Áo ngực: Biểu tượng nữ tính từ thời cổ đại

Kachi, Theo Pháp luật xã hội 00:00 27/01/2014

Từ những thế kỷ đầu tiên của loài người, giới nữ đã luôn đau đầu với câu hỏi làm thế nào để thu hút người khác giới, trong số đó, chiếc áo ngực là một trong những hạng mục được quan tâm hàng đầu.

Chiếc áo ngực qua nhiều thế kỷ đã có những biến thiên nhất định nhưng mục đích cuối cùng vẫn là phô diễn vẻ đẹp nữ tính của hình thể phụ nữ. Tuy nhiên, việc chạy theo cái đẹp cùng với những khát khao thân hình lý tưởng cũng gây nên không ít rắc rối cho phái đẹp nhiều đời nay.

Từ thời cổ đại đến nay, áo ngực, dù với mục đích giấu sự đầy đặn của bộ ngực hoặc tôn chúng lên đều là phụ kiện thời trang không thể thiếu trong tủ quần áo của phụ nữ. Một cuộc khai quật ở Crete đã phát hiện ra chiếc áo ngực cổ nhất trên thế giới, xuất hiện vào thời điểm năm 2100 trước Công nguyên. Chiếc áo ngực này được làm từ đồng và có các mắt lưới. Theo các nhà sử học, áo ngực của phụ nữ Hy Lạp là một dải vải gắn kèm áo váy. Đến thế kỷ 12, phụ nữ thường mặc “Basquin”, loại áo ngực thắt chặt thắt lưng bằng vải bố có đai khá rộng. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là ở một số vùng cấm phái đẹp dùng áo ngực, như sắc lệnh của Strasbourg, năm 1370 yêu cầu: “Phụ nữ không được mặc áo ngực bên trong áo hoặc váy”. Còn ở Pháp, thời đại của vua Charles VII (1422-1461), người ta đã khẳng định mặc áo bó ngực quá chật có thể gây nguy cơ biến dạng ngực. Amroise Pare (1516-1590), bác sĩ phẫu thuật người Pháp nổi tiếng, một trong những nhà cải cách y học thời Phục hưng cũng công bố nghiên cứu về ảnh hưởng của áo ngực với nguy cơ bị teo phổi. 

Áo ngực:  Biểu tượng nữ tính từ thời cổ đại 1

Áo ngực:  Biểu tượng nữ tính từ thời cổ đại 2
Bất chấp những nguy cơ sức khỏe được khuyến cáo, phụ nữ thời xa xưa sử dụng áo ngực như một phụ kiện không thể thiếu

Có lẽ những nghiên cứu về áp lực và tác hại của áo ngực đã có tác dụng khi đến thế kỷ 15, phụ nữ đã có gia đình ở nước Đức quyết định từ bỏ áo ngực để được hít thở dễ dàng hơn và vì một lý do không liên quan là: “Để duy trì ngọn lửa của niềm đam mê trong gia đình”. Một thế kỷ sau đó, phong trào văn hóa Phục hưng như một cơn gió mới thổi vào nhiều lĩnh vực, trong đó có thời trang. Lấy cảm hứng từ tấm áo giáp thời Trung cổ, mẫu áo ngực bảo vệ cơ thể và bó chặt lấy bộ ngực, làm cho ngực bằng phẳng ra đời và đặc biệt được phụ nữ Tây Ban Nha ưa chuộng. Khi Nữ hoàng Elizabeth I của nước Anh lên ngôi, bà đã là người cổ xúy cho mẫu áo ngực ít bó chặt hơn, thay vào đó là tôn lên bộ ngực trời phú của phụ nữ. 

Áo ngực:  Biểu tượng nữ tính từ thời cổ đại 3
Khi nữ hoàng Elizabeth I của nước Anh lên ngôi, bà đã là người cổ xúy cho mẫu áo ngực ít bó chặt hơn, thay vào đó là tôn lên bộ ngực trời phú của phụ nữ

Thời đại Victoria mở ra đồng thời với một quy chuẩn vô hình rằng phụ nữ không thể xuất hiện nơi công cộng mà không có áo ngực kèm theo. Áo ngực càng có thiết kế mỏng, càng khẳng định phong cách quý tộc. Mọi phụ nữ đều phải dùng áo ngực, kể cả những người giúp việc; tất nhiên, áo ngực của họ không quá cứng nhắc, nghiêm ngắn để có thể di chuyển và làm việc nhà. Thời đại Victoria không có chỗ cho các thử nghiệm thời trang táo bạo, đột phá. Nhiều phụ nữ bị bó chặt trong chiếc áo ngực khắc nghiệt, gây khó thở gây ảnh hưởng tới xương và thần kinh. 

Áo ngực:  Biểu tượng nữ tính từ thời cổ đại 4
Những biếm họa về mẫu áo ngực thắt chặt đến khó tin của phụ nữ thời xưa

Thế kỷ 18 đến, thời trang ở châu Âu cũng nhanh chóng phân thành hai nhánh. Các nước thuộc hoàng tộc Habsburg vốn chuộng áo ngực bó sát đã sử dụng chất liệu mềm mại hơn còn các vương quốc dưới ảnh hưởng của Tây Ban Nha thì vẫn bảo thủ với mẫu áo ngực cứng nhắc, thân áo ngực bằng lụa và siết chặt eo. Cuối thời kỳ Baroque, một phong cách nghệ thuật bắt nguồn từ thời Phục Hưng ở Italia, nghề may áo nịt ngực trở nên đáng giá vì hầu hết phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu đều quan tâm tới phụ kiện này. Cũng trong thế kỷ 18, khái niệm thân hình đồng hồ cát bắt đầu được ưa chuộng. Áo ngực trở thành một kiệt tác của ngành may mặc, được trang trí với ruy- băng và đường kim mũi chỉ hết sức tinh tế. 

Sau thất bại của Napoleon tại Waterloo, ông trở lại để dẫn dắt tầng lớp quý tộc Pháp. Cùng lúc này, áo ngực cổ điển trở lại thời huy hoàng, giai câp tư sản vẫn dùng áo ngực thời Victoria. Áo ngực được cách tân, ít chi tiết hơn và được xem là một biểu tượng đầy lãng mạn. Năm 1850 ở Mỹ, áo ngực trở thành một phụ kiện thời trang luôn có sẵn, là một tiếng nói về danh tiếng của một phụ nữ. 


Áo ngực:  Biểu tượng nữ tính từ thời cổ đại 5
Ngày nay, dù mẫu áo ngực đã tối giản và phong phú hơn nhưng nhiều phụ nữ vẫn sử dụng áo ngực cổ điển để tôn dáng

Thế kỷ 20 có lẽ là mảnh đất màu mỡ với thời trang áo ngực. Đặc biệt, với phụ nữ thừa cân muốn diện vừa những chiếc váy cổ điển, áo ngực là một vị cứu tinh. Đến năm 1930, áo ngực hiện đại đã định hình về hình dạng và kích thước. Từ thập niên 50 đến thập niên 80, sản xuất đồ lót nói chung và áo ngực nói riêng phát triển mạnh mẽ. Áo ngực, dù vẫn bị tranh cãi về các tác dụng phụ vẫn trở thành một phụ kiện thời trang không thể thiếu của phái đẹp, là biểu tượng tính nữ đã được định danh từ thời cổ đại.