Wagashi vốn là nét văn hóa ẩm thực truyền thống và rất lâu đời ở Nhật Bản. Đây là tên gọi chung cho các loại bánh ngọt được làm chủ yếu từ bột gạo và thường được sử dụng ăn kèm trong các buổi tiệc trà của người Nhật. Mặc dù có rất nhiều loại Wagashi khác nhau, nhưng điểm chung nhất của các món bánh này là đều được trình bày rất đẹp mắt nên người Nhật lẫn các nước trên thế giới không chỉ đơn thuần xem đây là một món ăn mà còn là một đỉnh cao nghệ thuật độc đáo.
Theo nhiều tài liệu lịch sử ghi chép lại thì Wagashi xuất hiện rất sớm từ thời Yayoi (300 TCN – năm 300 SCN). Ban đầu, Wagashi có tên gọi là Kashi nhằm để chỉ các món bánh ngọt được dùng cho giới quý tộc và các gia đình giàu có. Và mãi đến thời Edo (1603 – 1867), tức là hơn 1300 năm sau thì Wagashi mới được phổ biến rộng rãi và phát triển thành một nghệ thuật ẩm thực vô cùng tinh tế và đặc sắc.
Do đó, khi nói về Wagashi thì người Nhật thường nghĩ đến "nghệ thuật của 5 giác quan" bởi từng chiếc bánh Wagashi được tạo ra đều có khả năng đánh thức 5 giác quan của người thưởng thức. Ngược lại, nếu muốn cảm nhận hết vị ngon tinh tế của món bánh truyền thống Wagashi thì người ăn cũng phải sử dụng hết các giác quan của mình như thị giác (nhìn ngắm), thính giác (nghe tên gọi), xúc giác (sờ cảm nhận), khướu giác (ngửi mùi hương), vị giác (ăn và cảm nhận).
Có rất nhiều loại Wagashi khác nhau chứ không hẳn chỉ là một loại bánh. Tuy nhiên, thành phần chính của wagashi vẫn thường có bột gạo, bột đậu đỏ và đường. Trong đó, thành phần đậu đỏ là rất quan trọng bởi đối với văn hóa Nhật Bản thì đậu đỏ có tác dụng xua đuổi ma quỷ, bệnh tật và là biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng.
Người Nhật Bản thường chia Wagashi theo tỉ lệ độ ẩm và có 3 loại Wagashi khác nhau. Nhóm Namagashi là nhóm bánh có độ ẩm trên 30%, trong đó Mochi là loại bánh điển hình và được nhiều người biết đến nhất. Ngoài ra, nhóm Namagashi còn có các loại bánh như: Gyuuhi , Nerikiri, Kimi shigure, Sakura mochi... Nhóm Hannamagashi là nhóm bánh có độ ẩm thấp hơn chỉ trong khoảng 10 – 30% với các tên gọi bánh như Youkan, Kingyoku, Monaka. Nhóm cuối cùng là Higashi là các loại bánh có độ ẩm dưới 10%, bao gồm Uchimono và Kakemono.
Cho dù có nhiều tên gọi khác nhau, độ ẩm khác nhau, cách trình bày cũng khác nhau nhưng nhìn chung thì các món Wagashi đều mang tính chất hòa hợp với thiên nhiên. Tức là những chiếc bánh Wagashi đều lấy chủ đề thiên nhiên, hoa cỏ, thời tiết làm chủ đạo.
Ví dụ như vào mùa thu, bạn rất dễ bắt gặp những chiếc bánh Wagashi có màu cam, đỏ và nhiều hình dạng mô phỏng lá phong. Vào mùa đông thì Wagashi thường có màu trắng như tuyết. Khi mùa xuân đến thì Wagashi đầy màu sắc với hình dạng nhiều loại hoa khác nhau, đặc biệt là hoa anh đào có màu hồng dịu ngọt, hoặc vào mùa hè thì món Wagashi dạng thạch lại được ưu tiên với mong muốn xoa dịu những ngày nắng nóng.
Do đó, khi đến Nhật Bản và thưởng thức các loại bánh Wagashi thì du khách nước ngoài không chỉ cảm nhận được vị ngon của bánh mà còn rất khâm phục bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ. Bởi để "điêu khắc" ra được những chiếc bánh Wagashi xinh xắn và tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhặt thế này thì người thợ đôi khi phải có quá trình rèn luyện 3 – 5 năm, hoặc thậm chí 10 năm mới nhuần nhuyễn được. Đó là lý do vì sao nhiều người không xem Wagashi là một món bánh tráng miệng mà xem đây như một đỉnh cao nghệ thuật ẩm thực của Nhật Bản bởi linh hồn và tinh hoa của đất nước mặt trời mọc dường như đều được gói gọn trong những chiếc bánh bé xíu, nhưng cực kỳ tinh tế này.
Nguồn: Asahiimports