuộc sống hoàn hảo mà biết bao nhiêu người mơ ước Tuấn nhỉ?
Tuấn đồng ý với bạn quan niệm đó, nhưng cũng chính vì quá "hoàn hảo" mới khiến mình cảm thấy... nặng nề. Tuấn luôn có cảm giác là mọi thứ cái gì cũng phải làm cho thật tốt, vì đằng sau nó là cả sự mong đợi và kỳ vọng của gia đình. Bởi vậy, chẳng biết từ lúc nào mà Tuấn mới nhận ra rằng bản thân mình đã quên mất còn rất nhiều thứ chưa làm, và đáng phải theo đuổi.
Nhiều đêm Tuấn cứ tự hỏi là mình phải làm gì, cuộc sống sau này sẽ ra sao khi cái gì cũng "hoàn hảo"? Nghề luật sư liệu có phù hợp với mình hay không? Thế là trong lần suy nghĩ đó, Tuấn quyết định bỏ lại tất cả, để đến một nơi khác "tìm lại ước mơ của riêng mình".
Chàng trai này bỏ lại mọi thứ để lên đường lập nghiệp từ năm 19 tuổi.
Đó chính là nguyên nhân khiến Tuấn bắt đầu với cuộc sống ở Sài Gòn như hiện nay?
Đúng rồi! Tuấn quyết liều một phen, bỏ nhà ra đi với duy nhất một cái ba lô dạng du lịch, cùng 5 triệu đồng tiền dành dụm bấy lâu nay rồi phi thẳng vào Sài Gòn mà chẳng suy nghĩ gì nhiều. Liều quá phải không (cười)!? Giờ Tuấn nghĩ lại cũng chẳng hiểu ngày xưa do tuổi trẻ bồng bột, hay nổi máu liều thật mà lại dám bỏ đi như vậy.
Vào tới Sài Gòn, Tuấn bắt đầu lang thang khắp nơi mà trong đầu chẳng nghĩ gì. Tiếp đó, Tuấn thuê một cái nhà nhỏ nhỏ ở quận 7 với giá 700 nghìn/tháng, rồi tiếp tục lang thang tìm việc làm. Cuối cùng, công việc đầu tiên của Tuấn ở nơi đất khách quê người này là phục vụ cho một cửa hàng Pizza ở quận 1.
Khoảng thời gian này đối với Tuấn là khó khăn trăm bề. Do thói được nuông chiều từ bé, đâm ra mắc tính tiêu pha lãng phí, 5 triệu mà Tuấn mang theo chỉ chưa đầy 2 tháng là hết sạch. Rỗng túi, Tuấn không dám đi xe ôm, còn xe buýt thì tới 12h đêm mới tan ca thì cũng chẳng còn chạy. Nên Tuấn đành cuốc bộ từ Đề Thám - quận 1 về Trần Xuân Soạn - quận 7, đến 2 - 3 giờ sáng mới về được tới nhà. Suốt mấy tháng trời cứ như thế khiến Tuấn sụt đi gần chục cân.
Thế làm sao để Tuấn vượt qua khoảng thời gian ấy?
Nhiều lúc Tuấn thấy mệt, cuộc sống sao mà khó khăn quá, không như những gì mình tưởng nên rất muốn về nhà. Nhưng rồi vì cái bệnh sĩ diện, sợ về bố mẹ lại khi dễ mình hơn, bảo chẳng bao giờ lớn được nên đành ngậm ngùi tiếp tục sống. Tự Tuấn lập ra những mục tiêu mà mình cần hướng tới, làm quen với cuộc sống tự lập và sửa thói tiêu tiền phung phí.
Tuấn có một kỷ niệm hay kể với bạn bè là ngày xưa coi phim Bỗng dưng muốn khóc, thấy nhân vật Trúc nói một câu: "Kiếm được đồng tiền rất khó, nên muốn mua cái gì cũng phải suy nghĩ". Lúc còn ở nhà nghe câu này nó mới bình thường gì đâu, giờ nghĩ lại Tuấn mới tâm đắc và thấm cái câu này ghê. Tới nỗi giờ đi mua một cái khăn với giá 7 nghìn và 1 cái với giá 14 nghìn Tuấn cũng đắn đo, chọn lựa.
Sau một năm lập nghiệp đã trở thành ông chủ
Thế bây giờ Tuấn có gì để đáng tự hào về bản thân và không hối tiếc về việc bỏ nhà ra đi?
Tự hào về bản thân thì chưa, nhưng còn để Tuấn lấp đi sự hối tiếc về cái quyết định bất chợt của ngày xưa thì cũng có.
