Đôi khi, “không làm gì” mới là cách quản lý tài sản tốt nhất: Thực hiện được 4 “Không” để thấy tiền âm thầm đầy dần lên trong túi bạn!

Thuý Phương, Theo Nhịp sống kinh tế 10:49 15/01/2022

Các cố vấn tài chính đã đưa ra 4 điều mà ai cũng nên thực hiện để có thể tích lũy, tiền đầy dần lên trong túi. Trong quản lý tài sản, đôi khi, “không làm gì” mới là chiến lược tốt nhất.

Khi bạn lập kế hoạch tài chính cho năm mới, bên cạnh việc đặt ra những mục tiêu phấn đấu tiến bộ thì một việc quan trọng không kém đó là quyết định những điều gì không nên làm.

Trong quản lý tài sản, đôi khi, không làm gì là chiến lược tốt nhất. Các cố vấn tài chính đưa ra "khuyến nghị 4 không" mà ai cũng nên thực hiện như sau:

1. Không nên vội vã trả cả khoản vay lãi suất thấp

Khi lạm phát dự kiến ​​sẽ diễn biến khó lường trong khi tình hình đại dịch trên toàn cầu còn chưa hạ nhiệt, không có lý do gì để vội vàng trả một khoản vay lãi suất cố định.

Nhà lập kế hoạch tài chính có trụ sở tại Baltimore Elliot Pepper khuyến khích khách hàng của mình rằng: Nếu đã vay nợ, họ nên dùng tiền bạc vào các khoản đầu tư đem tới lợi nhuận hơn là tìm cách trả các khoản vay để tránh bị tính lãi suất.

Điều này đặc biệt đúng đối với những khách hàng gần đây đã tái cấp vốn cho các khoản vay của họ. Thay vì chi 10.000 đô la cho khoản vay 3%, Pebble đề xuất đầu tư vào một loạt trái phiếu tiết kiệm mới sẽ mang lại lợi nhuận hàng năm khoảng 7,12% cho đến tháng 4 năm 2022.

Ajay Kaisth, một nhà quản lý tài chính có trụ sở tại New Jersey, cũng tin rằng lợi nhuận sau thuế của các khoản đầu tư như vậy có khả năng cao hơn chi phí lãi vay của khoản vay.

Đôi khi, “không làm gì” mới là cách quản lý tài sản tốt nhất: Thực hiện được 4 “Không” để thấy tiền âm thầm đầy dần lên trong túi bạn! - Ảnh 1.

2. Tuyệt đối không lãng phí tiền bạc vì "khan hàng"

Người tiêu dùng thường thích đợi đến khi có giá đặc biệt mới bán để bán được giá hời, hoặc so sánh giá một chút rồi mới mua để tránh bị mua đắt. Nhưng trong thời đại chuỗi cung ứng thắt chặt, hàng hóa chậm trễ, giá cả biến động liên tục như hiện nay, ngày càng nhiều nhà bán lẻ thích sử dụng chiêu "hàng khan hiếm", "số lượng chỉ còn rất ít" để kích cầu.

Một số doanh nghiệp cũng tận dụng công cụ kỹ thuật số để gửi email hoặc tin nhắn văn bản tới cho những đối tượng mục tiêu cụ thể. Chẳng hạn, bạn sẽ biết được rằng, "bộ đồ ngủ mà bạn đang đặt trong giỏ hàng gần như đã được bán hết"!

Rất nhiều người tiêu dùng sẽ có tâm lý khao khát mua hàng mạnh mẽ hơn khi nhận thấy mặt hàng của mình đang ở trong tình trạng khan hiếm.

Do đó, các chuyên gia tài chính cho rằng, bí quyết để giữ tiền trong túi chính là đừng vội đặt hàng. Một số mặt hàng cụ thể có thể thực sự được bán hết, nhưng việc mua vội hoặc mua “đề phòng” có thể phá vỡ kế hoạch tài chính của bạn.

