Sổ phác thảo: Khởi đầu cho những kiệt tác của Van Gogh

Kachi, Theo 14:00 21/10/2013

Những quyển phác thảo là khởi thảo đầu tiên cho các kiệt tác nổi tiếng của Van Gogh, một kỷ vật hạnh phúc và cả cay đắng của một thiên tài nghệ thuật với những dự định còn dang dở.

Năm 1882, trong một lá thư gửi cho em trai, Vincent Van Gogh đã nhắc tới những phác thảo chưa công bố của mình như sản phẩm của những giây phút thăng hoa. Trong số 7 quyển phác thảo của Van Gogh tại Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam chỉ còn 4 quyển còn nguyên vẹn.

Được giáo dục để trở thành một tu sĩ nhưng ở tuổi 26, Van Gogh đã chuyển nhiệt thành tôn giáo sang lãnh địa nghệ thuật. Ông quyết định trở thành một nghệ sĩ và chọn hội họa như một món quà lưu niệm cho nhân loại. Từ công việc buôn bán tranh và truyền giáo, Van Gogh chuyển tới thị trấn nông thôn Nuenen sống với cha mẹ và cho ra đời những bức tranh đầu đời. Quyển phác thảo đầu tiên của Van Gogh có màu xanh Hoàng gia, bìa vân cẩm thạch. Phác thảo đầu tiên của ông vẽ cảnh một nhà thờ ở Nuenen. Hình ảnh của hai nhà thờ này còn xuất hiện trong "View of the Sea at Scheveningen" (1882) và "Congregation Leaving the Reformed Church at Nuenen" (1884). Hai bức tranh này lần lượt được mang tới bảo tàng Amsterdam nhưng đã bị đánh cắp vào năm 2002. Đến nay, người ta vẫn chưa lần ra tung tích của hai bức tranh cũng như những kẻ đã đánh cắp chúng. Thành ra, công chúng chỉ có thể mường tượng lại đường nét của hai kiệt tác này qua phác thảo còn lưu lại của Van Gogh.

Sổ phác thảo: Khởi đầu cho những kiệt tác của Van Gogh 1
Quyển phác thảo đầu tiên của Van Gogh

Sổ phác thảo: Khởi đầu cho những kiệt tác của Van Gogh 2
Congregation Leaving the Reformed Church at Nuenen (1884)

Nếu quyển phác thảo đầu tiên của Van Gogh được lấp đầy các bản vẽ con người, địa điểm và cuộc sống ở vùng nông thôn Nuenen thì quyển phác thảo thứ hai, với bìa màu đen tiếp tục có những phác thảo của Nuenen và Antwerp, nơi Van Gogh chuyển tới vào tháng 11/1885. Tại đây, ông đã phát triển niềm đam mê với tranh khắc gỗ Nhật Bản. Tuy nhiên, cuộc sống khắc khổ với bánh mì, cà phê và rượu absinthe khiến danh họa ngã bệnh và buộc phải trở lại Paris sống với em trai. Tại đây, quyển phác thảo tranh thứ ba của Van Gogh ra đời. Cuốn phác thảo này có hình chữ nhật, khá lớn so với hai cuốn bỏ túi trước đó. Trong đó lấp đầy các bản vẽ về con người Paris, mẫu nữ khỏa thân và các tác phẩm điêu khắc trong bảo tàng. Trong một ký họa của quyển thứ ba này, có hình ảnh chiếc cối xay gió ở ngôi làng nông thôn Montmartre, một hình ảnh  xuất hiện rất nhiều sau này trong nhiều bức tranh của Van Gogh đồng thời có hoa đơn giặt ủi và các lời nhắn của em trai danh họa. Trong đó, có một mảnh giấy được Van Gogh xé rời ra để nhắn với em trai rằng ông đã vào thành phố. 

Dường như không thể xa rời phong cảnh nông thôn, tới năm 1888, Van Gogh rời Paris tới định cư ở Arles, miền Nam nước Pháp. Ở đó, ông tình cờ gặp một cô gái mới 13 tuổi tên là Jeanne Calment, bán bút chì màu cho cửa hàng của người họ hàng. Sau này, cô gái miêu tả lại bộ dạng của danh họa bằng những tính từ: “dơ bẩn, trang phục tơi tả và khó chịu”. Van Gogh đã luôn khao khát tạo ra một thế giới nghệ thuật ở Arles. Paul Gauguin, một người bạn của ông cũng đã tới đây và cả hai sống trong căn nhà mang tên Yellow House.

Sổ phác thảo: Khởi đầu cho những kiệt tác của Van Gogh 3
Phác thảo hoa hướng dương trong quyển cuối cùng

Sổ phác thảo: Khởi đầu cho những kiệt tác của Van Gogh 4
Những bức tranh về chủ đề hoa hướng dương của Van Gogh

Quyển phác thảo cuối cùng của Van Gogh có một vẻ ngoài khá thanh lịch với bìa bằng vải lanh và một thanh đánh dấu trang. Trong đó lưu giữ 16 bản phác thảo của loạt tranh chủ đề hoa hướng dương nổi tiếng và 12 bản phác thảo các phong cảnh khác của ông. Chính thời điểm này, giấc mơ biến Arles thành Thánh đường nghệ thuật của Van Gogh tan vỡ. Ông bị đuổi khỏi Yellow House và bị coi là một kẻ điên rồ, phải an trí trong một bệnh viện tâm thần. Năm 1890, ông rời bệnh viện, tới Auvers-sur-Oise, tây bắc nước Pháp đề được ở gần em trai. Hai tháng sau đó, ông tự vẫn bằng súng, để lại những phác thảo chưa được phát triển thành các tác phẩm hội họa hoàn chỉnh.