Hành trình của hôn nhân bình đẳng

Nuage, Theo Pháp luật xã hội 00:00 25/01/2014

Có một thời, tầng lớp quý tộc và giới cầm quyền sử dụng hôn nhân như một hiệp ước quốc tế ngấm ngầm nhằm đẩy mạnh quan hệ ngoại giao và thương mại.

Người Hy Lạp cổ đại quan niệm rất đơn giản, rằng hôn nhân là để tạo ra một thế hệ con người mới. Như những nhà nước cổ đại khác, Athens không có hệ thống pháp lý hôn nhân; vì thế, đàn ông ở nhà nước này có bao nhiêu vợ và thê thiếp tùy ý, miễn sao những đứa con ra đời, thừa kế tài sản, truyền thống và dòng dõi gia đình. Do vậy, không hiếm những cô gái thời Hy Lạp cổ đại, sau khi người cha qua đời mà không có anh hoặc em trai sẽ buộc phải lấy một người đàn ông cùng huyết thống họ hàng để tiếp tục sản sinh ra dòng máu của gia tộc. 

Hành trình của hôn nhân bình đẳng 1
Người Hy Lạp cổ đại quan niệm rất đơn giản, rằng hôn nhân là để tạo ra một thế hệ con người mới

Ở một số nền văn hóa khác, những người đàn ông có thể cưới vài bà vợ để họ cùng chia sẻ gánh nặng gia đình. Thậm chí phụ nữ ở Botswana, một đất nước thuộc Nam Phi còn cổ xúy cho truyền thống này. Còn thổ dân Úc sắp xếp các cuộc hôn nhân cho con em mình dựa trên khả năng thích nghi với hoàn cảnh của các đối tượng, nhằm đảm bảo gia đình sẽ được cung cấp thực phẩm và nước suốt hành trình du mục. Một số bộ lạc người Mỹ bản địa lại rất ưa chuộng những đối tượng kết hôn là những người đa năng, có thể làm tốt hai vai trò của cả nam giới và phụ nữ. Nói tóm lại, với những cư dân cuộc sống còn khó khăn, kết hôn là một lựa chọn thuộc về kinh tế và thực tế. Họ kết hôn với bất cứ ai có thể giúp đỡ bản thân và gia đình.

Riêng ở Trung Quốc cố một nghi lễ hôn nhân kỳ lạ là tổ chức lễ cưới cho người chết, dựa trên tín ngưỡng về sự an ủi người đã khuất, giúp họ không còn cảm thấy cô đơn ở thế giới bên kia. Mặc dù bị cấm, nghi lễ hôn nhân cho các linh hồn vẫn còn tồn tại ở Trung Quốc. Cũng ở đất nước này cũng như nhiều vùng đất phương Đông khác nhiều đời nay đã tồn tại quy luật hôn nhân “Thuyền theo lái, gái theo chồng”. Uy lực của người đàn ông, gia đình bên nội vẫn luôn vượt trội hơn cả. 

Trong thời Ai Cập cổ đại, nhất là dưới sự cai trị của đế chế Alexander, hôn nhân được sử dụng như một công cụ chính trị. Các vị vua thường lấy nhiều vợ để thành lập các liên minh với những người cùng tước vị. Tuy nhiên, các bà vợ của các vị vua, tướng lĩnh, quý tộc Hy Lạp lại không có được sự hòa thuận, chấp nhận như phụ nữ Botswana. Họ thường ganh ghét và tìm cách hạ bệ nhau vì mỗi người được xem là một mối đe dọa danh phận khi người kia lên nắm quyền. Tương tự, những đứa con cùng bố của các bà mẹ khác nhau cũng dè chừng và theo chân mẹ mưu chống lại anh em mình. Để đảm bảo những người thừa kế hợp pháp, một số cuộc hôn nhân giữa anh chị em cùng huyết thống cũng đã diễn ra. Tầng lớp xã hội thấp hơn, không quá băn khoăn về của cải, tự do hơn một chút trong việc lựa chọn bạn đời. Nhưng cuộc hôn nhân vẫn chủ yếu được xem như hợp đồng kinh doanh, một cách gia tăng lực lượng và sức lao động. Riêng nô lệ, không có nhà và tài sản riêng, bị cấm kết hôn.

Ở xã hội La Mã, nhà nước không câu nệ nhiều về việc kết hôn. Các nhà cầm quyền hay quý tộc thường kết hôn chỉ để hình thành liên minh với những người đàn ông cầm quyền khác. Và những người đàn ông thường sử dụng người vợ của mình như một công cụ để bước lên những bậc thang danh vọng cũng như quyền lợi chính trị. 