Nhà lập kế hoạch tài chính tại một công ty quản lý nợ thẻ tín dụng Bobbi Rebell cho biết: “Đúng là mọi thứ đều tăng, nhưng vào thời điểm này, bạn càng nên quản lý tài sản của mình cẩn thận hơn. Nếu không thể tìm kiếm một mức giá tốt thì chúng ta còn có thể tìm kiếm một giải pháp thay thế hợp lý hơn. Do đó, không việc gì phải vội vàng cả.”

Đôi khi, “không làm gì” mới là cách quản lý tài sản tốt nhất: Thực hiện được 4 “Không” để thấy tiền âm thầm đầy dần lên trong túi bạn! - Ảnh 2.

Tiền không tự dưng sinh ra hay mất đi mà cần quản lý quỹ tài chính cá nhân một cách hợp lý, tránh các quyết định vội vàng (Ảnh: Shutterstock)

3. Không cần theo dõi quá sát sao mọi chi phí của bạn

Kenny Senour, nhà lập kế hoạch tài chính có trụ sở tại Denver, cho rằng: Không cần phải theo dõi từng khoản chi tiêu mỗi tháng một cách quá chi tiết, bởi vì nó giống như một chế độ ăn kiêng giảm cân nhanh có vẻ hiệu quả nhưng rất khó kéo dài.

Ông gợi ý rằng, chúng ta chỉ nên phân chia các khoản thu chi một cách đơn giản. Chẳng hạn như, 60% dành cho khoản chi phí bắt buộc (tiền thuê nhà, mua nhu yếu phẩm…), 20% dành cho các khoản tiết kiệm, 20% dành cho đầu tư, học tập và những việc khác.

Kathryn Tuggle, tổng biên tập của HerMoney Media cho biết, cách hiệu quả nhất để tiết kiệm tiền chính là xác lập quỹ tiết kiệm ngay từ ngày đầu tiên bạn nhận được lương và các khoản thu nhập. Sau đó, số tiền còn lại sẽ được phân chia cho những khoản chi tiêu thích hợp.

Bà cũng kiến nghị rằng, để tích trữ khoản tiền tiết kiệm mà không tiêu “lẹm” vào đó, nên cất vào một quỹ nào đó, hoặc gửi ngân hàng với kỳ hạn ngắn vừa đủ (1 hoặc 2 tháng). Như vậy, bạn sẽ có ý thức rõ ràng hơn về số tiền mình có thể chi tiêu sau khi trừ đi quỹ tiết kiệm.

Nếu bạn vẫn muốn điều tiết chi tiêu cho việc giải trí của mình một cách chặt chẽ hơn, thì có thể cân nhắc sử dụng 2 tài khoản khác nhau. Một tài khoản chỉ để phục vụ cho nhu cầu giải trí, thư giãn cá nhân; một tài khoản khác chỉ dùng cho những nhu cầu sinh hoạt.

Đôi khi, “không làm gì” mới là cách quản lý tài sản tốt nhất: Thực hiện được 4 “Không” để thấy tiền âm thầm đầy dần lên trong túi bạn! - Ảnh 3.

Rất khó có thể theo dõi sát sao mọi chi tiêu cụ thể trong thời gian dài (Ảnh: Shutterstock)

4. Đừng rơi vào nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO)

Khi thị trường biến động nhanh chóng, có quá nhiều câu chuyện “phất nhanh chỉ sau 1 đêm”. Điều này khiến những người đứng ngoài cuộc chơi rơi vào tâm lý FOMO, rất sợ mình đang bỏ lỡ cơ hội mà mọi người xung quanh đều có.

Tuy nhiên, ở vào thời điểm này, chúng ta càng nên cẩn thận. Các nhà hoạch định tài chính cho biết việc nhảy vào đầu từ chỉ vì sợ bị bỏ lỡ thường kết thúc trong sự ảm đạm, để lại những bài học đau đớn.

Newhouse, một nhà hoạch định tài chính có trụ sở tại Arizona, yêu cầu khách hàng tuân theo một chiến lược đầu tư đã được thử nghiệm theo thời gian, thích hợp với tính cách của từng người.

Anh tin rằng, nếu bạn không thực sự hiểu biết về một điều gì đó mà đã lao vào đầu tư theo mọi người xung quanh thì sẽ chỉ lãng phí thời gian và tiền bạc mà thôi.

Nguồn: WSJ, Fortune.com