Hồi tháng 2 năm ngoái, Tuấn đã cho ra mắt số đầu tiên của loạt chương trình handmade trên Youtube, và nhận được khá nhiều phản hồi tốt từ các bạn trẻ với tên gọi TV Show D.I.Y. Đến nay, Tuấn đã cho sản xuất hơn 5 số, phát định kỳ mỗi tháng 1 số khác nhau. Cùng nhiều chương trình khác như dạy mix trang phục, làm vòng hoa, cây thông Noel,... hay gặp gỡ các gương mặt đặc biệt trong thế giới Handmade.
Số giới thiệu cách làm cây thông Noel mà Tuấn thực hiện hồi Giáng sinh năm nay
Tuấn đến với công việc này như thế nào? Tại sao lại là handmade?
Trong một lần tình cờ xem chương trình dạy handmade trên VTV, Tuấn đã hoàn toàn ấn tượng về nó. Một công việc có thể tận dụng mọi thứ quanh cuộc sống của mình để cho ra nhiều sản phẩm đẹp mắt. Thế là Tuấn bắt đầu làm rồi đam mê.
Tuấn thường hay lên mạng tham khảo thêm tư liệu, rồi giao lưu, gặp gỡ với các bạn trong thế giới handmade. Cũng từ đó mà ý tưởng cho ra đời một chương trình hướng dẫn cho các bạn trẻ biết làm nhiều thứ từ sản phẩm tái chế của Tuấn ra đời. Với lại hiện nay thể loại này chưa có nhiều ở Việt Nam.
Sau đó Tuấn đi mời những người bạn của mình, rồi lập ra một đội sản xuất. Nội dung, kịch bản, tìm kiếm nguyên vật liệu mọi người trong nhóm phân chia đều việc cho nhau. Đến cả quay phim, dựng clip cũng là do các bạn của Tuấn giúp đỡ, chủ yếu là mọi người muốn học hỏi kinh nghiệm. Thời gian này khó khăn nhất vẫn là kinh phí, nhóm hoạt động theo kiểu "ai có gạo góp gạo, ai có muối góp muối", chật vật một chút nhưng các bạn ai cũng thấy vui.
Ngoài sản xuất các chương trình dạy handmade, Tuấn còn cho ra rất nhiều show gặp gỡ, trò chuyện với các nhân vật đặc biệt trong thế giới đồ tự chế này.
Một ảnh hậu trường của Tuấn.
Các sản phầm Tuấn tự tay làm
Một trong những số mà Tuấn ưng ý.
Sau 5 - 6 tháng, nhóm của Tuấn có đông thành viên hơn nhờ sự cổ vũ của mọi người sau khi xem xong chương trình. Đến giờ, Tuấn có rất nhiều cộng tác viên ở cả 3 miền, mọi người cứ đóng góp ý tưởng, bài vở để Tuấn cho vào chương trình.
Ngoài ra, Tuấn còn tự mở một lớp dạy handmade ở các quán cà phê vào mỗi tháng để kiếm thêm thu nhập. Bây giờ Tuấn có thể kiếm mỗi tháng được hơn chục triệu để trả cho các bạn. Đặc biệt hơn là cách đây không lâu, dự án này của Tuấn đã được một công ty đồng ý đưa vốn đầu tư. Nên mình đã có thể phát triển nó về lâu về dài, và hứa hẹn nhiều thành công khác đang đợi ở phía trước.
Bố mẹ của Tuấn có biết bạn đã thành công?
Suốt 2 năm qua, kể từ khi Tuấn bỏ nhà ra đi đến giờ mình chỉ mới về nhà được có 1 lần. Tuấn cũng có nói sơ với bố mẹ, nên hiện tại họ không còn gây sức ép gì cho mình nữa. Tuấn rất vui và cám ơn bố mẹ về điều này. Tuấn cố gắng đến khi nào thành công và trưởng thành thì mới dám quay trở về. Mình không muốn gia đình phải cực nhọc và lo lắng cho mình nữa.
Tuấn hoàn toàn không hối tiếc gì về chuyện nhận được bằng hay không nhận được bằng. Tuấn cảm thấy mình hợp với cuộc sống như bây giờ hơn. Không tẻ nhạt, không biết trước được điều gì, và không bị ràng buộc chính là cuộc sống mà mình ao ước. Đối với Tuấn mà nói, học ở đời vẫn tốt hơn học ở trường.
Mặc dù không có bằng đại học trong tay, nhưng trước khi trụ lại với công việc handmade này, Tuấn vẫn được 3 công ty lớn khác gọi về làm cho họ mà không hề tốn một bộ hồ sơ xin việc nào. Quan trọng là phải biết thể hiện mình thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người cần đến mình.