Họa phẩm của John Sloan: Để xua đi những mỏi mệt của đời sống đô thị

Kachi, Theo Pháp luật xã hội 14:01 05/12/2013

John Sloan gửi gắm niềm khát khao được vẽ, được họa lại những khoảnh khắc đầy nữ tính của phụ nữ cũng là để khuây khỏa những mỏi mệt thường ngày của công chúng đô thị.

Sinh ra ở Pennsylvania nhưng lớn lên ở Philadelphia, từ nhỏ John Sloan (1871-1951) đã rất ham đọc sách, đặc biệt là tác phẩm của các Đại văn hào như Shakespeare, Dickens, và Balzac. Ở tuổi 12, John Sloan đã đảm nhận công việc minh họa bằng màu nước cho một cuốn sách và luôn tìm tòi, học hỏi để vẽ minh họa sống động hơn nữa. Đến tuổi 19, Sloan tự vẽ chân dung bằng sơn dầu mặc dù chưa qua trường lớp đào tạo nào.

Họa phẩm của John Sloan: Để xua đi những mỏi mệt của đời sống đô thị 1
The Picnic Grounds (1906)

Họa phẩm của John Sloan: Để xua đi những mỏi mệt của đời sống đô thị 2
The Wake of the Ferry (1907)

Họa phẩm của John Sloan: Để xua đi những mỏi mệt của đời sống đô thị 3
Hairdresser's Window (1907)

Tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật năm 1892, John Sloan trở thành họa sĩ vẽ minh họa cho tờ báo The Philadelphia Inquirer và chịu ảnh hưởng lớn của họa sĩ Robert Henri. Tới New York vào năm 1904, ông tiếp tục làm việc trong ngành hội họa thương mại cho tới năm 1916, họa sĩ người Mỹ bắt đầu một con đường riêng, lấy hiện thực xã hội làm nền cho những sáng tạo táo bạo. Điều này xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn thời thơ ấu của gia đình John Sloan khiến họa sĩ tiềm năng phải nghỉ học sớm từ năm 16 tuổi, vào làm trong một nhà sách để phụ giúp gia đình. Và thay vì chán ghét thế giới, John Sloan muốn làm một điều gì đó để thay đổi, giúp đỡ những người nghèo. Ông gia nhập Đảng Xã hội vào năm 1910 và luôn tích cực đấu tranh cho tầng lớp lao động. Năm 1912, ông tới làm việc cho tờ The Masses và gây ấn tượng với những bức tranh bìa mô tả sự khốn khổ của người dân nghèo. Và John Sloan trở thành một thành viên của một nhóm nghệ sĩ Mỹ gồm 8 người có tên gọi là New York Realist, The Eight hay thường được gọi vui là Ashcan School với phong cách vẽ tả thực thịnh hành tại Mỹ trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20.

Họa phẩm của John Sloan: Để xua đi những mỏi mệt của đời sống đô thị 4
Sunday, Women Drying Their Hair (1912)

Họa phẩm của John Sloan: Để xua đi những mỏi mệt của đời sống đô thị 5
Spring Rain (1912)

Họa phẩm của John Sloan: Để xua đi những mỏi mệt của đời sống đô thị 6
A Woman's Work (1912)

Đường phố New York là một nguồn cảm hứng bất tận của John Sloan. Ông có năng khiếu kể lại các giai thoại, tường thuật biên niên sử cuộc sống gai góc của cuộc sống đô thị bằng tranh vẽ. John Sloan đặc biệt quan tâm tới cách sử dụng màu sắc. Ông thích sử dụng bóng râm chứ không phải ánh sáng mạnh hay bóng tối. Với một trí tưởng tượng phong phú và tâm hồn nhạy cảm, John Sloan quan sát cuộc sống trong mọi hoàn cảnh, nhiều nhất là quan sát và vẽ tranh qua khung cửa sổ trên căn gác của mình và truyền đạt tâm hồn, cảm xúc vào trong mỗi bức tranh. Ông không quan tâm tới việc người ta quảng bá và giải thích các tác phẩm của mình mà chỉ biết rằng mình đã tìm được niềm vui ngay trong bối cảnh nhộn nhịp của cuộc sống. 

Họa phẩm của John Sloan: Để xua đi những mỏi mệt của đời sống đô thị 7
A Window on the Street (1912)

Họa phẩm của John Sloan: Để xua đi những mỏi mệt của đời sống đô thị 8
Spring Planting in Greenwich Village (1913)

The Picnic Grounds (1906), The Wake of the Ferry (1907), Hairdresser's Window (1907), A Window on the Street (1912), A Woman's Work (1912), Spring Rain (1912),  Sunday, Women Drying Their Hair (1912), Spring Planting in Greenwich Village (1913)… là những bức tranh đẹp nhất của John Sloan vẽ khoảnh khắc nữ tính của những người phụ nữ. Đẹp đẽ và bình dị, tranh vẽ phụ nữ của John Sloan tạm đưa công chúng khuây khỏa những mỏi mệt thường ngày của cuộc sống đô thị để đón nhận niềm vui rất trong sáng.