Thời kỳ mới hình thành, lực lượng Kitô hữu (Tín hữu Cơ Đốc) cho rằng quan hệ tình dục và hôn nhân là một trong những điều ác cần tránh xa. Theo đó, hôn nhân sẽ làm suy yếu nỗ lực cứu rỗi tâm linh của con người. Do đó, đời sống độc thân là trên hết, tất nhiên, nếu nhằm mục đích sinh sản, duy trì nòi giống, quan hệ tình dục vẫn được phép, trừ các hành vi loạn luân.

Hành trình của hôn nhân bình đẳng 2
Tinh khiết và trong trắng là chuẩn mực chọn vợ thời Victoria

Thời Trung cổ ở châu Âu, khi cuộc sống vẫn còn khá chật vật, khó khăn, hôn nhân là một lối thoát ra khỏi sự bế tắc về kinh tế. Đối với những người giàu có, hôn nhân là sự sắp xếp giữa hai gia đình môn đăng hộ đối nhằm mong muốn thắt chặt mối quan hệ và hợp nhất tài sản. Trong thế kỷ 12 và 13, người ta tin rằng tình yêu không có chỗ trong hôn nhân và ngoại tình, hóa ra lại là đỉnh cao của sự lãng mạn. Với Giáo hội Công giáo, hôn nhân đơn giản là sự đồng thuận giữa một người đàn ông và một phụ nữ và quan trọng hơn nữa là sự tác thành của các bậc sinh thành. Đến thế kỷ 16, hôn nhân bất ngờ chuyển sang một giai đoạn mới, một bí tích được quan tâm. Năm 1563, Giáo Hội Công Giáo ra lệnh rằng hôn nhân là một nghi lễ thiêng liêng cần được thực hiện trong một nhà thờ. Trong khi đó, người theo đạo Tin Lành tuyên bố quyền kết hôn của các giáo sĩ.

Thời đại Victoria có lẽ là những ngày đẹp nhất của khái niệm hôn nhân đúng nghĩa. Nữ hoàng Victoria đã giúp thay đổi nhận thức của phụ nữ về quan hệ tình dục. Có nghĩa là hôn nhân lý tưởng phải dựa trên sức mạnh của đạo đức. Phụ nữ cần kìm nén ham muốn tình dục, giữ mình tinh khiết trước khi trao thân cho người chồng, cũng là tình yêu đích thực. Tuy nhiên, sang thế kỷ 20, những người trẻ nổi loạn đã tỏ bày sự phản đối, cho rằng quan điểm thời Victoria quá lỗi thời, tẻ nhạt. Vì thế, không chỉ kết hôn vì tình yêu mà yếu tố tình dục cũng rất quan trọng trong hôn nhân. Cuối những năm 1920, tình dục trong hôn nhân còn được đặt cao hơn cả tình cảm ruột thịt với cha mẹ. Điều này gây ra lo ngại cho các nhà nghiên cứu về việc quá coi trọng tính dục trong hôn nhân, một nguyên do có thể gây ra tình trạng mất cân bằng và hủy hoại truyền thống hôn nhân bấy lâu.

Sau Thế chiến II, cụ thể là từ năm 1950, mô hình “gia đình hạt nhân” bắt đầu tỏ rõ quyền uy và sức mạnh. Một cuộc hôn nhân lý tưởng phải có một người đàn ông trụ cột gia đình, một người vợ nội trợ và vài đứa con đáng yêu. Luật cấm người da trắng kết hôn với người da đen, người Mông Cổ, người theo đạo Hindu, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc hay Philippines vẫn còn tồn tại, tuy nhiên những bệnh nhân lao và những người có rối loạn tâm thần đã được phép kết hôn nếu có nhu cầu. 

Hành trình của hôn nhân bình đẳng 3
Một cuộc hôn nhân lý tưởng những năm 1950 phải có một người đàn ông trụ cột gia đình, một người vợ nội trợ và vài đứa con đáng yêu

Thời điểm cuối thế kỷ 20 được xem là bình minh của hôn nhân thuộc về quyền con người. Phong trào nữ quyền đã đấu tranh để giảm bớt áp lực đối với phụ nữ trong việc tìm những ý trung nhân phù hợp. Khoảng cách hôn nhân giữa những người khác chủng tộc, kinh tế, địa vị được nới lỏng, tự do hôn nhân được cổ xúy. Năm 2001, Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp quyền kết hôn cho các cặp đôi đồng tính. Đến nay, cuộc đấu tranh cho quyền kết hôn của người đồng tính vẫn đang diễn ra sôi nổi, như một lẽ tất yếu cho sự biến thiên của hôn nhân, vốn đã diễn biến không ngừng suốt lịch sử loài người.