Những chiếc bút làm nên bản thảo

Nuage, Theo Trí Thức Trẻ 14:00 21/08/2013

Có bí quyết gì đằng sau trang viết của các cây bút tài năng? Bút máy, bút chì, và các loại giấy khác nhau, mỗi người đều lựa chọn và chung thủy với các công cụ sáng tác như một tôn giáo.

Thói quen có thể làm nên bản sắc của thành công, có thể cũ kỹ, lỗi thời, các công cụ này vẫn được các tác giả tin dùng suốt sự nghiệp.

Ernest Hemingway

Tiểu thuyết gia người Mỹ viết bản nháp tác phẩm bằng một cây bút chì đơn giản và hoàn thiện bản thảo bằng máy đánh chữ. “Viết bằng bút chì giúp bạn dễ dàng sửa đổi một số phần chưa ưng ý. Sau đó, bản đánh máy lại giúp rà soát và hoàn thiện bản thảo. Cuối cùng, bản bông sẽ cho phép bạn chỉnh sửa thêm một lần nữa”, chủ nhân giải Nobel văn học 1954 cho biết.

Trong cuốn bút ký về những kỷ niệm ở Paris, A Moveable Feast (Hội hè miên man), Hemingway cũng kể lại: “Những cuốn sổ màu xanh, hai bút chì, một cây chuốt bút, một chiếc bàn đá cẩm thạch, mùi kem tươi trong quán cà phê, mùi thanh sạch của buổi sáng sớm, và vận may, là tất cả những gì bạn cần”.

Vladimir Nabokov

Tác giả tiểu thuyết Lolita thích viết bằng bút Eberhard Faber Blackwing 602 trên những trang viết nháp đầu tiên của các tác phẩm của mình.

Những chiếc bút làm nên bản thảo 1
  Vladimir Nabokov thích làm việc với bút Eberhard Faber Blackwing 602

Neil Gaiman

Nhà văn người Anh nổi tiếng với series truyện tranh Sandman cũng như cuốn sách đoạt giải Câu chuyện nghĩa địa sử dụng một cây bút máy để viết tác phẩm. “Năm 1994, khi tôi viết cuốn tiểu thuyết Stardust (Ánh sao ma thuật), trong ý nghĩ, tôi muốn nó được viết theo cách những năm 1920, vì vậy, tôi đã mua một cuốn sổ dày và một chiếc bút Waterman. Lần đầu tiên tôi sử dụng bút máy là vào năm 13 tuổi. Tôi cảm thấy mình viết văn bản chậm hơn và thử qua nhiều câu khác nhau. Tôi phát hiện ra một thực tế là chữ viết tay yêu cầu bạn phải làm một bản dự thảo thứ hai thay vì xóa sạch như viết trên máy tính. Tôi cũng phát hiện ra rằng mình đặc biệt thích cảm giác được làm việc với bút mực”, Neil Gaiman nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2012.

Neil Gaiman cũng tiết lộ rằng ông có tới khoảng 60 chiếc bút máy và thích viết tiểu thuyết bằng hai loại riêng biệt. “Tôi thích thay đổi màu mực mỗi ngày. Trong nháy mắt tôi đã viết bao nhiêu trang”. Gaiman là thương hiệu bút máy được Neil Gaiman yêu thích. Ông sử dụng nhiều phiên bản bút của hãng này như: WSBI Diamond 540, Visconti, Pilot Custom 823 Amber, Delta Fluida, Lepine Indigo Classic.

Stephen King

Cây bút kinh dị, giả tưởng được tán dương khắp thế giới từng miêu tả cây bút máy Waterman của mình là “trình xử lý văn bản tốt nhất thế giới”. Ông bắt đầu viết tay kể từ sau một tai nạn xe hơi khiến việc ngồi trước máy tính trở nên khó khăn. Và Stephen King cũng nhận ra rằng việc sử dụng bút máy giúp ông suy nghĩ kỹ hơn về mỗi từ mình định viết ra.

Simone de Beauvoir

Nhà văn, nhà triết học người Pháp, Simone de Beauvoir từng sử dụng một số loại bút để viết tác phẩm như: Sheaffer Snorkel Triumph, Sheaffer’s Snorkel, và Esterbrook.

Những chiếc bút làm nên bản thảo 2
Sheaffer Snorkel Triumph, Sheaffer’s Snorkel, và Esterbrook là những thương hiệu bút ưa thích của Simone de Beauvoir

Mark Twain

Nhà văn khôi hài người Mỹ rất cưng chiều những cuốn sổ bọc da tự tay ông thiết kế. Cứ hễ viết xong một trang, Mark Twain lại xé rời chúng ra để viết trang tiếp theo. Ông thích viết bằng bút Conklin Crescent Filler, một loại bút không thể lăn khỏi bàn viết. Từ những năm 1890, căn bệnh thấp khớp tay đã khiến việc viết tay của Mark Twain trở nên khó khăn. Ông đã tập viết bằng tay trái và đã thành công.

