Lẩn thẩn chuyện làm vỡ cốc

Red, Theo Pháp luật xã hội 00:26 23/01/2014

Đôi khi làm rơi vỡ cốc cũng thành to chuyện, lo lắng, suy diễn. Ngẫm nghĩ tìm kiếm ý nghĩa của việc ấy cũng chẳng phải lẩn thẩn lắm đâu, có khi còn ngộ ra nhiều điều về bản thân mà mình không ngờ tới nữa đấy.

Người duy tâm, người yếu bóng vía, người mê tín hay phần đông người Việt mình đều kiêng kỵ làm vỡ đồ đạc trong những ngày đầu năm, đầu tháng. Đổ vỡ luôn được coi là điểm chẳng lành, báo trước những rủi ro có thể xảy đến với mình hay người thân.

Tôi cũng có không ít lần làm rơi vỡ thứ này thứ khác. Có lúc để ý đến, có lúc không. Tôi vốn yếu bóng vía nên nếu đã để ý thì sẽ lo sợ, nhưng bản tính lạc quan và tư duy tỉnh táo, tôi đều trấn an được mình. Lần này thì khác. Tôi vô tình đánh rơi chiếc cốc thủy tinh làm nó vỡ tan vào đúng ngày Tết Dương Lịch, cũng đồng thời là ngày mùng Một của tháng Chạp. Chuyện có vẻ nghiêm trọng hơn rất nhiều. 

Đã lâu lắm rồi tôi không bất cẩn như thế. Liệu có phải đây là điềm báo tôi sẽ gặp phải nhiều chuyện không may trong tháng này, hay tệ hơn, năm 2014 của tôi sẽ rất trắc trở? Căng thẳng xâm chiếm lấy tôi, viễn cảnh bi quan khiến tôi thực sự chán nản.

Chỉ là một chuyện tất nhiên ngẫu nhiên xảy ra. Đồ thủy tinh thì sớm muộn gì chả phải vỡ. Nhưng sao lại chọn đúng ngày này? Và cớ sao tôi lại lo lắng thế?

Lẩn thẩn chuyện làm vỡ cốc 1
Vỡ ly có phải điềm báo trước những rạn nứt trong cuộc sống?

Thời trẻ con vô âu vô lo là lúc đánh vỡ nhiều nhất mà chẳng mảy may nghĩ ngợi điều gì ngoài việc lo bị mắng. Lớn một chút thì bắt đầu biết đến những điều duy tâm. Người lớn duy tâm hơn, mê tín hơn trẻ nhỏ. Không phải chỉ vì bị tác động bởi thông tin đa chiều, bị nhồi nhét vào đầu những quan điểm duy tâm đã tồn tại từ bao lâu nay; mà bởi vì người lớn nhưng chưa đủ lớn, biết nhưng chưa đủ biết để mà không lo lắng vẩn vơ về những chuyện không lý giải được.

Và quan trọng là, người lớn có nhiều tài sản hơn để mà mất. Trẻ con chẳng tiếc gì cái vô ưu, sự trong sáng hay nguồn năng lượng dồi dào. Người lớn hơn, họ lo gìn giữ cái tôi mỏng manh, sự ổn định mỏng manh, hạnh phúc mỏng manh cũng như nỗi đau mỏng manh. Chỉ có nỗi sợ là rõ ràng và không mảy may bị nghi ngờ. Người lớn nghi ngờ sự thật, nghi ngờ hạnh phúc. Nhưng tuyệt nhiên không nghi ngờ nỗi sợ. Bởi thế, nỗi sợ rất mạnh.

Âm thanh rơi vỡ của thủy tinh hay sứ tác động rất mạnh đến tâm trí con người, xé toạc không gian và làm mình khựng lại trong giây lát. Dòng suy nghĩ và dòng cảm xúc bị chặn đứng đột ngột, ta tập trung vào cái cốc vỡ. Một người bình tĩnh, ổn định sẽ dẽ dàng định thần lại, cẩn thận dọn cái cốc và cẩn trọng hơn trong những hành động sau này. Người lạc quan chắc sẻ cười ha hả vì sự vụng về của mình. Nhưng, nếu tâm trạng đang bất ổn, sau cái giật mình, lo lắng dâng cao hơn, nhịp tim đập mạnh hơn. Dồn dập. Nếu hạnh phúc hay trạng thái tốt chỉ vừa mới có, người nhạy cảm sẽ lo lắng sợ rằng chúng chẳng ở lại với mình lâu, rằng trời yên biển lặng chỉ để đón chào một cơn giông tố mới.