Sylvia Plath

Trong tác phẩm Birthday Letters (Những bức thư sinh nhật) của nữ tác giả người Mỹ, Sylvia Plath, tất cả độc giả đều biết bà sử dụng một cây bút hiệu Sheaffer để viết tác phẩm của mình.

Dylan Thomas

Nhà thơ xứ Wales sử dụng cây bút nổi tiếng Parker 51, một loại bút được ca ngợi vì có mực khô nhanh để viết những tác phẩm của mình.

Những chiếc bút làm nên bản thảo 3
  Dylan Thomas sử dụng cây bút nổi tiếng Parker 51, một loại bút được ca ngợi vì có mực khô nhanh

Truman Capote

“Tôi không sử dụng máy đánh chữ mà hoàn thành bản thảo bằng bút chì, sau đó tiếp tục chỉnh sửa trên bản viết tay. Lần thứ ba, tôi gõ dự thảo trên máy tính và vẫn không rời khỏi giường, đặt máy tính ngay trên đầu gối, tôi có thể gõ khoảng 100 từ trong 1 phút”, nhà văn Mỹ với nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch và văn học phi hư cấu được coi là kinh điển cho hay.

John Steinbeck

Chủ nhân giải Nobel văn chương 1962 là một người nghiện bút chì. Mỗi lần ngồi vào bàn viết, ông thường bày khoảng 24 bút chì quanh bàn. John Steinbeck đặc biệt thích thương hiệu bút chì Blackwing nổi tiếng đồng thời cũng ưa chuộng Mongol 480. Người ta đồn rằng John Steinbeck từng sử dụng 300 cây bút chì để viết East of Eden (Phía đông vườn địa đàng), 60 cây bút chì để viết The Grapes of Wrath (Chùm nho phẫn nộ) và Cannery Row (Một dãy đồ hộp).

Những chiếc bút làm nên bản thảo 4
  John Steinbeck từng sử dụng 300 cây bút chì để viết East of Eden (Phía đông vườn địa đàng)

Claire Messud

Nhà văn người Mỹ nổi tiếng với văn phong thông thái và hài hước, tác giả của The Emperor’s Children (Những đứa con của Hoàng đế) không thể làm việc nếu không có một cây bút máy chất lượng và loại giấy hảo hạng của hãng Clairefontaine.

Jane Austen

Nữ văn sĩ người Anh thích viết trong những cuốn sổ có vẽ bìa khá lãng mạn. Bà cũng sử dụng bút lông và một loại mực kỳ lạ pha chế từ táo, gỗ sồi, bia... và được chưng cất gần lò sưởi chừng 2 tuần.

Những chiếc bút làm nên bản thảo 5
  Jane Austen sử dụng bút lông và một loại mực kỳ lạ pha chế từ táo, gỗ sồi, bia

Henry David Thoreau

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống sản xuất bút chì, Henry David Thoreau đã làm việc trong xưởng khi còn rất trẻ. Ông đã phát minh ra bút chì Mỹ đời đầu bằng cách gắn than chì mềm với đất sét, giúp tăng độ vững vàng và sử dụng được lâu hơn. Thoreau luôn mang một cây bút chì kèm với cuốn sổ theo bên cạnh để có thể bắt tay vào viết tác phẩm bất cứ lúc nào.

Charles Dickens

Tiểu thuyết gia người Anh nổi tiếng nhất thời đại Nữ hoàng Victoria sử dụng mực đen tiêu chuẩn thời ấy (nay là màu nâu) để viết tác phẩm của mình trước khi chuyển sang màu mực xanh vào năm 1840. Ông cũng thường sử dụng giấy màu xanh dương để viết tác phẩm.

Những chiếc bút làm nên bản thảo 6
Charles Dickens thường sử dụng giấy màu xanh dương để viết tác phẩm

J. K. Rowling

Hiện J. K. Rowling đã trở thành tỷ phú làng văn nhưng ít ai biết rằng nữ nhà văn từng viết series truyện nổi tiếng Harry Potter trên những tờ giấy rời lỗi thời và những chiếc bút bình thường.

Arthur Conan Doyle

Tác giả tiểu thuyết trinh thám Sherlock Holmes, Arthur Conan Doyle đã viết nhiều tác phẩm với một cây bút hiệu Parker Duofold.

Judy Blume

Nữ nhà văn người Paraguay, Judy Blum nổi tiếng với tiểu thuyết The News From Paraguay (Tin tức từ Paraguay) chỉ có một công thức thành công đơn giản: giấy và bút chì. “Những tương tác giữa não bộ và cây bút chì trong tay tôi là điều quan trọng với quá trình sáng tạo của tôi”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn. Thỉnh thoảng, Judy Blume vẫn sáng tác trực tiếp trên máy tính nhưng bà vẫn luôn tin rằng bản thảo tốt nhất nên được viết tay và chỉnh sửa bằng bút chì.