Lẩn thẩn chuyện làm vỡ cốc 2
Tiếng thủy tinh rơi vỡ dễ làm ta khựng lại, hốt hoảng

Nếu như vỡ gương luôn luôn là một điểm chẳng lành, thì may mắn thay, vỡ cốc chén hay vỡ bát bát đĩa mang nhiều ý nghĩa khác nhau trong mỗi nền văn hóa trên thế giới mà đa số đều cho đó là một tín hiệu lành. Ly cốc vỡ là vật hy sinh trong văn hóa của người Ai Cập và cộng đồng người Do Thái, nó hứng chịu thay cho người làm vỡ những rủi ro có thể xảy đến trong tương lai. Điển hình hơn, đối với người Do Thái, cuộc hôn nhân hay tình yêu cũng mong manh dễ vỡ như thủy tinh, chiếc ly được thả vỡ trong đám cưới là để nhắc nhở điều ấy, đồng thời là để chịu thay cuộc hôn nhân những rạn nứt không thể tránh khỏi sau này. Cùng với lời cầu nguyện: “Chiếc ly này đã vỡ, còn cuộc hôn nhân này thì không bao giờ.” Mọi cuộc hôn nhân dường như đều chịu lời nguyền đau khổ, chiếc ly vỡ và lời nguyện cầu giống như câu thần chú giải thoát các cặp đôi khỏi lời nguyền nghiệt ngã đó.

Lẩn thẩn chuyện làm vỡ cốc 3
Ngày nay, trong lễ cưới của người Do Thái, chiếc ly được bọc trong miếng vải trước khi bị dẫm vỡ để đảm bảo an toàn

Tôi là một người hết sức bình tường, nghĩa là có vui có buồn, vừa hoài nghi vừa lạc quan ở mức độ tương đối. Tôi cũng đã thất thần khựng lại vào cái khoảnh khắc tôi làm rơi vỡ chiếc cốc đúng ngày mồng Một tháng Chạp và chính là ngày Tết Dương Lịch hôm ấy. Tôi đã bất an lo lắng cho những ngày sắp tới, lục lại xem mình đã làm gì sai, căng thẳng dự đoán chuyện không may nào có thể xảy ra và thầm trách một cách vô cớ là tại sao tôi lại phải hứng chịu xui xẻo cơ chứ. Rốt cục rồi tôi cũng trấn tĩnh được mình. Hơn thế nữa, nhận ra được điều gì mình đang lo lắng, và điều gì mình đang trân trọng.

Tôi đồng tình với cách nhìn nhận thực dụng của người Mỹ. Với họ, làm vỡ cốc đơn thuần chỉ là một tai nạn, dọn dẹp nó cẩn thận và an toàn mới là điều quan trọng nhất. Tôi thích lối suy nghĩ lạc quan trên cơ sở nhận thức được mặt bi quan tất yếu của cuộc sống trong văn hóa của người Do Thái, người Pháp, Rumani - cái nôi của dân hippie và rất nhiều quốc gia khác. Quan điểm khiến tôi suy nghĩ nhất, vừa thực tế vừa duy tâm, đó là có lẽ mình đang không tập trung vào thực tại – nghĩa hẹp là vị trí cái cốc và hành vi của mình lúc đó, nghĩa rộng là toàn bộ cuộc sống của mình trong thời điểm hiện tại, hoặc đang không ở đúng nơi dành cho mình. Nghĩa là cần thay đổi. Nếu không sẽ có đổ vỡ trong tương lai. Âm thanh chiếc cốc vỡ là để thức tỉnh trạng thái u mê, là điều nhắc nhở về sự mong manh và vô tri của vạn vật. May hay rủi. Hạnh phúc hay khổ đau. Thành công hay thất bại. Tất cả đều không là mãi mãi.

Đổ vỡ là phải có để sinh ra cái mới. Cũng như cái chết là tất yếu, và là cơ sở, là mùn, là dưỡng chất để từ đó cái mới nảy mầm. Rốt cục, cái  cốc vỡ không đơn giản là chuyện cái cốc vỡ, nó mở ra trong tôi nhiều suy nghĩ, tạo cho tôi cái cớ để nhìn lại mình và ươm trong tôi hy vọng lạc quan về một sự thay đổi. Đó chính là cái mà tôi đang mong chờ. Phải thay đổi chứ. Vì ngày hôm nay chẳng mấy chốc sẽ là ngày hôm qua của ngày mai.